Giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm
Là xã thuần nông, kinh tế của người dân Thái Trị chủ yếu dựa vào sản xuất lúa và chăn nuôi bò, heo. Tuy nhiên, do biến đổi khí hậu, sâu, rầy, dịch bệnh diễn biến phức tạp, giá cả nông sản bấp bênh nên việc sản xuất gặp rất nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến thu nhập của người dân. Nhằm giúp người dân ổn định cuộc sống, giảm nghèo hiệu quả, xã chú trọng công tác giải quyết việc làm, đẩy mạnh đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với nhu cầu thực tế.
Gia đình chị Nguyễn Thị Xuân thoát nghèo nhờ được hỗ trợ bò và vay vốn mở rộng sản xuất
Gia đình chị Nguyễn Thị Xuân và anh Lê Hữu Thọ, ngụ ấp Thái Quang, là một trong những hộ thoát nghèo nhờ được hỗ trợ bò và vay vốn chăn nuôi. Chị Xuân chia sẻ: “Trước đây, do không có ruộng đất sản xuất, vợ chồng tôi chỉ làm thuê theo mùa vụ nên thu nhập bấp bênh. Biết được hoàn cảnh khó khăn của gia đình, xã hỗ trợ vợ chồng tôi con bò giống và vay vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội để mở rộng sản xuất. Nhờ chăn nuôi hiệu quả, đến nay, gia đình tôi đã thoát nghèo và có cuộc sống đầy đủ hơn”.
Chủ tịch UBND xã Thái Trị - Trần Văn Bằng cho biết: “Công tác giảm nghèo luôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương. Xác định muốn giảm nghèo bền vững, trước hết phải thay đổi nhận thức, khơi dậy ý chí tự nỗ lực vươn lên của người dân. Vì vậy, xã tăng cường tuyên truyền, vận động người dân tham gia các mô hình sản xuất, phân công các hội, đoàn thể tạo điều kiện cho người dân tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển kinh tế”.
Năm 2018, xã xét cho hộ nghèo, cận nghèo vay trên 670 triệu đồng để sản xuất; trao 52 con bò do nguyên Chủ tịch nước - Trương Tấn Sang vận động cho hộ nghèo, cận nghèo; vận động mạnh thường quân tặng quà cho hộ nghèo, cận nghèo, trị giá trên 500 triệu đồng; xây dựng 9 căn nhà tình thương với tổng kinh phí 272 triệu đồng. Từ nguồn vốn của Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo, xã hỗ trợ các hộ nghèo 41 bình xịt thuốc với tổng kinh phí trên 192 triệu đồng.
Đẩy mạnh phát triển sản xuất
Không chỉ hỗ trợ về vốn, xã còn vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với từng nơi và vụ mùa canh tác. Đối với một số diện tích đất gò, bạc màu, sản xuất lúa không hiệu quả, xã khuyến khích người dân cải tạo để trồng hoa màu, cây ăn trái. Toàn xã hiện có trên 350ha trồng dưa hấu, sen, bí đỏ, bắp, rau các loại. Ngoài ra, người dân còn trồng những loại cây lâu năm như mít, bưởi, sầu riêng,… Các loại cây này đang phát triển tốt, hứa hẹn những vụ mùa bội thu.
Cầu nông thôn được mở rộng, tạo thuận lợi trong vận chuyển hàng hóa, nông sản
Để việc sản xuất ngày càng thuận lợi, xã tập trung nhiều nguồn lực đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là cầu, đường giao thông nông thôn và đê bao ngăn lũ, vừa bảo vệ sản xuất và tiết kiệm chi phí cho nông dân. Năm 2018, xã triển khai xây dựng 17 công trình, trong đó, xây dựng mới 8 công trình với tổng mức đầu tư trên 10 tỉ đồng. Với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, nhân dân trong xã hiến 20.400m2 đất và 117 triệu đồng để xây dựng các công trình.
Trưởng ấp Thái Vĩnh - Nguyễn Văn Đức phấn khởi cho hay: “Nhờ được sự quan tâm của lãnh đạo các cấp, sự nỗ lực của chính quyền địa phương, đời sống người dân được nâng lên rất nhiều. Giờ đây, những tuyến đường chính trong xã đều được trải nhựa, cầu giao thông nông thôn được mở rộng, xây dựng kiên cố, không chỉ xe máy mà xe tải chở hàng hóa có thể lưu thông dễ dàng. Hệ thống đê bao cũng được gia cố thường xuyên, dù nước lũ có về sớm, nông dân cũng không còn phải lo lắng nữa”.
Từ một xã chiếm tỷ lệ hộ nghèo cao trong toàn huyện (năm 2015 là 12,8%) đến nay, toàn xã chỉ còn 1,64% hộ nghèo. “Thời gian tới, xã tiếp tục quan tâm nắm bắt tình hình đời sống người dân, tìm hiểu nguyên nhân nghèo của từng hộ để có biện pháp giúp đỡ phù hợp. Qua đó, góp phần giảm nghèo bền vững và hiệu quả hơn, hướng đến mục tiêu xây dựng thành công xã nông thôn mới” - ông Trần Văn Bằng thông tin thêm./.
An Kỳ