Nhiều chuyển biến tích cực
Thông tin từ UBND tỉnh, thời gian qua, công tác thu gom, xử lý CTR trên địa bàn tỉnh được tập trung thực hiện, có nhiều chuyển biến tích cực. Đến nay, việc thu gom, vận chuyển và xử lý CTR đối với khu vực đô thị đạt 100%, khu vực nông thôn đạt 70%. Nhiều địa phương đã xây dựng được các mô hình thu gom, xử lý rác thải hiệu quả.
HĐND tỉnh giám sát hoạt động xử lý rác thải rắn trên địa bàn huyện Vĩnh Hưng
Phó Chủ tịch UBND TP.Tân An - Võ Hồng Thảo cho biết, ngoài việc thực hiện các quy định về thu gom, xử lý rác thải, từ tháng 4/2020, thành phố thực hiện thí điểm phân loại rác tại nguồn trên địa bàn phường 3. Qua thời gian thực hiện, từng bước tạo được sự đồng thuận với trên 85% hộ dân tham gia.
Đến nay, việc phân loại rác tại nguồn tiếp tục được nhân rộng trên toàn thành phố. Bên cạnh đó, để thực hiện mục tiêu thu gom, xử lý rác thải bảo đảm tiêu chuẩn trên 99%, thành phố tập trung chỉ đạo các phòng, ban phối hợp chặt chẽ Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các xã, phường tổ chức triển khai công tác lập bộ rác, lựa chọn đơn vị thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải, không để xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường từ các ụ rác tự phát trên các tuyến đường giao thông.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Minh Lâm, tỉnh luôn xác định quan điểm chung là phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường, không đánh đổi môi trường lấy kinh tế. Vì vậy, công tác bảo vệ môi trường được lãnh đạo tỉnh quan tâm, chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai cho tổ chức, cá nhân chấp hành pháp luật về quản lý môi trường. UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 4174 quy hoạch địa điểm xử lý rác thải và Quyết định số 4528 về điều chỉnh Quy hoạch địa điểm xử lý rác thải tỉnh giai đoạn 2010-2020, tầm nhìn đến năm 2025; đồng thời, đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch các địa điểm xử lý CTR được tích hợp vào Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Toàn tỉnh hiện có 24 đơn vị thu gom, 4 vị trí xử lý CTR sinh hoạt, 5 đơn vị xử lý chất thải trong khu, cụm công nghiệp. Qua đánh giá, công tác thu gom, vận chuyển và xử lý CTR tại các địa phương tương đối ổn định, chưa xảy ra tình trạng ùn ứ rác. Các đơn vị thu gom quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường trong quá trình thu gom, vận chuyển như trang bị xe ép rác chuyên dụng, khung giờ lấy rác phù hợp để hạn chế ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân, thực hiện các biện pháp kỹ thuật hạn chế rơi vãi nước rỉ rác trong quá trình vận chuyển,...
Ngoài ra, UBND tỉnh quan tâm, bố trí quỹ đất để thu hút đầu tư xây dựng và vận hành nhà máy xử lý CTR trên địa bàn các huyện: Thạnh Hóa, Đức Hòa, Đức Huệ, Cần Giuộc và Thủ Thừa. UBND huyện Thạnh Hóa đang kêu gọi và đấu giá quyền sử dụng đất có điều kiện để triển khai xây dựng nhà máy xử lý chất thải tại xã Tân Đông, cạnh Nhà máy Xử lý chất thải Tâm Sinh Nghĩa.
Còn nhiều khó khăn, bất cập
Dù rằng, công tác thu gom, xử lý CTR trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, tuy nhiên, từ thực tế tại các địa phương khi thực hiện công tác này vẫn bộc lộ nhiều bất cập. Đơn cử, tại thị xã Kiến Tường, công tác thu gom, vận chuyển và xử lý CTR sinh hoạt phần lớn chỉ có thể thực hiện tại khu vực trung tâm đô thị và các khu, tuyến dân cư tập trung.
Các khu vực còn lại, thị xã tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân cách xử lý chôn lấp hợp vệ sinh. Riêng việc phân loại rác thải, chủ yếu hiệu quả đối với khu vực nông thôn và do hộ gia đình tự thực hiện phân loại; đối với khu vực thành thị, do cơ sở vật chất không bảo đảm, rác thải sau khi phân loại vẫn được thu gom, vận chuyển và xử lý chung nên công tác phân loại chưa đạt hiệu quả mong muốn. Bên cạnh đó, hiện nay, hoạt động thu giá dịch vụ không đủ chi trả chi phí quét dọn, thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt.
Hàng năm, ngân sách thị xã phải cấp bù 30-45% chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt. Tại các địa phương, còn tình trạng bỏ rác, đổ rác sinh hoạt không đúng nơi quy định; việc lập bộ làm cơ sở thu phí CTR sinh hoạt đạt thấp, trung bình chỉ đạt 23% và tỷ lệ thực thu/thu bộ theo lập bộ đạt 92%, điều này cũng dẫn đến ngân sách phải bù số tiền lớn.
