Tình hình sản xuất nông nghiệp 9 tháng năm 2019 chưa ổn định và bền vững, dịch bệnh trên cây trồng và vật nuôi diễn biến phức tạp, dịch tả heo châu Phi phát bệnh ở hầu hết địa phương trong tỉnh làm ảnh hưởng đến giá heo và sức mua của thị trường.
Việc tiêu thụ nông sản còn khó khăn, chưa ổn định, giá nông sản thấp hơn so với cùng kỳ. Tình hình đó đặt ra nhiệm vụ phải chú trọng duy trì và phát triển các cây trồng, vật nuôi có hiệu quả cao và sản lượng lớn, đặc biệt là tập trung sản xuất hiệu quả vụ lúa Đông Xuân (ĐX) 2019-2020.
Hiện nay, ở một số địa phương trong tỉnh, chủ yếu là vùng Đồng Tháp Mười, nông dân đã xuống giống vụ ĐX 2019-2020 theo lịch thời vụ đợt 1 với diện tích gần 20.000ha. Các nơi khác, nông dân đang chủ động vệ sinh đồng ruộng, bơm nước, làm đất, diệt mầm bệnh, chọn giống, bón lót phân,... chuẩn bị xuống giống các đợt tiếp theo. Chính quyền, ngành chức năng và nhà nông đều kỳ vọng vụ lúa này giúp nông dân có vụ mùa thắng lợi để vừa ổn định cuộc sống, cải thiện thu nhập, vừa góp phần hoàn thành các chỉ tiêu phát triển KT-XH.
Nhằm chủ động, kịp thời trong sản xuất, đầu vụ, chính quyền và ngành chức năng tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn nông dân gieo sạ theo đúng khuyến cáo để đạt kết quả tốt, hiệu quả cao. Hầu hết nông dân đều tuân thủ theo hướng dẫn, chứng tỏ nhà nông rất an tâm, tin tưởng vào khuyến cáo của ngành nông nghiệp, gieo sạ tập trung, đồng loạt trên từng khu vực; tuân thủ nghiêm ngặt lịch né rầy; sử dụng giống xác nhận, sạch bệnh, có sức sống mạnh, xử lý hạt giống kỹ lưỡng để ngừa bệnh.
Mùa lũ năm nay ở khu vực Đồng Tháp Mười của tỉnh được xác định thấp, dự báo lượng mưa năm nay cơ bản kết thúc vào tháng 11/2019, nên vào mùa khô 2019-2020 có khả năng mặn sẽ xuất hiện sớm và cao hơn trung bình nhiều năm dẫn đến thiếu nước, khô hạn, bị xâm nhập mặn. Do vậy, Long An phải chủ động ứng phó với tình trạng bất lợi này. Ngay từ bây giờ, các địa phương cần có giải pháp phòng tránh hạn, mặn.
Để chủ động phòng, chống xâm nhập mặn, bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh, ngành chức năng và các địa phương cần theo dõi chặt chẽ, kịp thời thông tin dự báo về thời tiết, khí hậu, thủy văn, xâm nhập mặn; chủ động ứng phó kịp thời khi có thiên tai, dịch bệnh trên cây trồng, không để xảy ra trên diện rộng. Có kế hoạch cụ thể về phòng, chống xâm nhập mặn mùa khô năm 2019-2020 và giải pháp tích tụ - nước ngọt phục vụ sản xuất và dân sinh. Bên cạnh đó, tổ chức đo đạc thường xuyên độ mặn tại các khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng xâm nhập mặn để kịp thời hướng dẫn người dân lấy nước ngọt phục vụ sản xuất. Tăng cường nạo vét kênh, rạch, đắp đập tạm, lắp đặt trạm bơm, tranh thủ vận hành công trình thủy lợi lấy nước, trữ nước để sử dụng khi xâm nhập mặn lên cao, nguồn nước bị thiếu hụt.
Nông dân trong tỉnh cần tuân thủ nghiêm ngặt lịch xuống giống vụ ĐX 2019-2020; ưu tiên sử dụng các giống lúa thơm, chất lượng cao, ngắn ngày, nhóm giống chịu mặn, cùng thời gian sinh trưởng để thuận tiện cho việc cung cấp nước tưới, bảo đảm sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả. Thường xuyên thăm đồng, kịp thời phát hiện, trị sâu, bệnh trên cây trồng. Bảo đảm thông tin thường xuyên giữa nông dân - ngành chức năng - chính quyền trong quá trình sản xuất. Khi hội tụ đủ điều kiện, cần chủ động tham gia mô hình cánh đồng lớn, liên kết “4 nhà” (nhà nông, nhà khoa học, Nhà nước, doanh nghiệp) trong sản xuất và tiêu thụ nông sản. Từng bước ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp,...
Vụ ĐX là vụ lúa chính trong năm, là niềm hy vọng của nông dân về vụ mùa bội thu, được giá để trang trải cuộc sống và góp phần xây dựng nông thôn mới. Do vậy, chính quyền, ngành chức năng, nhà nông cần sát cánh bên nhau tạo ra một vụ mùa thắng lợi./.
Tân An