Hiện nay, thực phẩm chức năng (TPCN) có mặt trên thị trường tương đối phổ biến dưới dạng thức ăn, nước uống, thuốc bổ,… Thông qua quảng cáo, truyền thông, tiếp thị,… nhiều người khá tin tưởng sử dụng TPCN.
Không ít người không tìm đến bác sĩ khi có bệnh hoặc bỏ qua đơn thuốc của bệnh viện mà chọn sử dụng các loại TPCN khiến bệnh tình ngày một trầm trọng. Một số bà mẹ cũng lạm dụng TPCN để giúp con tăng chiều cao, cân nặng thay vì cho ăn, uống đầy đủ theo chế độ dinh dưỡng,… Thậm chí hiện nay, có bác sĩ khi kê đơn thuốc cho bệnh nhân cũng lạm dụng việc bổ sung thuốc dưới dạng TPCN khiến những toa thuốc có giá thành rất cao.
Có thể, TPCN phần nào đó giúp bổ trợ, bồi bổ sức khỏe nhưng không thể thay thế được thuốc chữa bệnh, chế độ ăn uống, dinh dưỡng thường ngày và sẽ phản tác dụng nếu sử dụng thiếu khoa học. Vì chạy theo lợi nhuận, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, phân phối TPCN “thổi phồng” về công dụng của TPCN để thu hút người tiêu dùng. Đó là chưa kể nhiều TPCN có hàm lượng, thành phần các chất không đúng hoặc không đủ như trên bao bì sản phẩm, tiềm ẩn nguy cơ gây hại sức khỏe người tiêu dùng.
Chính vì vậy, người tiêu dùng phải tỉnh táo trước những thông tin quảng cáo về TPCN, chỉ lựa chọn sử dụng khi thật sự cần thiết, tham khảo ý kiến tư vấn của những người có chuyên môn, không nên tự tiện mua và lạm dụng nó. Các cơ quan chức năng cần có biện pháp chấn chỉnh việc quản lý các sản phẩm TPCN từ chất lượng đến việc quảng bá mặt hàng này ngoài thị trường, thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra nhằm kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm, tránh hiện tượng thả nổi trên thị trường./.
Văn Thi Hoàng