Bệnh viện Bạch Mai (Bộ Y tế) đã niêm yết công khai bảng giá dịch vụ y tế mới phục vụ khám chữa bệnh cho khoảng 2.500-3.000 lượt người bệnh/ngày. (Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN)
Ngày 1/3, hơn 1.800 dịch vụ y tế đồng loạt tăng giá theo Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC ngày 29/10/2015 của Bộ Y tế và Bộ Tài chính, quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc.
Để triển khai thông tư này, các bệnh viện đã sẵn sàng và chủ động khắc phục mọi khó khăn để không ảnh hưởng đến bệnh nhân, đặc biệt là người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế.
Các bệnh viện bắt đầu triển khai tăng giá viện phí
Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai (Bộ Y tế) Nguyễn Ngọc Hiền cho biết để triển khai Thông tư liên tịch số 37, Bệnh viện đã quyết định thành lập tổ công tác vào ngày 8/1.
Đồng thời, tổ chức các cuộc họp phổ biến, hướng dẫn tập huấn đến các lãnh đạo, điều dưỡng, y tế trong tất cả đơn vị về Thông tư 37.
Bệnh viện đã in toàn bộ bảng giá của Bộ Y tế; đồng thời diễn giải giá dịch vụ y tế để mọi người dễ hiểu và thực hiện. Bệnh viện đã xây dựng các phương án để đúng 0 giờ ngày 1/3, ấn nút thực hiện bảng giá mới. Bệnh viện được Bộ Y tế phân công thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ y tế đối với 10 chuyên ngành thuộc 16 chuyên khoa.
Sáng 29/2, Bệnh viện đã lập 1 tổ hỗ trợ và có công văn giao nhiệm vụ cho từng bộ phận, cá nhân cụ thể để giải quyết các vướng mắc trong khi thực hiện.
Sau 14 tiếng thực hiện tăng giá viện phí, việc triển khai tại bệnh viện diễn ra rất tốt, một số trục trặc nhỏ đã được các cán bộ công nghệ thông tin giải quyết ngay. Đến nay, bệnh viện chưa nhận được thắc mắc nào qua đường dây nóng về việc này.
Bà Nguyễn Thị Bích Hường, Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho biết khi chưa điều chỉnh giá dịch vụ y tế thì bệnh viện Việt Đức cũng như tình hình chung ở các bệnh viện là rất khó khăn.
Mặc dù bệnh viện Việt Đức cũng được Bộ Y tế đánh giá là một trong những bệnh viện thực hiện cân đối tài chính khá tốt nhưng cũng gặp khó bởi hiện nay ngân sách nhà nước không cấp nữa, mà phải thực hiện tự chủ hoàn toàn.
Như vậy, khi ngân sách nhà nước không cấp, nguồn viện trợ, tài trợ không có nhiều thì cuối cùng bệnh viện chỉ trông vào nguồn thu dịch vụ y tế.
Nếu nguồn thu dịch vụ y tế không tính đúng, tính đủ thì bệnh viện càng khám chữa bệnh càng thiếu tiền.
Khi thiếu tiền thì người chịu thiệt đầu tiên chính là người bệnh. Bởi không có tiền, bệnh viện sẽ thiếu các vật tư trang thiết bị; không đầu tư cơ sở hạ tầng, mở rộng hệ thống phòng khám, buồng bệnh điều trị để đáp ứng được nhu cầu của người bệnh.
Bà Nguyễn Thị Bích Hường nêu rõ hôm nay là ngày đầu tiên áp dụng giá dịch vụ y tế mới. Bệnh viện cũng đã niêm yết bảng giá một số dịch vụ mới.
Người bệnh có bảo hiểm y tế được lợi nhiều hơn là bị tác động
Theo bà Nguyễn Thị Bích Hường, Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, đối với việc tăng giá dịch vụ y tế lần này, người bệnh có bảo hiểm y tế được lợi nhiều hơn là bị tác động.
Chất lượng dịch vụ y tế sẽ tăng lên do các cơ sở y tế cạnh tranh nhau, chỉ có cơ sở nào có chất lượng thì mới thu hút được người dân đến khám. Có nhiều chi phí mà sau khi điều chỉnh, người bệnh bảo hiểm y tế không phải nộp nữa.
