Khách hàng đang mua sắm hàng hóa tại siêu thị Fivimart Hà Nội. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)
Chỉ còn hơn 2 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, nhưng theo nhiều doanh nghiệp bán lẻ trên địa bàn Hà Nội thì phương án chuẩn bị hàng hóa đã hoàn tất, đảm bảo mục tiêu cao nhất là bình ổn thị trường.
Lượng hàng dự trữ tăng 10%
Báo cáo về công tác phục vụ hàng Tết, bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, dự báo diễn biến thị trường cũng như nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn thành phố sẽ tăng cao trong dịp Tết đối với các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, các mặt hàng nông, lâm sản khô... do đó Sở Công Thương Hà Nội đã chỉ đạo, phối hợp các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh chuẩn bị lượng hàng hóa tăng khoảng 10% so với năm 2016.
Cụ thể, các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích dự trữ và dự kiến đưa ra thị trường lượng hàng hóa trị giá 4.500 tỷ đồng. Các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh bánh mứt kẹo, rượu bia, nước giải khát... dự trữ lượng hàng hóa trị giá hơn 9.000 tỷ đồng. Các làng nghề trên địa bàn thành phố sản xuất kinh doanh những nhóm hàng hóa phục vụ Tết như nông sản thực phẩm, bánh mứt kẹo… dự kiến đạt tổng giá trị gần 2.100 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Sở Công Thương cũng phối hợp chặt chẽ với Sở Tài chính và Công an theo dõi sát diễn biến cung - cầu hàng hóa, dịch vụ trên địa bàn, chịu trách nhiệm phối hợp với các sở, ngành để giải quyết những vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp.
Bà Lan nhấn mạnh, Sở Công Thương sẽ mở thêm kênh để tiếp nhận thông tin, báo cáo khu vực nào có biến động về giá bất thường để trong vòng 3 tiếng chỉ đạo điều tiết hàng hóa hỗ trợ kịp thời, tránh gây ảnh hưởng xấu đến thị trường.
Theo kế hoạch của Sở Công Thương, năm nay, thành phố Hà Nội sẽ tổ chức bán hàng phục vụ Tết tại 20 trung tâm thương mại, 119 siêu thị, 700 cửa hàng tiện ích, các hộ kinh doanh và 454 chợ trên địa bàn.
Ngoài ra, Sở Công Thương cũng phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức 5 điểm bán hàng Việt phục vụ Tết tại các huyện, các khu công nghiệp, khu chế xuất và 22 phiên chợ Việt cùng100 chuyến bán hàng lưu động về khu vực nông thôn, ngoại thành Hà Nội phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân trong dịp Tết.
Kiểm soát chặt khâu nhập hàng
Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị phục vụ hàng Tết của nhiều doanh nghiệp cũng đã hoàn tất. Trong đó, đại diện hệ thống siêu thị Fivimart cho biết, doanh nghiệp này đã dự trữ 250 tỷ đồng tiền hàng phục vụ Tết.
Trong khi Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) dự kiến sẽ có trên 60 cửa hàng phục vụ Tết, 100 điểm bán hàng lưu động phục vụ Tết ở ngoại thành, 6 điểm bán hàng mở qua giao thừa.
Ảnh chỉ mang tính minh họa. (Nguồn: ĐỨc Duy/Vietnam+)
Phương án đưa ra của các doanh nghiệp cũng nhận được sự đánh giá cao sự của lãnh đạo Bộ Công Thương khi nguồn hàng phục vụ Tết đã có sự liên kết với các địa phương trong cả nước để tránh đứt đoạn và đa dạng nhà cung cấp.
Tuy nhiên, ngoài việc tăng số lượng, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa cũng đề nghị các nhà bán lẻ cần chú trọng hơn nữa công tác đảm bảo chất lượng hàng hóa phục vụ Tết.
Tại buổi làm việc với Hà Nội về công tác chuẩn bị hàng Tết diễn ra chiều nay (17/11), lãnh đạo Bộ Công Thương yêu cầu các cơ quan chức năng của thành phố cần đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, không để hàng kém chất lượng, hàng vi phạm An toàn vệ sinh thực phẩm lọt vào các điểm bán hàng bình ổn.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng đề nghị các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thực hiện đúng cam kết mở cửa bán hàng phục vụ người dân đến hết ngày 30 Tết và khai trương vào ngày mồng 2 Tết.
"Các doanh nghiệp cần tính toán ngoài phần cung ứng được thì lượng hàng mua thêm từ đối tác khác cũng cần phải chủ động, tránh đứt đoạn nguồn cung, tạo cho gian thương có cơ hội đầu cơ, đẩy giá lên cao," Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa nhấn mạnh.
Nhất trí với đánh giá của Bộ Công Thương, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội Nguyễn Doãn Toản chỉ đạo các doanh nghiệp và siêu thị phải kiểm soát chặt chẽ nguồn hàng nhập, không để hàng giả, hàng kém chất lượng lọt vào các điểm bán hàng bình ổn giá.
Phó Chủ tịch yêu cầu trong các tháng khuyến mãi phải chú trọng để nâng cao hiệu quả cũng như chất lượng hàng Việt Nam, đồng thời đáp ứng đủ hàng hóa với giá cả phù hợp phục vụ người dân nông thôn, vùng sâu vùng xa.
"Doanh nghiệp tham gia bình ổn giá phải thực hiện đúng cam kết về giờ đóng cửa, mở cửa trong dịp Tết, quan trọng hơn là có đủ nguồn dự trữ để hàng hóa không bị đẩy lên cao một cách bất hợp lý trong dịp này," Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Nguyễn Doãn Toản nói./.
Theo TTXVN