Tiếng Việt | English

02/04/2021 - 10:26

Thăm Di tích lịch sử: Đền Rạch Già

Khu di tích lịch sử (DTLS) Đền Rạch Già nằm trên đường ấp 6, thuộc xã Hưng Long, huyện Bình Chánh, TP.HCM (cách chợ Hưng Long khoảng 4km). Đây là căn cứ địa cách mạng của người dân Hưng Long trong thời kháng chiến chống giặc ngoại xâm.

Ảnh Internet

Ảnh Internet

Ngày trước, địa điểm Rạch Cầu Già được người dân ở xã Hưng Long quen gọi là Rạch Già, nằm sâu trong vùng heo hút, hoang vu. Nơi đây, một bên là rừng dừa nước um tùm, một bên là sông Cần Giuộc. Đây là lợi thế để thuyền bè đi lại dễ dàng, thuận tiện cho người dân Hưng Long hoạt động cách mạng. Do vậy, Hưng Long đã trở thành vị trí quan trọng của vành đai Tây Nam Sài Gòn, vừa là tiền phương, vừa là hậu phương để lực lượng cách mạng ta hoạt động trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.

Thực dân Pháp biết đây là căn cứ quan trọng của Việt Minh nên dồn sức đánh phá, đàn áp dân chúng, chiếm các trụ sở ấp và đình làng để đặt đồn bót ngăn chặn, phá hoại cơ sở cách mạng của xã. Vào lúc 6 giờ sáng ngày 04/5/1948 (nhằm ngày 26/3 Âm lịch), thực dân Pháp điều động 2 tiểu đoàn bộ binh phần lớn là lính Âu - Phi và huy động nhiều trung đội lính bảo an mở cuộc hành quân càn quét bằng 3 mũi tấn công, bao vây “lõm” căn cứ Rạch Già. Bên ta gồm dân quân Hộ 17 (quận 8), Quân nhu Quân khu 7, Ban công tác Thành, Đoàn thể Mặt trận huyện Cần Giuộc và cùng người dân chạy giặc... Vì quá ít vũ khí, ta không thể chủ động đối phó, nên rút về Rạch Già. Giặc Pháp và tay sai đã thảm sát hơn 200 đồng bào, chiến sĩ ta. Dù vậy, người dân nơi đây vẫn không chùn bước, quyết lòng theo Đảng, theo cách mạng. Và ngày 26/3 Âm lịch hàng năm trở thành ngày giỗ hội của nhiều gia đình ở vùng đất Hưng Long này.

Để ghi nhớ công ơn những đồng bào, chiến sĩ đã hy sinh tại Rạch Già - Hưng Long, năm 2002, huyện khởi công xây dựng Khu di tích lịch sử Rạch Già với diện tích 3.000m². Công trình gồm đình Hậu Mỹ (bên trái) và Đền tưởng niệm (bên phải). Đình được xây dựng trên nền đất cao, mái lợp ngói, đầu mái cong trang trí phù điêu hình rồng. Thần Thành Hoàng Bổn Cảnh là nhân vật được thờ chính trong đình. Đền tưởng niệm cũng được xây dựng trên nền đất cao cạnh đình. Mặt tiền đền hướng ra sông Cần Giuộc. Đặt trang nghiêm giữa đền là án thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, trên vách trái là bia khắc tên các chiến sĩ đã hy sinh tại vùng đất Hưng Long, trên vách phải là bia ghi tên các “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” của xã Hưng Long.

Hàng năm, tại di tích Đền Rạch Già có các ngày lễ lớn: Lễ Kỳ yên diễn ra vào 2 ngày 15, 16/02 Âm lịch; Lễ giỗ các anh hùng liệt sĩ vào ngày 26-3 Âm lịch. Với giá trị lịch sử, ngày 13/10/2008, UBND TP.HCM đã ký Quyết định số 4344/QĐ-UBND công nhận Đền Rạch Già là di tích lịch sử cấp thành phố./.

Nguyễn Hoàng Duy

Chia sẻ bài viết