Theo Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) thì có tới 62% người tiêu dùng mua phải hàng giả, hàng nhái mà không biết. Các loại hàng giả, hàng kém chất lượng đã và đang gây tác hại nghiêm trọng đến sản xuất, an ninh lương thực, sức khỏe người tiêu dùng và môi sinh, môi trường. Vậy người tiêu dùng phải làm gì để bảo vệ chính mình và chống lại vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng này?
62% người tiêu dùng mua phải hàng giả, hàng nhái mà không biết.(Ảnh minh họa: KT)
Chị Nguyễn Minh Thảo ở quận 12, thành phố Hồ Chí Minh kể về câu chuyện mua phải gói bột ngọt giả của mình ngay cửa hàng tạp hóa gần nhà: “Khi đem về kiểm tra thì phát hiện bột ngọt giả, tôi mang ra khiếu nại với chủ cửa hàng thì họ nói sản phẩm của họ lấy từ những đơn vị có uy tín. Do nghĩ gói bột ngọt không đáng bao nhiêu nên tôi cũng không đi khiếu kiện gì. Nhưng từ đó về sau tôi toàn mua hàng ở siêu thị cho chắc”.
Còn chị Phạm Thúy Uyên ở quận Gò Vấp thì hết sức bức xúc vì vừa mua phải 3kg thịt bò giả với giá 160.000đ/kg ở ngay một chợ gần nhà. Chị cho biết: trông thịt rất tươi ngon, giá lại rẻ nên chị mua ngay 3 kg, nhưng khi về nấu ăn mới biết là thịt heo già được hô biến thành thịt bò đành đổ bỏ. Biết bị lừa, nhưng không thể mang 3 kg thịt bò giả đi khiếu kiện, chị đành tự rút ra bài học cho mình: không nên ham rẻ và nên mua hàng đúng cơ sở có uy tín.
Không chỉ bột ngọt, thực phẩm giả mà rất nhiều loại hàng hóa khác như: thực phẩm, thực phẩm chức năng, hàng tiêu dùng, điện tử - điện máy, phương tiện giao thông, phân bón, xăng dầu, dược phẩm, mỹ phẩm,.….đều được làm giả, làm nhái. Trình độ làm giả tinh vi đến mức đưa 2 sản phẩm giả và thật đặt cạnh nhau, nhưng nhà sản xuất vẫn không thể nào phân biệt được đâu là thật, đâu là giả.
Trong 6 tháng đầu năm nay, lực lượng chức năng Thành phố Hồ Chí Minh, đã phát hiện 13.868 vụ vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, tăng 0,66% so cùng kỳ năm 2015. Trong đó phát hiện gần 1.600 vụ hàng cấm, hàng nhập lậu, hơn 12.000 vụ gian lận thương mại (tăng hơn 0,9%) và gần 300 vụ hàng giả. Các cơ quan chức năng khởi tố 49 vụ, xử phạt hành chính hơn 1.000 tỷ đồng, truy thu thuế gần 1.400 tỷ đồng; bán hàng tịch thu hơn 19 tỷ đồng; tổng số tiền nộp ngân sách hơn 2.470 tỷ đồng, tăng 64% so cùng kỳ 2015. Kết quả này cho thấy, tình trạng mua bán, sản xuất hàng giả, hàng lậu không giảm là bao mà ngày càng gia tăng.
Hàng giả, hàng nhái đã làm cho nhiều nhà sản xuất điêu đứng. Ông Nguyễn Minh Trí, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thương mại Dịch vụ Điển tử Minh Tâm chuyên phân phối lắp đặt hệ thống âm thanh, hình ảnh, cho biết: doanh nghiệp ông từ một cơ sở ăn nên làm ra, nay đang đứng trên bờ vực phá sản chỉ vì hàng giả, hàng nhái: “Sau 5 năm tôi làm thị trường đã làm cho người tiêu dùng phấn khởi mua hàng và tìm đến sản phẩm. Nhưng song song đó là hàng nhái, hàng giả bắt đầu phát triển mạnh. Nếu 2 năm nữa việc này không dừng lại thì tôi sẽ bị phá sản”.
Không chỉ gây thiệt hại cho sản xuất của doanh nghiệp cho nền kinh tế của mà nguy hiểm hơn, hàng giả còn trực tiếp đe dọa sức khỏe và tính mạng của người dân. Bởi theo khảo sát của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) thì có tới 62% người tiêu dùng mua phải hàng giả, hàng nhái mà không biết.
Bà Trương Thu Hường, một người dân ở quận 5 trăn trở: không phải người tiêu dùng nào cũng biết đâu là hàng gian, hàng giả mà phải có một kiến thức mới có thể phân biệt được. Chỉ vận động giơ tay nói không với hàng giả mà không biết gì về hàng giả thì dù phát động thành phong trào chống hàng giả cũng chỉ là hình thức. Chính vì vậy, theo bà Hường để chống hàng giả thì cần phải có đường dây nóng ngay mỗi phường và các bà nội trợ là người hành động đầu tiên.
“Tôi đề nghị mỗi phường phải có một đường dây nóng. Chẳng hạn tôi là người nội trợ, khi đi mua hàng, phát hiện sản phẩm là hàng giả, kém chất lượng tôi sẽ gọi ngay vào đường dây nóng của phường. Cơ quan chức năng, quản lý thị trường sẽ tới ngay hiện trường, kịp thời xử lý. Đồng thời như vậy mình sẽ thấy trách nhiệm của mình hơn”.
Ông Ngô Bách Phong, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, sở dĩ lâu nay người tiêu dùng ít khiếu kiện các vụ về hàng gian hàng giả là do họ quan niệm giá trị của món hàng không bao nhiêu. Bên cạnh đó chính các thủ tục pháp lý khi khiếu kiện hàng giả đã khiến cho người tiêu dùng không muốn tham gia các vụ kiện.
Ông Phong cho biết: “Quy định của Luật thì người tiêu dùng không phải nộp án phí, nhưng Tòa vẫn thu án phí như tòa dân sự. Hoặc là quy định thủ tục rút gọn, nhưng tòa vẫn bắt đầy đủ các thủ tục giấy tờ. Có những Tòa án còn từ chối khi người tiêu dùng đến khiếu nại về tiêu dùng nữa”.
Chính vì vậy, muốn xử lý mạnh tay các vụ hàng gian, hàng giả, các cơ quan thực thi pháp luật phải hỗ trợ cho người tiêu dùng trong khiếu kiện hàng giả. Bên cạnh việc xử lý nghiêm các vụ vi phạm của các cơ quan chức năng, rất cần sự hỗ trợ của các cơ quan ban ngành trong việc cung cấp thông giúp người dân nhận biết, phân biệt hàng giả, hàng nhái… . Qua đó sẽ tạo nên làn sóng chống hàng giả cho người tiêu dùng một cách hiệu quả./.
Cao Thoa/VOV-TPHCM