Tiếng Việt | English

29/06/2022 - 10:04

Tháp Chămpa Phú Diên (Thừa Thiên Huế) được công nhận kỷ lục thế giới

Bảo tàng Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế vừa tổ chức Lễ công bố kỷ lục Việt Nam và kỷ lục thế giới đối với Tháp Chămpa ở xã Phú Diên, huyện Phú Vang, đạt tiêu chí Tháp Chăm cổ chìm sâu dưới cồn cát ven biển được khai quật và bảo tồn đầu tiên tại Việt Nam.

Tháp Chămpa Phú Diên, huyện Phú Vang được phát hiện vào tháng 4/2001, tại cồn cát ven biển xã Phú Diên, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế bị vùi sâu trong lòng cát từ 5 - 7m so với mặt đất. Ngay sau đó, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã triển khai công tác bảo vệ và tiến hành khảo sát, thám sát địa điểm này.

Nhìn tổng thể, tháp Phú Diên là một khối kiến trúc hình chữ nhật. Càng lên cao càng giật cấp thu nhỏ dần với các thành phần khác nhau như móng tháp, chân đế tháp, thân và diềm mái tháp. Dưới móng tháp là một lớp đá sạn cuội làm nền cho đế tháp.

Tháp Chămpa Phú Diên được công nhận Kỷ lục thế giới

Tháp Phú Diên là một trong những công trình kiến trúc gạch Chămpa sớm nhất còn lại ở khu vực miền Trung, khoảng thế kỷ 8. Vị trí độc đáo, quá trình phát hiện tháp và giải pháp bảo tồn trong gần 20 năm qua đã thành công nhất định. Đây là một kiến trúc thuộc nền văn hóa Chămpa có giá trị về mặt khoa học, lịch sử. Sự có mặt của các hiện vật Yoni bằng đá, bình gốm,… trong lòng Tháp Phú Diên là những hiện vật đặc trưng cho việc thờ cúng của dân tộc Chăm xưa nay.


Tháp Chăm được phát hiện vào tháng 4/2001, bị vùi sâu trong lòng cát từ 5 - 7 mét

Ngày 28/12/2001, Bộ Văn hóa-Thông tin đã xếp hạng Tháp Phú Diên là di tích Kiến trúc Nghệ thuật cấp Quốc gia. Ngày 14/3/2022, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) có quyết định xác lập Kỷ lục Việt Nam đối với Tháp Phú Diên với tiêu chí là "Tháp Phú Diên - Tháp Chăm cổ chìm sâu dưới cồn cát ven biển được khai quật và bảo tồn đầu tiên tại Việt Nam".

Tiếp đến, ngày 30/5/2022, Liên minh Kỷ lục Thế giới (WorldKings) có quyết định xác lập Kỷ lục Thế giới đối với Tháp Phú Diên với tiêu chí "Tháp Chăm cổ chìm sâu dưới cồn cát ven biển được khai quật và bảo tồn đầu tiên trên thế giới”./.

Theo VOV

Chia sẻ bài viết