Người thợ quét thêm 1 lớp sáp nóng để liền những chỗ sáp được nối lại
Tất bật ngày giáp tết
Những ngày giáp tết, con đường nhỏ Nguyễn Duy Cung, phường 12, quận Gò Vấp nhộn nhịp hơn ngày thường. Người ra, vô tấp nập, những chiếc xe giao, nhận hàng của các cở sở đúc đồng thuộc làng nghề An Hội hoạt động với tần suất cao hơn mọi ngày. Bởi, gần tết là thời điểm làng nghề “vào mùa” với các đơn đặt hàng sỉ, lẻ khắp nơi.
Tại Cơ sở đúc đồng Năm Toàn, những người thợ với đôi tay khéo léo, nhanh nhẹn thực hiện công đoạn của mình. Người chạm trổ hoa văn, người đập khuôn đất, người hàn các lỗ khuyết của lư, người mài định dáng lư,… và những âm thanh phát ra như thúc giục xuân đến rất gần. 30 năm tuổi nghề, anh Trần Thanh xem nghề đúc đồng không chỉ là công việc mà còn là đam mê. Anh Thanh bộc bạch: “15 tuổi, tôi theo học nghề và sống với nghề đến hôm nay. Tuy nghề đúc đồng không còn hưng thịnh như xưa nhưng tết đến, các đơn đặt hàng tăng lên nhiều, những người thợ như được “sống lại” thời hoàng kim. Tôi phụ trách khâu chạm trổ hoa văn. Đây là khâu khá quan trọng, quyết định độ tinh xảo, đẹp, xấu của lư đồng. Người thợ cũng được thỏa sức sáng tạo và thể hiện tài năng của mình trong công đoạn này. Đó cũng là một trong những nét đặc trưng của lư đồng làm thủ công”.
Bó một lớp đất sét trộn trấu bên ngoài cho khuôn, sau đó phơi khô và đổ đồng nóng chảy vào khuôn
Hầu hết những người thợ chạm đều không nhớ từng chạm trổ hay sở hữu bao nhiêu mẫu nhưng tùy theo yêu cầu của khách và sự sáng tạo của mình, họ cho ra những hoa văn độc đáo, đẹp mắt riêng. Đôi bàn tay khéo léo, thoăn thoắt với những đường chạm dứt khoát nhưng mềm mại mà không hề có đường vẽ định hình trước. Và mỗi người là một phong cách rất riêng, không hòa lẫn vào nhau. Hàng trăm, ngàn chiếc lư đã chạm, những người thợ vẫn nhận ra những tác phẩm của mình.
Ngoài khâu chạm, các khâu hàn, mài, đánh bóng,… cũng không kém phần quan trọng. Mỗi người thợ hầu như chỉ thực hiện một công đoạn trong khâu làm lư đồng. Chú Sáu Phê, người phụ trách công đoạn hàn, thổ lộ: “Mỗi người phụ trách một công đoạn sở trường thì công việc sẽ nhanh và hiệu quả hơn. Dịp tết này, đơn hàng nhiều nên ai cũng đều tăng ca. Tuy mệt nhưng vui vì mọi người còn yêu mến lư đồng làm thủ công của làng nghề An Hội”.
Một chiếc lư đồng được làm rất kỳ công. Nó không chỉ cần sự tỉ mỉ, chuẩn xác mà còn giàu kỹ thuật. Ban đầu làm ruột khuôn bằng đất sét tốt, sau đó đúc khuôn sáp bằng vật liệu sáp ong trộn với sáp đèn cầy. Kế đến là bao bọc 2 lớp đất sét giã nhuyễn bên ngoài. Sau khi phơi khô khuôn (7 đến 10 ngày), thợ bắt đầu đổ đồng đã nóng chảy vào. Cuối cùng là đập bỏ khuôn đất để chuyển sang khâu làm nguội, gồm các công đoạn: Mài giũa, chạm khắc hoa văn và đánh bóng. Giá lư hương phổ biến từ 3-5 triệu đồng/bộ thường, 15-20 triệu đồng/bộ đạt chuẩn. Sự khác biệt về giá là do độ tinh xảo, độ dày của bộ lư và hài hòa của sản phẩm quyết định.
Mỗi bộ lư đồng thường có giá từ 3-5 triệu đồng và 15-20 triệu đồng/bộ đạt chuẩn
Một thời hoàng kim
Làng nghề đúc lư đồng An Hội do ông Trần Văn Kỉnh - một trong những thợ làm lư đồng An Hội đầu tiên có công thành lập. Đây là làng nghề tạo được tiếng vang khắp Nam kỳ lục tỉnh một thời.
“Ngày xưa, làng nghề nổi danh khắp nơi và khi nhắc đến nghề đúc đồng là người ta nghĩ ngay đến An Hội. Nhờ vậy, các sản phẩm của làng nghề An Hội, đặc biệt là lư đồng có mặt khắp cả nước. Tuy nhiên, theo thời gian, làng nghề không còn hưng thịnh nữa, các cơ sở cũng không “bám trụ” nổi với nghề” - chú Hiếu, người tiếp nối nghề đúc lư đồng của gia đình và có hơn 35 năm tuổi nghề, chia sẻ.
Chạm khắc hoa văn gần như là công đoạn cuối của quá trình làm lư đồng
Có thể thấy, trải qua 200 năm tuổi, An Hội bước qua bao thăng trầm. Từ rất nhiều hộ tham gia làm nghề, nay An Hội chỉ còn có 5 cơ sở “bám nghề” gồm: Hai Thắng, Năm Toàn, Sáu Bảnh, Ba Cồ và Út Kiển và hoạt động xuyên suốt các ngày trong năm.
Anh Quốc - con trai của chủ cơ sở Năm Toàn, cho biết: “Nghe gia đình kể trước năm 1975, làng nghề có mấy chục cơ sở đúc đồng với hàng trăm nghệ nhân theo nghề. Những sản phẩm của An Hội rất được ưa chuộng. Các lái buôn mua và phân phối khắp nơi trên cả nước, thậm chí còn xuất khẩu sang nước ngoài. Đó cũng là thời điểm làng nghề An Hội hưng thịnh nhất”.
Thợ mài định hình lại dáng
Ngày nay, An Hội không còn tiếng vang như xưa nhưng những cơ sở và những người thợ quyết bám nghề để giữ gìn truyền thống gia đình và góp phần gìn giữ thương hiệu lư đồng An Hội - niềm tự hào của bao thế hệ nghệ nhân. Và những ngày giáp tết, mặc dù không hưng thịnh như xưa nhưng họ vẫn như được “sống lại” thời hoàng kim với các đơn đặt hàng tăng lên./.
Ngọc Thạch