Tiếng Việt | English

12/10/2023 - 10:28

Tăng cường quản lý thu gom, xử lý chất thải rắn

Tỉnh Long An xây dựng lộ trình cụ thể, tập trung các giải pháp để nâng cao công tác quản lý thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn trên địa bàn, phấn đấu đạt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025.

Phân loại rác - giải pháp hữu hiệu

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) - Nguyễn Tân Thuấn thông tin, hiện nay, phần lớn chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh chưa được phân loại tại hộ gia đình. Do đó, việc nghiên cứu giải pháp giảm lượng rác thải cần xử lý, giảm kinh phí xử lý rác thải và tận dụng tối đa rác để tái chế và tái sử dụng là vấn đề cấp thiết.

Theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2022), rác thải sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân phải được phân loại tại nguồn; các chủ nguồn thải không thực hiện phân loại rác thải sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính trong thời gian tới. Vì vậy, việc phân loại rác tại nguồn cần được khẩn trương thực hiện trên địa bàn toàn tỉnh.

Công nhân tại Nhà máy Xử lý rác thải huyện Vĩnh Hưng phân loại rác để sản xuất phân bón theo mô hình thí điểm

Thời gian qua, TP.Tân An phối hợp Sở TN&MT, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF - Việt Nam) triển khai thí điểm mô hình phân loại rác tại nguồn ở khu vực đô thị (phường 3). Quyền Chủ tịch UBND TP.Tân An - Võ Hồng Thảo cho biết, thành phố triển khai hướng dẫn cộng đồng dân cư phân loại rác tại nguồn theo quy định và thu gom rác thải nhựa có thể tái chế của người tiêu dùng. Trong đó, lưu ý các khu vực công cộng như công viên, chợ, khu vực kinh doanh nhỏ, lẻ, khu vực nhà trọ. Đồng thời, thành phố tăng cường tuyên truyền, khuyến khích người dân hướng đến sử dụng các sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường; huy động mọi lực lượng tham gia hoạt động thu gom, xử lý chất thải rắn phù hợp với tình hình thực tế, bảo đảm giữ gìn vệ sinh và cảnh quan môi trường khu vực công cộng, đô thị và nông thôn luôn xanh, sạch, đẹp;...

Sau TP.Tân An, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn ở khu vực nông thôn, thí điểm tại thị trấn Vĩnh Hưng và xã Thái Trị, huyện Vĩnh Hưng, trong đó, chú trọng việc vận hành dây chuyền sản xuất phân compost.

Ông Trần Văn Hùng (thị trấn Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Hưng) bộc bạch: “Việc phân loại rác khá dễ dàng nhưng mang lại hiệu quả cao. Lượng rác thải giảm hẳn. Các đơn vị thu gom, xử lý rác cũng thuận tiện hơn”.

Theo Phó Trưởng phòng TN&MT huyện Vĩnh Hưng - Trần Văn Tài, hiện nay, tỷ lệ thu gom rác thải của huyện cơ bản bảo đảm tiến độ đề ra. Lượng rác thải phát sinh mỗi ngày khoảng 20 tấn, được thu gom, xử lý tại Nhà máy Xử lý rác thải huyện Vĩnh Hưng. Huyện đang triển khai thí điểm phân loại rác tại nguồn ở khu vực nông thôn. Đây là cách làm mới, nhận được tín hiệu tích cực của người dân và cộng đồng dân cư. Bước đầu, người dân đã biết cách phân loại rác, sau đó, đơn vị thu gom đem về nhà máy tiếp tục phân loại, xử lý hoặc ủ, sản xuất phân bón.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp

Theo ông  Nguyễn Tân Thuấn, công tác quản lý thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh cơ bản kịp thời và đầy đủ. Tỉnh quan tâm, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện để đạt chỉ tiêu theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra: Tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 khu vực đô thị đạt 100% và khu vực nông thôn đạt 95%.

Năm 2023, tỉnh đề ra chỉ tiêu thu gom, xử lý rác thải khu vực đô thị đạt 100%, khu vực nông thôn đạt 75% trở lên.

Mỗi ngày, có khoảng 850-870 tấn rác thải phát sinh trên địa bàn tỉnh được thu gom, xử lý. Trong đó, chất thải rắn phát sinh của huyện Đức Hòa, Cần Đước và Cần Giuộc được vận chuyển về nhà máy xử lý chất thải tại TP.HCM. Chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn TP.Tân An và các huyện: Thủ Thừa, Bến Lức, Tân Trụ, Châu Thành và Thạnh Hóa được vận chuyển về Nhà máy Xử lý rác Tâm Sinh Nghĩa; tại các huyện còn lại, địa phương tự thu gom và xử lý. Toàn tỉnh hiện có 24 đơn vị thu gom chất thải rắn sinh hoạt; 4 vị trí xử lý chất thải; 5 đơn vị xử lý chất thải đang hoạt động trong khu, cụm công nghiệp trên địa bàn huyện Đức Hòa được Bộ TN&MT cấp giấy phép xử lý chất thải nguy hại.

Năm 2023, tỉnh đề ra chỉ tiêu thu gom, xử lý rác thải khu vực đô thị đạt 100%, khu vực nông thôn đạt 75% trở lên.

Để đạt chỉ tiêu trên, Sở TN&MT tăng cường phối hợp các địa phương, đơn vị, triển khai đồng bộ các biện pháp, giải pháp thu gom, xử lý chất thải rắn. Bên cạnh đó, Sở làm việc với Công ty Cổ phần Tâm Sinh Nghĩa, UBND huyện Thạnh Hóa đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đốt rác phát điện và tiếp nhận xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại Nhà máy Xử lý rác Tâm Sinh Nghĩa; triển khai Luật Bảo vệ môi trường năm 2022 và nghị định, thông tư hướng dẫn thực hiện Luật cho doanh nghiệp, các địa phương trên địa bàn tỉnh nắm bắt, tổ chức thực hiện hiệu quả theo kế hoạch đề ra;...

Hiện tại, tỷ lệ thu gom, xử lý rác tại khu vực đô thị đạt 100%, khu vực nông thôn đạt 73,6%, dự kiến sẽ hoàn thành chỉ tiêu đề ra trong năm 2023.

Theo ông Nguyễn Tân Thuấn, tuy đạt một số kết quả bước đầu nhưng công tác quản lý thu gom, xử lý rác thải còn những bất cập, hạn chế nhất định. Để đạt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra, Sở tiếp tục tham mưu UBND tỉnh sửa đổi quy định giá cụ thể đối với dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt; quy định quản lý thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh; đề xuất xây dựng cơ chế khuyến khích các thành phần kinh tế tư nhân tham gia đầu tư xây dựng và trực tiếp quản lý, khai thác, vận hành dự án xử lý chất thải sau khi xây dựng xong bảo đảm tính hiệu quả, ổn định và bền vững của dự án xử lý chất thải. Đồng thời, Sở kêu gọi nhà đầu tư đầu tư nhà máy xử lý chất thải trên địa bàn tỉnh; thường xuyên thanh, kiểm tra, giám sát công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn; huy động mọi nguồn lực đầu tư cho công tác quản lý, xử lý chất thải rắn;..../.

Thanh Mỹ

Chia sẻ bài viết