Tiếng Việt | English

30/01/2019 - 20:20

Tết sum vầy

Tết Nguyên đán là dịp để những người con xa quê trở về sum họp, quây quần bên gia đình. Giá trị truyền thống ấy được giữ gìn từ bao đời nay.

Các thế hệ trong gia đình đoàn viên, vui vẻ dịp tết

Các thế hệ trong gia đình đoàn viên, vui vẻ dịp tết

Nếu tết xưa, người ta thường nhắc đến: Ông đồ già, mực tàu, giấy đỏ, bánh tét, dưa hành,... thì những năm gần đây, phong tục xin chữ ngày tết không còn được nhiều người chú trọng. Tuy nhiên, bánh tét, dưa hành vẫn xuất hiện ở hất hết các gia đình. Ông Huỳnh Văn Hùng, ngụ ấp Lộc Hòa, xã Lộc Giang, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An cho biết: “Bà con ở quê luôn gìn giữ, phát huy những phong tục truyền thống. Gia đình tôi có 3 thế hệ, dù con cháu làm ăn xa nhà, đêm 30 vẫn tề tựu, cùng gia đình đón giao thừa. Sáng mùng 1, con cháu quây quần chúc tết ông bà, cha mẹ, hàng xóm; mùng 2, gia đình tôi gói bánh để mùng 3 tết nhà”.

Những phong tục thể hiện truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam như “mùng 1 tết nội, mùng 2 tết ngoại, mùng 3 tết thầy” được ông bà, cha mẹ dạy lại con cháu và duy trì cho đến ngày nay. Ông Nguyễn Phước Minh, 72 tuổi, ngụ xã Hòa Khánh Đông, chia sẻ: “Tôi luôn dạy con mình những phong tục ngày Tết Cổ truyền. Tết đến phải biết thăm viếng, chúc tết nội, ngoại, cha mẹ. Mùng 1, cả nhà sum vầy bên nhau ăn bữa cơm đầu năm, con cháu mừng tuổi ông bà, cha mẹ và nhận lì xì đầu năm lấy may mắn. Gia đình tôi, ngày mùng 1 con cháu về rất đông. Sau khi sum họp, vợ chồng tôi cũng dành thời gian đi chúc tết thông gia. Đầu năm trao nhau câu chúc, cái tình, cái nghĩa cũng gắn kết hơn”.

Truyền thống được tiếp nối bởi thế hệ hôm nay. Dẫu nhiều bạn trẻ chọn cho mình cách sống hiện đại song, ngày tết dân tộc vẫn được hầu hết người trẻ rất coi trọng, luôn muốn dành thời gian sum họp cùng gia đình, người thân. Chị Nguyễn Quỳnh Như, ngụ xã Đức Lập Thượng, cho biết công việc của chị quanh năm khá bận rộn nên kỳ nghỉ Tết Cổ truyền của dân tộc với chị rất quan trọng. Đây là khoảng thời gian chị dành riêng cho gia đình và bạn bè. Chị nói: “Ngày cận tết, tôi thường cùng mẹ đi chợ mua sắm hoa, quả chưng trong ngày tết và thực phẩm nấu cúng ông bà. Những ngày này, gia đình tôi đông vui lắm!”.

Với những người phải thường xuyên công tác, học tập xa nhà, Tết Cổ truyền là dịp để mọi người trở về với những người thân yêu. Đây cũng là dịp để các bạn trẻ tìm hiểu thêm về phong tục, tập quán ngày tết của quê hương, nguồn cội. Bạn Nguyễn Minh Ngọc, ngụ thị trấn Đức Hòa, bộc bạch: “Là một người trẻ, làm việc tại TP.HCM, do tính chất công việc nên tôi ít về thăm nhà. Kỳ nghỉ tết dài ngày giúp tôi cùng gia đình có thời gian bên nhau và đi du lịch một vài nơi. Tôi nghĩ, không chỉ riêng tôi mà hầu như mọi người vào những ngày cuối năm đều nôn nao trở về bên gia đình, người thân để cùng đón tết”.

Vui vẻ đón tết

Vui vẻ đón tết

Dẫu đâu đó vẫn còn một số ít bạn trẻ thích chọn cho riêng mình một kỳ nghỉ dài bằng chuỗi những hoạt động một mình hoặc cùng bạn bè du lịch khắp nơi nhưng các bạn vẫn không quên dành thời gian để sum vầy cùng người thân trước những chuyến khám phá đến vùng đất lạ. Với các bạn, tết là sum vầy nhưng tết cũng là dịp để nghỉ ngơi và thỏa đam mê.

Hương tết dân tộc nồng nàn bởi những món ăn truyền thống, những phong tục đã trở thành thói quen, tập quán, bởi tình thân được gắn kết, đoàn viên. Tết là yêu thương và tết cũng là sum vầy./.

Nhã Phương

Chia sẻ bài viết