Tiếng Việt | English

07/07/2023 - 10:14

Tăng cường tuyên truyền xây dựng văn hóa tham gia giao thông

Sáng hôm qua, 06/7/2023, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt, triển khai Chỉ thị số 23-CT/TW, ngày 25/5/2023 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) trong tình hình mới.

Chỉ thị số 23 được ban hành trên cơ sở tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW, ngày 04/9/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm TTATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông; đồng thời, bổ sung các chủ trương, giải pháp phù hợp với công tác bảo đảm TTATGT trong tình hình mới.

Việc ban hành Chỉ thị này có ý nghĩa hết sức quan trọng, bởi công tác bảo đảm TTATGT vừa tác động trực tiếp đến phát triển kinh tế, vừa bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản, cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân.

Qua tổng kết, đánh giá 10 năm thực hiện Chỉ thị số 18 cho thấy, ý thức chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông đã có nhiều chuyển biến tích cực; số vụ, số người chết, bị thương và thiệt hại do tai nạn giao thông (TNGT) gây ra giảm mạnh. Cụ thể, năm 2022, giảm khoảng 3.000 người chết so với năm 2012. Kết quả này càng có ý nghĩa khi mỗi năm số lượng phương tiện đăng ký mới tăng trung bình trên 25% với nhiều chủng loại phương tiện khác nhau; trong khi đó, việc phát triển kết cấu hạ tầng giao thông không theo kịp đà phát triển phương tiện mới.

Dù đạt nhiều kết quả quan trọng, chúng ta phải thừa nhận rằng, tình hình TTATGT vẫn còn diễn biến phức tạp, thiệt hại do TNGT gây ra vẫn rất nghiêm trọng. Trong 10 năm qua, cả nước xảy ra trên 190.020 vụ TNGT, làm chết 76.439 người, bị thương 165.824 người. Mặc dù so với 10 năm trước, đã giảm cả 3 tiêu chí: Giảm 37% số vụ, giảm 29% số người chết, giảm 44% số người bị thương nhưng TNGT vẫn gây bức xúc, lo lắng, bất an trong xã hội.

Qua công tác bảo đảm TTATGT có thể thấy, văn hóa tham gia giao thông chưa được hình thành rõ nét. Việc bảo đảm TTATGT có lúc, có nơi bị buông lỏng, một số vi phạm chưa được khắc phục triệt để. Đáng báo động là tình trạng chống người thi hành công vụ trong bảo đảm TTATGT diễn ra phức tạp, có tính chất liều lĩnh, thể hiện sự coi thường pháp luật,…

Trong các hạn chế, có những nguyên nhân quan trọng từ công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT chưa được duy trì thường xuyên, liên tục, chưa phù hợp với đặc điểm từng loại đối tượng, địa bàn, chưa đến được cơ sở. Từ đó, người dân chưa thực sự nhận thức được việc chấp hành pháp luật về bảo đảm TTATGT vừa là trách nhiệm, vừa là quyền lợi thiết thực của mình.

Qua kinh nghiệm 10 năm thực hiện Chỉ thị số 18 và nhằm thực hiện tốt Chỉ thị số 23 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm TTATGT trong tình hình mới, chúng ta cần thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó, công tác truyền thông phải đi trước, chú trọng tuyên truyền pháp luật với giáo dục kiến thức, kỹ năng phòng tránh TNGT để tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của người dân nói chung và người tham gia giao thông nói riêng. Lực lượng chức năng vừa tuyên truyền, vừa tổ chức tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm để răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung.

Thời gian tới, giao thông - vận tải sẽ phát triển mạnh mẽ cùng tốc độ tăng trưởng kinh tế. Do vậy, tình hình TTATGT sẽ có nhiều yếu tố mới phát sinh phức tạp hơn. Từ thực trạng đó, phải phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia bảo đảm TTATGT, quyết tâm tạo đột phá, thay đổi tình hình TTATGT, phấn đấu giảm bền vững TNGT và khắc phục ùn tắc giao thông đường bộ, góp phần xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh, phục vụ hiệu quả nhiệm vụ phát triển KT-XH của đất nước.

Đặc biệt, cần kiên trì xây dựng văn hóa tham gia giao thông và ý thức tự giác, tự bảo vệ mình và cộng đồng khi tham gia giao thông; đấu tranh lên án các hành vi vi phạm TTATGT; tăng cường phối hợp giữa gia đình, nhà trường và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc giáo dục học sinh, sinh viên tự giác chấp hành các quy định về TTATGT. Khi văn hóa tham gia giao thông được định hình, lan tỏa sẽ là điều kiện quan trọng góp phần bảo đảm TTATGT./.

Kim Quy

Chia sẻ bài viết