Tiếng Việt | English

21/07/2023 - 09:21

Tháng 7 tri ân!

Những ngày tháng 7, thời tiết lúc nắng, lúc mưa nhưng những chuyến thăm đầy nghĩa tình vẫn diễn ra khắp mọi miền Tổ quốc. Tháng 7 được xem là tháng tri ân, là cao điểm để các cấp, các ngành đẩy mạnh công tác Đền ơn đáp nghĩa.

Tháng 7 năm nay, cùng với cả nước, các địa phương trong tỉnh Long An tổ chức nhiều đoàn đến thăm, tặng quà các Mẹ Việt Nam Anh hùng, gia đình chính sách (GĐCS), người có công (NCC). Lãnh đạo tỉnh đã về thăm Làng Thương binh nặng (xã Nhị Thành), Trung tâm Điều dưỡng thương binh và NCC Long Đất (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu), các GĐCS tiêu biểu,...

Những nơi đến thăm, sợi dây gắn kết nghĩa tình giữa quá khứ và hiện tại thêm bền chặt, cùng hướng tới tương lai tươi sáng.

Trải qua 2 cuộc kháng chiến trường kỳ và làm nghĩa vụ quốc tế, toàn tỉnh có trên 30.000 liệt sĩ, trên 12.000 thương, bệnh binh, trên 5.000 Mẹ Việt Nam Anh hùng. Đã từ lâu, Đền ơn đáp nghĩa trở thành truyền thống văn hóa, nét đẹp trong đời sống tinh thần của người Việt Nam. Ở Long An - vùng đất rạng danh 8 chữ vàng “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc” thì truyền thống đó càng lan tỏa sâu, rộng trong đời sống xã hội, trong mạch nguồn của tình yêu quê hương, đất nước. Nét đẹp văn hóa tri ân luôn hiện diện trong đời sống xã hội, càng bừng sáng sắc màu, thấm đượm nghĩa tình vào mùa tri ân tháng 7 khi cả nước kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7). Bởi đây chính là thời điểm mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta tập trung thực hiện chính sách Đền ơn đáp nghĩa đối với những người đã hy sinh vì nền độc lập, tự do và thống nhất của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.

Không chỉ có mùa tri ân tháng 7, “Uống nước nhớ nguồn” đã trở thành truyền thống, đạo lý tốt đẹp của người Việt Nam, là sức mạnh nội sinh bồi đắp lòng yêu nước. Tất cả người dân Việt Nam tưởng nhớ, tri ân các anh hùng, liệt sĩ, GĐCS, NCC bằng nhiều hành động, việc làm phù hợp, thiết thực.

Lòng tri ân được thể hiện bằng những con đường, ngôi trường mang tên anh hùng, liệt sĩ gắn mãi với truyền thống cách mạng quê hương; trở lại chiến trường xưa tìm, quy tập hài cốt liệt sĩ về với đất mẹ thân yêu; những chuyến về nguồn, thăm “địa chỉ đỏ” để lắng nghe những câu chuyện đậm chất anh hùng ca; chăm sóc nhà bia tưởng niệm, nghĩa trang liệt sĩ để tri ân và cảm nhận về lẽ sống, lý tưởng phụng sự Tổ quốc; hay đến dọn dẹp nhà cửa, nấu ăn, nghe các Mẹ Việt Nam Anh hùng kể về những câu chuyện thời kháng chiến để từ đó có thêm động lực phấn đấu, cống hiến; phát động, vận động xây dựng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, xây dựng những căn nhà tình nghĩa biến lòng tri ân thành hành động;...

Đền ơn đáp nghĩa không đơn thuần là tình cảm mà chính là trách nhiệm của thế hệ sau đối với tiền nhân, những người đã hy sinh cho độc lập, tự do của dân tộc. Thế hệ hôm nay phải soi mình vào những tấm gương oai hùng của dân tộc mà luôn luôn trân trọng, tự hào và biết ơn sự hy sinh của các anh hùng, liệt sĩ. Phải biến niềm tự hào thành hành động cách mạng, nỗ lực học tập, cống hiến không ngừng, ra sức bảo vệ và xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, xứng đáng với các bậc tiền nhân./.

Kim Quy

Chia sẻ bài viết