Khi giá viện phí tính đủ thì toàn bộ ngân sách dịch vụ do quỹ bảo hiểm chi trả, bệnh viện phải thực hiện dịch vụ mới có tiền thu về. Nếu không nâng cao chất lượng dịch vụ thì bệnh nhân sẽ không đến nữa.
Như vậy, điều chỉnh giá có tác động nhưng không nhiều đến bệnh nhân có bảo hiểm y tế và cái lợi nhiều nhất đó là đáp ứng kỳ vọng của người bệnh về nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.
Ông Dương Đức Hùng, Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Bạch Mai nêu rõ việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế chỉ áp dụng với nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm y tế.
Vì vậy, số đối tượng không tham gia bảo hiểm y tế (khoảng 20-25% người dân không tham gia bảo hiểm y tế) từ trước khi có Thông tư được thanh toán như thế nào thì bây giờ vẫn như thế, không thay đổi.
Đặc biệt, giá dịch vụ tăng không có nghĩa là lương các bác sỹ tăng. Giá dịch vụ tăng là để giúp bệnh viện có thêm khoản kinh phí phục vụ cho bệnh nhân như đầu tư thêm các trang thiết bị hiện đại, phòng chống nhiễm khuẩn bệnh viện, đào tạo nâng cao chuyên môn cho các y, bác sỹ... Như vậy, bệnh nhân là người được hưởng lợi nhiều nhất từ việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế...
Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Tài chính (Bộ Y tế) cho biết Thông tư 37 này trước mắt chỉ áp dụng đối với thanh toán bảo hiểm y tế nên đối với người không có thẻ bảo hiểm y tế (khoảng 25% dân số) vẫn áp dụng mức giá như hiện nay và không bị ảnh hưởng.
Đối với người có thẻ bảo hiểm y tế, mức độ tác động đến các nhóm có khác nhau.
Trong đó, khoảng 23,7 triệu người là người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi và các đối tượng chính sách xã hội có thẻ bảo hiểm y tế không bị ảnh hưởng.
Mức độ ảnh hưởng không nhiều là đối tượng người cận nghèo đã được ngân sách hỗ trợ tối thiểu 70% để tham gia bảo hiểm y tế.
Khi đi khám, chữa bệnh, đối tượng này được bảo hiểm y tế thanh toán 95% chi phí, chỉ phải đồng chi trả 5% (trước đây chỉ được hưởng 80%, phải đồng chi trả 20%).
Đối tượng có thẻ bảo hiểm y tế phải đồng chi trả 20% chi phí khám chữa bệnh bao hiểm y tế thì có bị ảnh hưởng, tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng không nhiều vì trước đây, khi chưa tính đủ giá, người bệnh thường phải trả thêm, nay được tính đủ thì sẽ không phải trả thêm tiền.
Ông Nguyễn Nam Liên nhấn mạnh việc điều chỉnh viện phí trong năm 2016 được chia làm 2 giai đoạn.
Theo đó, từ ngày 1/3, viện phí sẽ tính thêm phụ cấp đặc thù ngoài các chi phí trực tiếp hiện nay là thuốc, vật tư trực tiếp; điện, nước, xử lý chất thải; duy tu, bảo dưỡng thiết bị, mua thay thế công cụ, dụng cụ trực tiếp sử dụng để thực hiện các dịch vụ.
Viện phí mới này trước mắt sẽ áp dụng thanh toán đối với người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế. Với người không có thẻ bảo hiểm y tế - chủ yếu là lao động tự do, nông dân, diêm dân và người cận nghèo (chiếm khoảng 25% dân số) - vẫn áp dụng mức giá như hiện nay.
Đến ngày 1/7, giá các dịch vụ, kỹ thuật khám chữa bệnh sẽ tính thêm tiền lương của nhân viên y tế. Nếu tăng ngay phí khám chữa bệnh với người chưa có thẻ bảo hiểm y tế sẽ gây gánh nặng lớn cho đối tượng này nên cần có thời gian.
Thay vào đó, trước thời điểm áp dụng viện phí mới, các cơ quan chức năng tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để người dân hiểu và tham gia đầy đủ bảo hiểm y tế.../.
Thu Phương/Vietnam+