Thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá năng lực đợt 1 của Đại học Quốc gia TP.HCM sáng 7/4. (Ảnh: DUYÊN PHAN)
Năm 2024, kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TP.HCM tổ chức có sức hút lớn nhất khi có lượng thí sinh dự thi đợt 1 đông nhất lịch sử kỳ thi này với gần 94.000 người.
Tăng cơ hội trúng tuyển
TS Phạm Tấn Hạ - phó hiệu trưởng Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) - cho hay năm nay trường xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TP.HCM tổ chức năm 2024, với 35-50% tổng chỉ tiêu (phương thức 4).
"Với phương thức xét tuyển này, thí sinh không nên chỉ đăng ký vào các ngành "hot" mà nên rải đều nguyện vọng vào nhiều ngành khác nhau của trường để tăng cơ hội trúng tuyển" - ông Hạ lưu ý.
Theo ThS Cù Xuân Tiến - trưởng phòng tuyển sinh và công tác sinh viên Trường đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP.HCM), năm nay nhà trường dành khoảng 40-60% trên tổng 2.600 chỉ tiêu của tất cả các ngành cho phương thức xét tuyển từ kết quả thi đánh giá năng lực. Nhà trường dự kiến công bố kết quả xét tuyển trước kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024.
Về đăng ký xét tuyển, trường quy định thí sinh phải dự thi và có kết quả thi kỳ kiểm tra năng lực do Đại học Quốc gia TP.HCM tổ chức năm 2024, không sử dụng kết quả các năm trước. Thí sinh được đăng ký không giới hạn số nguyện vọng và có xếp thứ tự ưu tiên, nguyện vọng 1 là nguyện vọng cao nhất. Điểm ưu tiên được cộng theo quy định của Đại học Quốc gia TP.HCM được thông tin chi tiết trong đề án tuyển sinh đại học năm 2024 của trường.
"Thí sinh chỉ trúng tuyển vào một nguyện vọng cao nhất trong danh sách các nguyện vọng đã đăng ký của các trường thành viên Đại học Quốc gia TP.HCM. Ngoài ra khi trúng tuyển bằng phương thức này, thí sinh phải đăng ký và sắp xếp nguyện vọng trên cổng đăng ký xét tuyển của Bộ Giáo dục và Đào tạo (từ ngày 18-7 đến 17h ngày 30-7). Trường không đặt mức điểm sàn cho phương thức này. Thí sinh thi 2 đợt, trường sẽ dùng kết quả thi cao nhất để xét tuyển" - ông Tiến cho biết thêm.
Trường đại học Công nghệ thông tin (Đại học Quốc gia TP.HCM) xét điểm thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TP.HCM tổ chức và thỏa mãn điều kiện ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào. Phương thức, điều kiện xét tuyển: theo quy chế tuyển sinh và kế hoạch tuyển sinh của Đại học Quốc gia TP.HCM.
Theo TS Nguyễn Trung Nhân - trưởng phòng đào tạo Trường đại học Công nghiệp TP.HCM, nhà trường dùng chung cổng đăng ký xét tuyển phương thức xét kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP.HCM.
"Thí sinh có nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào Trường đại học Công nghiệp TP.HCM có thể đăng nhập hệ thống của Đại học Quốc gia TP.HCM rồi đăng ký mã trường, mã ngành theo quy định. Nhà trường cũng sử dụng kết quả của cả hai đợt thi, thí sinh thi đợt nào có điểm cao hơn thì lấy đợt đó.
Tuy nhiên, trường chỉ nhận hồ sơ của thí sinh có mức điểm từ 650 trở lên (cơ sở TP.HCM) và 600 điểm (phân hiệu Quảng Ngãi). Năm nay trường sẽ tăng chỉ tiêu cho phương thức này với khoảng 20% tổng chỉ tiêu tất cả các ngành" - ông Nhân nói.
Xét tuyển kết hợp quy đổi điểm thi
PGS.TS Bùi Hoài Thắng - trưởng phòng đào tạo Trường đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM) - cho biết với cách thức xét tuyển kết hợp của trường áp dụng năm nay, thí sinh có nguyện vọng xét tuyển vào trường không cần phải đăng ký xét tuyển trên hệ thống của Đại học Quốc gia TP.HCM.
"Thí sinh đăng ký xét tuyển vào trường chúng tôi như đăng ký phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT tại cổng tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Bên cạnh đó, Trường đại học Bách khoa TP.HCM có mở cổng riêng để thí sinh có thông tin gì riêng có thể vào đó khai báo thêm.
Hiện nay, điểm thi đánh giá năng lực vẫn chiếm trọng số chủ đạo lên tới 75% trọng số tiêu chí học lực của phương thức kết hợp. Như vậy thí sinh có điểm thi đánh giá năng lực càng cao thì cơ hội trúng tuyển càng lớn" - ông Thắng chia sẻ.
Cũng theo ông Thắng, đối với thí sinh không tham dự kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP.HCM có nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào trường này, sẽ được xét tuyển theo cách thức quy đổi từ điểm thi tốt nghiệp THPT (đã công bố chi tiết trên website trường).
Ông Thắng cho biết thêm: "Qua rà soát kết quả học tập của sinh viên trúng tuyển từ các phương thức khác nhau, nhà trường nhận thấy những sinh viên có kết quả thi đánh giá năng lực cao thể hiện năng lực học tập tốt và đồng đều nhất. Do vậy nhà trường khuyến khích thí sinh dự thi đánh giá năng lực. Thí sinh có thể thi cả hai đợt để lấy kết quả cao nhất xét tuyển vào trường"./.
Thí sinh có thể tham gia cả 2 đợt thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP.HCM. Kết quả của đợt thi nào cao hơn sẽ được sử dụng để xét tuyển. (Ảnh: T.HUỲNH)
Theo tuoitre.vn
Nguồn: https://tuoitre.vn/thi-danh-gia-nang-luc-co-diem-roi-su-dung-ra-sao-2024041622585814.htm