Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT 2023 - Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN
Nghiên cứu dự thảo phương án thi tốt nghiệp THPT từ 2025 do Bộ GD-ĐT đưa ra cũng như đề xuất của một số tỉnh, theo tôi nên chọn phương án thí sinh thi bắt buộc hai môn (ngữ văn, toán) và hai môn thí sinh tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12.
Dự thảo phương án thi của Bộ GD-ĐT có hai phương án thi gồm phương án lựa chọn 4+2 (tạm gọi phương án 1) và phương án lựa chọn 3+2 (tạm gọi phương án 2).
Theo đó, phương án 4+2 là thí sinh sẽ thi sáu môn gồm bốn môn bắt buộc là ngữ văn, toán, ngoại ngữ, lịch sử và hai môn tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12. Trong khi đó, phương án 2 thí sinh sẽ thi năm môn gồm ba môn bắt buộc là ngữ văn, toán, ngoại ngữ và hai môn tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12.
Quá trình đánh giá tác động các phương án thi trên, TP.HCM, Long An, Tây Ninh, Lạng Sơn và Bắc Giang có nhiều ý kiến đề xuất thêm phương án 2+2 (tạm gọi phương án 3).
Theo đó, thí sinh thi bắt buộc hai môn là ngữ văn, toán và hai môn tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12 (bao gồm ngoại ngữ và lịch sử). Theo tôi, đề xuất này hợp lý và đáp ứng được chủ trương đổi mới thi cử theo hướng gọn nhẹ, giảm áp lực tốn kém cho xã hội.
Theo nghị quyết 29 của Trung ương và nghị quyết 88 của Quốc hội, việc đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp THPT phải theo hướng gọn nhẹ, giảm áp lực tốn kém cho xã hội nhưng vẫn bảo đảm độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh.
Đồng thời việc thi cũng sẽ cung cấp dữ liệu cho việc tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học, và đảm bảo phù hợp với mục tiêu Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là hình thành phẩm chất năng lực của người học.
Do đó, theo tôi, chọn phương án 3 sẽ đáp ứng được các yêu cầu của hai nghị quyết nói trên. Việc chọn phương án chỉ thi bốn môn trong bốn buổi sẽ gọn nhẹ, giảm áp lực và tốn kém cho xã hội.
Quan trọng hơn, với điểm thi bốn môn cũng có đủ kết quả làm dữ liệu cho các khối ngành khoa học xã hội, khoa học tự nhiên và công nghệ, nghệ thuật, ngoại ngữ tuyển sinh.
Đồng thời bảo đảm quyền chủ động lựa chọn của học sinh, không ảnh hưởng đến việc học hai môn bắt buộc là lịch sử và ngoại ngữ nên sẽ được dư luận đồng tình ủng hộ. Thực tế số liệu do Bộ GD-ĐT đưa ra trong số gần 18.000 cán bộ, giáo viên tham gia lấy ý kiến có đến gần 60% chọn phương án thi này.
Chúng ta cũng cần xác định thi tốt nghiệp THPT là một trong các điều kiện để xét tốt nghiệp. Kết quả sẽ tốt nghiệp phải là kết quả tổng hợp của cả ba nội dung. Thứ nhất, tổng kết điểm của ba năm học THPT.
Thứ hai, kết quả rèn luyện thường xuyên, bao gồm việc tham gia các hoạt động xã hội, thể thao, văn nghệ (tính điểm ưu tiên, điểm cộng thêm) và cuối cùng là kết quả thi tốt nghiệp THPT. Đề thi tốt nghiệp THPT theo hướng phải đáp ứng được yêu cầu đánh giá năng lực./.
Theo TTO
Nguồn: https://tuoitre.vn/thi-tot-nghiep-thpt-de-xuat-thi-4-mon-de-giam-ap-luc-do-ton-kem-20231010230901547.htm