Tiếng Việt | English

22/07/2015 - 11:00

Thạnh Hóa: Đã quy hoạch 3.116ha vùng lúa chất lượng cao

Giai đoạn 2010-2015 là nhiệm kỳ thứ V, huyện Thạnh Hóa (Long An) thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH kể từ khi được thành lập. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh ủy, UBND tỉnh cùng sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Huyện ủy, sự hỗ trợ của các sở, ngành tỉnh, đặc biệt là sự đồng thuận của nhân dân, huyện đã đạt nhiều kết quả đáng phấn khởi. Phóng viên (PV) Báo Long an đã có cuộc trao đổi với Phó chủ tịch UBnD huyện - Hoa Vinh Tuấn Kiệt về những thành tựu nổi bật của Đảng bộ huyện Thạnh Hóa 5 năm qua.

PV: 5 năm qua (2010-2015), huyện Thạnh Hóa đã đạt những thành tựu nổi bật gì, thưa ông?

Ông Hoa Vinh Tuấn Kiệt: Trong 5 năm qua, huyện có sự phát triển vượt bậc về sản xuất nông nghiệp, chương trình Về nguồn và Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM).

Tổng diện tích đất trồng lúa năm 2015 là 39.975ha, tăng 11.705ha so với đầu nhiệm kỳ; năng suất bình quân tăng thêm 1,07 tấn/ha; tổng sản lượng trên 250.000 tấn; lợi nhuận bình quân đạt 30% giá trị đầu tư.

Đặc biệt, trong giai đoạn này, huyện đã triển khai thực hiện chủ trương xây dựng cánh đồng lớn, với quy mô thử nghiệm ban đầu 12,7ha, đến nay đã tăng lên 444ha, tập trung ở xã Tân Đông, Tân Tây.

Song song đó, huyện còn thực hiện các cánh đồng liên kết với doanh nghiệp trong đầu tư, tiêu thụ nông sản với 700ha, tập trung chủ yếu ở các xã: Thạnh An, Thủy Tây, Tân Đông, Tân Tây, thị trấn Thạnh Hóa,...

Các loại cây trồng khác như: Chanh không hạt, khóm phát triển mạnh, đạt cả về năng suất và hiệu quả kinh tế. Để góp phần ổn định đầu ra cho nông sản và phục vụ xuất khẩu, huyện đã quy hoạch vùng lúa chất lượng cao 3.116ha, vùng trồng nếp đạt tiêu chuẩn xuất khẩu 10.000ha, vùng trồng khóm 600ha và khoai mỡ 1.000ha. Đồng thời, huyện đang phối hợp các sở, ngành tỉnh xây dựng nhãn hiệu dưa hấu Hoàng gia Thạnh An, khoai mỡ Bến Kè.

Huyện đã đề ra mục tiêu đến năm 2015 có 2 xã đạt chuẩn NTM (Tân Tây, Thạnh Phước) và phấn đấu đến năm 2020 đạt 6 xã NTM.

PV: Thời gian tới, huyện có những giải pháp nào để duy trì và phát triển những kết quả đã đạt, thưa ông?

Ông Hoa Vinh Tuấn Kiệt: Huyện sẽ tập trung xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền địa phương; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; khai thác có hiệu quả lợi thế của huyện; tranh thủ và tận dụng các cơ hội để xây dựng huyện nhà có nền kinh tế phát triển năng động; nâng cao đời sống vật chất, văn hóa và quyền làm chủ của nhân dân; bảo đảm an sinh xã hội; giữ vững quốc phòng-an ninh,...

Để thực hiện mục tiêu này, huyện sẽ tập trung phát triển nền nông nghiệp hàng hóa theo hướng hiện đại, toàn diện, có sức cạnh tranh cao trên thị trường và giữ vai trò quan trọng trong xây dựng NTM. Đồng thời, mở rộng và phát triển vùng lúa chất lượng cao ở các cánh đồng lớn, phấn đấu đến năm 2020, nâng diện tích trồng lúa chất lượng cao lên 9.000ha/năm.

Về công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp, huyện tiếp tục kêu gọi nhà đầu tư đối với các ngành nghề ít gây ô nhiễm môi trường, phù hợp với tình hình phát triển KT-XH của huyện. Để phát huy hiệu quả công tác dạy nghề, huyện sẽ kêu gọi các nhà đầu tư các ngành nghề: May mặc, thêu, đan lát đến đầu tư trên địa bàn huyện.

Qua đó, không chỉ góp phần phát triển kinh tế của huyện mà còn giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi và giảm tỷ lệ hộ nghèo ở địa phương (phấn đấu năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo dưới 3%). Tập trung các nguồn lực để xây dựng kiên cố và chuẩn hóa hệ thống trường lớp, phấn đấu đến năm 2020 có 30 trường đạt chuẩn quốc gia (trong đó có 6 trường đạt chuẩn mức độ 2); tập trung đưa phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa đi vào đời sống; không ngừng nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân.

PV: Thưa ông, để đạt các mục tiêu này, huyện có những đề nghị gì?

Ông Hoa Vinh Tuấn Kiệt: Đề nghị Trung ương, tỉnh sớm đầu tư hoàn thành tuyến Quốc lộ N1 theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Long An lần thứ IX đã xác định. Đây là tuyến đường giao thông trọng điểm của tiểu vùng 2. Sau khi tuyến đường này hoàn thành sẽ mở ra cơ hội thu hút đầu tư rất lớn cho huyện, đặc biệt là ngành công nghiệp chế biến than bùn. Song song đó, cùng với sự đầu tư nạo vét tuyến kênh 61 của Trung ương, ngành chăn nuôi công nghệ cao sẽ được tập trung phát triển tại khu vực này.

PV: Xin chân thành cảm ơn ông!

Quang Nguyên (thực hiện)

Chia sẻ bài viết