Công tác xử lý rác còn nhiều bất cập, công nghệ xử lý rác chưa bảo đảm yêu cầu
Trong chuyên đề giám sát công tác thu gom, xử lý CTR vừa được HĐND tỉnh thực hiện, nguyên Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh - Nguyễn Hữu Tuấn cho rằng, tại một số địa phương, công tác quy hoạch thu gom, xử lý rác thải dù có nhưng triển khai ra thực tế rất chậm, một số nơi thậm chí không triển khai quy hoạch được. Trong khi đó, lượng CTR bình quân tăng từ 5-10%/năm.
Hiện việc xử lý rác thải cũng chưa thực sự bền vững khi có đến 50% lượng rác thải của tỉnh phải nhờ TP.HCM xử lý. Nếu như trường hợp TP.HCM ngưng tiếp nhận, xử lý rác thải thì sẽ rất khó khăn cho tỉnh trong tiếp nhận, xử lý rác. Việc xử lý rác thải tại khu vực nông thôn cũng còn nhiều bất cập, mỗi địa phương xử lý một kiểu, đa số người dân tự xử lý rác, có nơi đốt, có nơi chôn lấp.
Hiện nay, đối với khu vực đô thị, khu dân cư tập trung cũng chưa có quy hoạch vị trí tập kết rác thải dẫn đến tình trạng người dân để rác trước cửa nhà gây mất mỹ quan đô thị. Trước đây, xã, phường, thị trấn thu tiền rác nhưng nay, đơn vị dịch vụ đi thu, người dân không đóng, không có ai đôn đốc, nhắc nhở thu, phần thiếu hụt được bù bằng ngân sách, điều này chưa đúng theo tinh thần nghị quyết của HĐND.
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh - Mai Văn Nhiều cho rằng: “Dù việc phân loại rác tại nguồn trong các mô hình đã phát huy hiệu quả nhưng đa số dừng lại ở mức phong trào. Còn nhiều nơi, khi người dân phân loại rác tại nguồn nhưng đơn vị thu gom lại dồn chung vào 1 xe, chỉ một ít đơn vị thu gom bằng 2 xe riêng biệt.
Một số đơn vị có xe thu gom riêng thì đến nơi xử lý, rác thải lại được đưa vào xử lý chung. Điều này cũng dẫn đến việc người dân chưa thấy được hiệu quả, dẫn đến khó đạt mục tiêu bảo đảm phân loại rác tại nguồn vào năm 2025.
Mặt khác, việc thu gom, xử lý rác thải còn gặp bất cập về giá xử lý rác thải. Trong khi đơn vị xử lý rác tính theo khối lượng thì hiện nay, giá thu gom rác trên địa bàn tỉnh lại tính theo hộ, việc này cũng dẫn đến sự chênh lệch giữa giá thu gom và giá xử lý”.
Cần thực hiện đồng bộ các giải pháp
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh - Mai Văn Nhiều phát biểu tại buổi giám sát chuyên đề hoạt động xử lý chất thải rắn
Theo Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh - Mai Văn Nhiều, qua thực tế giám sát về hoạt động xử lý CTR trên địa bàn tỉnh, trước hết, UBND tỉnh cần thực hiện hiệu quả công tác quy hoạch, quy hoạch phải đồng bộ, đầy đủ theo đúng quy định của pháp luật, từ điểm tập kết tại khu dân cư, khu trung chuyển rác đến khu xử lý rác tập trung của cấp huyện, cấp tỉnh.
Trong quản lý quy hoạch phải bảo đảm chặt chẽ, ổn định, bền vững; phải xác định nguồn lực để thực hiện, nhất là xây dựng giải pháp cụ thể để triển khai các dự án đầu tư theo quy hoạch được duyệt. Riêng những khó khăn, vướng mắc liên quan đến các sở, ngành, địa phương, cần phải được tháo gỡ ngay để triển khai các dự án.
Đồng thời, UBND tỉnh cần phải rà soát lại các cơ chế, chính sách trong công tác quản lý nhà nước liên quan đến thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải bảo đảm thống nhất, đồng bộ. Đặc biệt, UBND tỉnh cần sớm ban hành văn bản thay thế hoặc bổ sung Quyết định số 06/2022/QĐ-UBND, ngày 13/01/2022 của UBND tỉnh về quy định giá cụ thể đối với dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý CTR sinh hoạt. Riêng đối với hoạt động xử lý CTR, UBND tỉnh cần tiếp tục chỉ đạo các ngành, địa phương tăng cường, đổi mới công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao ý thức chấp hành của người dân cũng như nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, đưa công tác thu gom, xử lý CTR đi vào nề nếp, góp phần bảo vệ môi trường./.
UBND tỉnh cần thực hiện hiệu quả công tác quy hoạch, quy hoạch phải đồng bộ, đầy đủ theo đúng quy định của pháp luật, từ điểm tập kết tại khu dân cư, khu trung chuyển rác, đến khu xử lý rác tập trung của cấp huyện, cấp tỉnh. Trong quản lý quy hoạch phải bảo đảm chặt chẽ, ổn định, bền vững; phải xác định nguồn lực để thực hiện, nhất là xây dựng giải pháp cụ thể để triển khai các dự án đầu tư theo quy hoạch được duyệt”.
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh - Mai Văn Nhiều
|
Kiên Định