Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)
Nhận lời mời của Tổng thống Indonesia Joko Widodo, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Cộng hòa Indonesia từ ngày 22-24/8.
Đây là chuyến thăm đầu tiên của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam tới Indonesia (kể từ chuyến thăm Indonesia của Bác Hồ năm 1959 trên cương vị Chủ tịch nước) và là chuyến thăm đầu tiên của Lãnh đạo cấp cao Việt Nam đến Indonesia kể từ khi hai nước thiết lập khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược (6/2013).
Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh ASEAN đang kỷ niệm 50 năm ngày thành lập và Việt Nam kỷ niệm 22 năm ngày gia nhập ASEAN.
Làm sâu sắc hơn quan hệ “đối tác hợp tác chiến lược”
Nhấn mạnh mục đích, ý nghĩa chuyến thăm, Phó Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Nguyễn Huy Tăng cho biết: “Đây là chuyến thăm có ý nghĩa lịch sử trong quan hệ hai nước Việt Nam-Indonesia. Mục đích chuyến thăm chính thức Cộng hòa In donesia lần này của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhằm tăng cường tin cậy chính trị, củng cố quan hệ hữu nghị, thúc đẩy hợp tác thực chất, tạo động lực phát triển mới nhằm làm sâu sắc hơn quan hệ “đối tác hợp tác chiến lược” giữa hai nước. Chuyến thăm cũng nhằm khẳng định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; chính sách đối ngoại rộng mở, coi trọng phát triển quan hệ với các nước láng giềng, khu vực, các đối tác quan trọng của Việt Nam trong ASEAN.”
Việt Nam và Indonesia thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 30/12/1955. Mối quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam-Indonesia được xây dựng trên nền tảng vững chắc do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng thống Sukarno gây dựng, được các thế hệ lãnh đạo, nhân dân hai nước dày công vun đắp, xây dựng, phát triển. Tháng 6/2013, nhân chuyến thăm cấp Nhà nước tới Cộng hòa Indonesia của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, hai bên đã ra Tuyên bố chung chính thức thiết lập quan hệ đ ối tác chiến lược.
Việt Nam và Indonesia có nhiều điểm tương đồng, cùng là thành viên ASEAN, Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) và nhiều tổ chức, diễn đàn khu vực và quốc tế khác. Với Việt Nam, Indonesia là đối tác quan trọng, giàu tiềm năng. Ngược lại, Indonesia đánh giá cao vai trò, vị thế của Việt Nam, là một trong những nước có ảnh hưởng lớn trong ASEAN. Cho đến nay, Việt Nam là nước đầu tiên và duy nhất trong ASEAN mà Indonesia thiết lập quan hệ đối tác chiến lược.
Hai nước đã ký nhiều hiệp định và thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực. Nhiều cơ chế hợp tác giữa hai bên đã được thiết lập như Ủy ban Hỗn hợp về hợp tác kinh tế; Ủy ban hợp tác song phương cấp Bộ trưởng Ngoại giao. Indonesia đã thành lập Tổng Lãnh sự quán tại Thành phố Hồ Chí Minh và đồng ý để Việt Nam lập Tổng Lãnh sự quán ở Bali.
Hai bên tổ chức nhiều chuyến thăm lẫn nhau giữa các Đoàn đại biểu cấp cao Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, trao đổi các đoàn cấp bộ, ngành, doanh nghiệp, đoàn thể quần chúng, hoạt động giao lưu văn hóa. Indonesia cấp học bổng cho Việt Nam trong các lĩnh vực ngôn ngữ, nghệ thuật, công nghệ thông tin.
Một số địa phương hai nước đã và đang tăng cường quan hệ hợp tác, điển hình là quan hệ đối tác giữa tỉnh Kiên Giang và tỉnh Tây Kalimantan; tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và thành phố Padang; thành phố Đà Nẵng và thành phố Somarang.
Thúc đẩy hợp tác thực chất
Từ góc độ kinh tế, Việt Nam và Indonesia là những nền kinh tế đang trỗi dậy, phát triển nhanh chóng. Indonesia có nền kinh tế lớn thứ 16 trên thế giới và cũng là thị trường lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Năm 2016, kinh tế Indonesia tăng trưởng 5,02%, trở thành một trong 10 quốc gia sản xuất lớn nhất thế giới.
Những năm gần đây, trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Indonesia đã có những bước phát triển đáng khích lệ. Kim ngạch trao đổi hàng hóa hai chiều tăng từ 4,6 tỷ USD trong năm 2012 lên 5,6 tỷ USD trong năm 2016 với tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 5%/năm. Hai bên phấn đấu đạt mốc 10 tỷ USD vào năm 2018. Các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu sang Indonesia chủ yếu gồm gạo, dầu thô, ximăng, linh kiện điện tử, hàng nông sản. Việt Nam nhập khẩu từ Indonesia các mặt hàng phân bón, xăng dầu, bao bì, thiết bị máy móc, vải sợi, giấy và bánh kẹo.
Đến tháng 4/2017, Indonesia tiếp tục đứng thứ 5 trong ASEAN và thứ 30/105 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 59 dự án, tập trung vào các lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu khí, khai thác than, ngân hàng, khách sạn, chế biến xuất khẩu gỗ, sản xuất sợi và may mặc.
Một số dự án đầu tư lớn của Indonesia tại Việt Nam như Liên doanh Hotel Horizon Hà Nội, Bệnh viện quốc tế Ciputra Hà Nội. Việt Nam hiện có bảy dự án đầu tư sang Indonesia trong lĩnh vực khai khoáng, bán buôn, bán lẻ, sửa chữa và thông tin truyền thông.
Bên cạnh lĩnh vực kinh tế, Việt Nam và Indonesia tiếp tục đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực quốc phòng, an ninh với việc duy trì Nhóm làm việc chung về Hải quân hai nước; thúc đẩy thiết lập đường dây liên lạc trực tiếp, triển khai các hoạt động chung về tìm kiếm cứu nạn, thúc đẩy sớm kết thúc đàm phán phân định vùng đặc quyền kinh tế giữa hai nước.
Gần đây, hai nước thúc đẩy việc hợp tác, trao đổi đoàn học tập kinh nghiệm về hành pháp, lập pháp, tư pháp ở cả Trung ương, địa phương và đoàn thể quần chúng ; thúc đẩy các hoạt động giao lưu văn hóa, thể thao. Hàng năm, Indonesia cung cấp cho Việt Nam một số học bổng ngắn hạn, trung hạn và dài hạn trên các lĩnh vực giáo dục, văn hóa, ngôn ngữ. Hai nước đã ký MOU về Hợp tác n ghề cá và các vấn đề biển, về hợp tác nông nghiệp, tài chính, năng lượng.
Trong bối cảnh đó, chuyến thăm chính thức Cộng hòa Indonesia lần này của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhằm duy trì tiếp xúc cấp cao để tăng cường quan hệ đối tác chiến lược, củng cố tin cậy, hiểu biết giữa hai lãnh đạo và nhân dân hai nước; nâng cao chiều sâu hợp tác trên cơ sở quan hệ đối tác, vì lợi ích và sự phát triển của mỗi nước, đồng thời góp phần vì hòa bình, ổn định, đoàn kết, hợp tác trong ASEAN, ở khu vực và trên thế giới./.
Theo TTXVN