Theo Sputnik News, đây là lần đầu tiên hai nguyên thủ này gặp nhau kể từ hai cuộc gặp không chính thức kéo dài 15 phút năm 2014.
Khó dẹp tan bất đồng Nga- Mỹ trong vấn đề Syria, Ukraine
Các nhà phân tích chính trị của Nga và phương Tây đang chia rẽ trong quan điểm về những gì sẽ diễn ra trong cuộc gặp tới đây giữa ông Putin và ông Obama.
Trong khi đa số các chuyên gia cho rằng, sẽ khó có đột phá trong quan điểm của cả Nga và Mỹ liên quan đến tình hình Syria và Ukraine, một số chuyên gia lại kỳ vọng ở một kết quả tích cực hơn.
Tổng thống Nga Putin (phải) trao đổi với Tổng thống Mỹ Obama bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G8 năm 2013. Ảnh Sputnik
“Tôi không nghĩ rằng chỉ một cuộc gặp có thể giải quyết được điều gì. Tuy nhiên, trong trường hợp cụ thể này, việc đẩy vấn đề đi quá xa sẽ không có lợi cho cả Nga và Mỹ và cho toàn thế giới”, ông Aleksei Martynov, Giám đốc Viện Nghiên cứu Quốc tế về các Quốc gia mới được thành lập, chia sẻ.
“Dù vậy, tôi hy vọng rằng, không chỉ ông Putin mà cả ông Obama cũng sẽ hiểu rõ điều này và có thể dẹp bỏ một vài bất đồng giữa hai bên”, ông Martynov nói thêm.
Theo ông Martynov, việc không có các cuộc đối thoại cấp cao giữa ông Putin và ông Obama đã làm tích tụ những câu hỏi và những đồn đoán về những vấn đề gì mà hai nhà lãnh đạo sẽ bàn thảo trong cuộc gặp tới đây.
Tuy nhiên, ông Martynov cũng thừa nhận, sẽ rất khó để hai nhà lãnh đạo đưa ra một quyết định nào trong các cuộc gặp như thế này. Thông thường, cả hai sẽ chỉ chia sẻ quan điểm của mình về các vấn đề nóng hiện nay như tình hình Syria, Ukraine và cuộc chiến chống IS.
Ông Mikhail Troitsky, một chuyên gia tại Viện Nghiên cứu các Vấn đề Quốc tế, cũng chia sẻ quan điểm của ông Martynov và cho rằng, cuộc gặp giữa ông Obama và ông Putin nhiều khả năng chỉ để hai nhà lãnh đạo giải thích về quan điểm của mình, nhất là ông Putin.
“Nga gần đây đã có nhiều hoạt động khiến đối tác Mỹ rất muốn Nga đưa ra lời giải thích rõ ràng”, ông Troitsky nói.
Theo ông Troitsky, Tổng thống Nga Putin nhiều khả năng sẽ đưa ra một số đề xuất liên quan đến sự tham gia của Nga trong cuộc chiến chống IS tại Syria cũng như vai trò của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad trong cuộc chiến này.
“Nếu cả hai bên không thể tìm được tiếng nói chung, cuộc gặp sẽ khép lại với việc cả hai hiểu thêm về quan điểm của nhau”, ông Troisky nói. Tuy nhiên, theo ông Troisky, dù kết quả có như thế nào thì cuộc gặp này cũng giúp xây dựng hình ảnh tốt đẹp cho Moscow.
Gương mặt không che dấu nổi vẻ thất vọng của hai nhà lãnh đạo trong cuộc gặp bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G8 năm 2013. Ảnh Sputnik
Cả hai chuyên gia đều thận trọng cho rằng, không nên quá kỳ vọng vào việc “làm tan băng” quan hệ giữa hai nước bởi cả hai nhà lãnh đạo đều coi đối phương là người có quan điểm trái ngược với mình trong rất nhiều vấn đề cần bàn thảo.
Những lần gặp gỡ gượng gạo trước đó
Trong năm 2015, cả ông Obama và ông Putin đã tiến hành nhiều cuộc điện đàm liên quan đến cuộc khủng hoảng tại miền Đông Ukraine, tình hình Syria, cuộc chiến chống IS và chương trình hạt nhân của Iran.
Trước đó, năm 2014, cả hai nhà lãnh đạo đã có các cuộc gặp kéo dài tổng cộng 15 phút. Một trong số đó diễn ra bên lề Hội nghị Thượng đỉnh APEC tại Bắc Kinh vào tháng 11.
Tổng thống Nga Putin (trái) và ông Obama tại Hội nghị Thượng đỉnh APEC 2014. Ảnh Sputnik
“Trong cả 3 dịp gặp gỡ bên lề Hội nghị Thượng đỉnh APEC, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã có cơ hội trao đổi với Tổng thống Nga Putin”, người phát ngôn Nhà Trắng lúc đó, Bernadette Meehan tuyên bố: “Họ bàn về Iran, Syria và Ukraine”.
Ngoài ra, cả hai nhà lãnh đạo cũng gặp nhau vào tháng 6/2014 bên lề Lễ kỷ niệm ngày Quân Đồng minh đổ bộ lên bãi biển Normandy (D-Day) tại Pháp. Cả hai đã tách khỏi đám đông và dành khoảng 15 phút trao đổi với nhau về tình hình Ukraine.
Năm 2013, ông Putin và ông Obama đã gặp nhau bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G8 tại Bắc Ireland diễn ra trong 2 ngày 17-18/6.
“Rất nhiều bức ảnh chụp tại Hội nghị cho thấy hai người đều không thể che dấu nổi sự thất vọng với đối phương”, tờ Washington Post viết.
Sự thất vọng vào thời điểm đó được cho là liên quan đến tình hình Syria và quan điểm của họ về chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad.
Sau đó, ông Obama đã quyết định hủy một cuộc gặp với ông Putin được tổ chức tại Nga trước thềm Hội nghị thượng đỉnh G20 tại St. Petersburg vào tháng 9/2013.
Tổng thống Nga Putin (trái) chào đón ông Obama tại St. Petersburg năm 2013. Ảnh Sputnik
Mặc dù vậy, cả hai vẫn gặp riêng tại St. Petersburg để đối thoại trong vòng 20-30 phút và vấn đề Syria vẫn là chủ điểm chính trong cuộc đối thoại.
Trong những lần gặp trước năm 2013, cả hai thường đối thoại rất lâu, có những cuộc kéo dài tới 2 giờ. Tuy nhiên, tình hình đã trở nên xấu đi sau đó.
Trần Khánh/VOV.VN