Tiếng Việt | English

27/11/2021 - 19:24

Thêm nhiều quốc gia hạn chế đi lại do lo ngại biến thể mới Omicron

Canada thông báo cấm nhập cảnh nước này đối với người nước ngoài đã đi qua các quốc gia miền Nam châu Phi trong vòng 14 ngày qua do lo ngại về biến thể mới B.1.1.529 của virus SARS-CoV-2.

Hành khách đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại sân bay Canada. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Hành khách đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại sân bay Canada. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 26/11, Canada thông báo cấm nhập cảnh nước này đối với người nước ngoài đã đi qua các quốc gia miền Nam châu Phi trong vòng 14 ngày qua do lo ngại về biến thể mới B.1.1.529 của virus SARS-CoV-2, được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đặt lại tên là Omicron.   

Các nước ở miền Nam châu Phi nói trên gồm Nam Phi, Mozambique, Namibia, Zimbabwe, Botswana, Lesotho và Eswatini.

Phát biểu họp báo tại Ottawa, Bộ trưởng Y tế Canada Jean-Yves Duclos nêu rõ bất kỳ ai ở nước này đã đi qua một trong số các quốc gia nói trên trong vòng 14  ngày gần đây phải cách ly ngay và xét nghiệm sàng lọc. Các trường hợp này sẽ phải cách ly tới khi có kết quả xét nghiệm âm tính.

Công dân Canada và những người thường trú ở nước này khi trở về Canada từ khu vực trên qua một quốc gia khác đều phải có kết quả xét nghiệm COVID-19 âm tính ở quốc gia thứ ba này. Họ cũng sẽ được xét nghiệm ngay khi tới Canada. 

Bộ trưởng Duclos cho biết thêm Bộ Các vấn đề toàn cầu của Canada cũng sẽ ban hành khuyến cáo đi lại, theo đó yêu cầu công dân Canada không đến miền Nam châu Phi.

Người đứng đầu Văn phòng Y tế công của Canada, bà Theresa Tam, cho biết đến nay chưa có dấu hiệu biến thể Omicron xuất hiện tại nước này, đồng thời nhấn mạnh các quan chức y tế sở tại vẫn đang tiếp tục theo dõi chặt chẽ biến thể này.

Thêm nhiều quốc gia hạn chế đi lại do lo ngại biến thể mới Omicron

Cùng ngày, Brazil thông báo sẽ đóng cửa biên giới đối với các du khách tới từ 6 quốc gia miền Nam châu Phi gồm Nam Phi, Eswatini, Lesotho, Namibia, Botswana và Zimbabwe do lo ngại biến thể mới Omicron.

Đăng tải trên Twitter, ông Ciro Nogueira, Chánh văn phòng của Tổng thống Brazil, nêu rõ nhà chức trách đang bảo vệ công dân Brazil trong giai đoạn mới của đại dịch ở nước này. Thông tin chính thức sẽ được công bố trong ngày 27/11 và bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 29/11.

Trong khi đó, Cơ quan Giám sát y tế quốc gia Brazil (Anvisa) nêu rõ những người nước ngoài đã đến ít nhất một trong 6 quốc gia châu Phi nói trên trong 14 ngày qua không được nhập cảnh Brazil. Các công dân Brazil trở về từ các quốc gia này phải tuân thủ quy định cách ly.

Trong một thông báo trước đó cùng ngày, Bộ Y tế Brazil lưu ý rằng biến thể mới Omicron đang đặt ra một mối đe dọa tiềm tàng trong tương lai, song cho biết hiện vẫn chưa rõ về tác động dịch tễ học do biến thể này gây ra.

Cũng trong ngày 26/11, Bộ trưởng Y tế Ireland Stephen Donnelly thông báo do lo ngại biến thể mới Omicron, Ireland đang cân nhắc tái khởi động cơ chế cách ly bắt buộc tại khách sạn, sau khi nước này khuyến cáo tránh hoạt động đi lại không thiết yếu tới 7 quốc gia ở miền Nam châu Phi gồm Botswana, Eswatini, Lesotho, Mozambique, Namibia, Nam Phi và Zimbabwe.

Ireland kêu gọi công dân nước này hiện đang ở các nước trên trở về sớm nhất có thể và cách ly tại nhà trong vòng 10 ngày. Bộ trưởng Donnell cho biết sẽ đệ trình dự luật lên Quốc hội vào đầu tuần tới để tái kích hoạt cơ chế cách ly tại khách sạn vốn được dỡ bỏ vào cuối tháng 9 vừa qua.

Trước đó, do lo ngại biến thể Omicron, Liên minh châu Âu (EU) và một số quốc gia khác, trong đó có Anh và Mỹ, cũng đã thông báo siết chặt kiểm soát biên giới.

Nam Phi phản ứng lệnh cấm của các nước

Phản ứng về động thái trên, Bộ Y tế Nam Phi cho rằng việc châu Âu vội vàng áp đặt lệnh cấm đi lại là sai lầm và trái với khuyến cáo của WHO.

Bộ trưởng Y tế Nam Phi Joe Phaahla . (Nguồn: Getty Images)

Bộ trưởng Y tế Nam Phi Joe Phaahla . (Nguồn: Getty Images)

Theo phóng viên TTXVN tại Pretoria, phát biểu trong một cuộc họp báo, Bộ trưởng Y tế Nam Phi Joe Phaahla tuyên bố một số phản ứng từ các nước châu Âu là không hợp lý.

Theo ông Phaala, những lệnh cấm đi lại là "một cách tiếp cận sai, với định hướng sai và đi ngược lại các tiêu chuẩn cũng như khuyến nghị của WHO." So sánh tỷ lệ lây nhiễm hằng ngày ở Nam Phi và ở một số nước châu Âu, Bộ trưởng ông Phaala cho rằng động thái trên của các nước châu Âu "không khoa học," đồng thời cảnh báo những phản ứng như vậy có thể khiến các quốc gia né tránh báo cáo về những trường hợp nhiễm biến thể mới Omicron.

Biến thể mới Omicron cho đến nay đã xuất hiện tại Nam Phi, Botswana, Israel, Bỉ và Đặc khu Hành chính Hong Kong (Trung Quốc). Nhiều quốc gia trên thế giới đã đình chỉ các chuyến bay đến và đi từ miền Nam châu Phi cho đến khi hiểu rõ về mối nguy hiểm mà biến thể mới  có thể gây ra.

WHO khuyến nghị các nước không nên vội vàng áp đặt hạn chế đi lại 

Tuy nhiên, WHO ngày 26/11 đã kêu gọi các nước không nên vội vàng áp đặt hạn chế đi lại thời điểm này.

Theo người phát ngôn của WHO Christian Lindmeier, sẽ mất vài tuần để tìm hiểu tác động của biến thể mới. Hiện các nhà nghiên cứu đang tìm hiểu về các đột biến và những ảnh hưởng của các đột biến đối với độc lực và khả năng lây lan của biến thể này, cũng như tác động đối với việc chẩn đoán, điều trị và hiệu quả của vaccine.

Theo đó, WHO khuyến nghị các nước vào thời điểm này cần thận trọng khi đưa ra các biện pháp đối với việc đi lại, "tiếp tục áp dụng cách tiếp cận khoa học và căn cứ vào nguy cơ khi thực hiện các biện pháp về đi lại"./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết