Tiếng Việt | English

10/04/2022 - 06:50

Thị trường nông sản tuần qua: Giá một số loại lúa giảm

Theo các thương nhân, trong tuần qua, thị trường lúa gạo giao dịch trầm lắng, do thương lái ít mua mới. Phụ phẩm lúa gạo nhiều song khách mua giảm.

Thu hoạch lúa vụ Đông Xuân. (Ảnh: Hoàng Nhị/TTXVN)

Thu hoạch lúa vụ Đông Xuân. (Ảnh: Hoàng Nhị/TTXVN)

Trong tuần qua, thị trường lúa gạo ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long không có nhiều biến động nhưng vẫn có một số loại lúa có giá giảm so với tuần trước.

Tại An Giang, giá một số loại lúa có giá giảm so với tuần trước như lúa tươi IR 50404 ở mức từ 5.500-5.600 đồng/kg, giảm 100 đồng/kg; OM 18 là 5.850-6.000 đồng/kg, giảm 200 đồng/kg.

Một số loại lúa vẫn giữ giá ổn định như OM 5451 từ 5.600-5.800 đồng/kg; lúa Nhật từ 8.000-8.500 đồng/kg; Nàng Hoa 9 từ 5.900-6.000 đồng/kg. Đài thơm tám từ 5.800-6.000 đồng/kg.

Lúa nếp có sự biến động giá tùy địa phương. Lúa nếp tươi An Giang ở mức từ 5.500-5.800 đồng/kg, giảm 50 đồng/kg; nếp Long An tươi ổn định từ 5.300-5.500 đồng/kg.

Về giá các loại gạo ở An Giang cũng không có sự biến động: Hương lài 19.000 đồng/kg, sóc Thái 18.000 đồng/kg, gạo Nàng nhen 20.000 đồng/kg, Nàng hoa 17.500 đồng/kg, gạo trắng thông dụng 14.000 đồng/kg, gạo thơm thái hạt dài 18.000-19.000 đồng/kg; Jasmine từ 15.000-16.000 đồng/kg; gạo thường 11.000-12.000 đồng/kg.

Theo Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, tại Cần Thơ giá lúa Jasmine ổn định ở mức 7.100 đồng/kg, OM 4218 là 6.600 đồng/kg, IR 50404 là 6.400 đồng/kg.

Tại Sóc Trăng, lúa ST 24 có giá là 8.000 đồng/kg, OM 4900 là 8.500 đồng/kg, OM 6976 là 6.4 đồng/kg,  RVT là 8.200 đồng/kg.

Theo các thương nhân, thị trường lúa gạo giao dịch trầm lắng, do thương lái ít mua mới. Phụ phẩm lúa gạo nhiều song khách mua giảm.

Dự kiến đến ngày 10/4, toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã thu hoạch được 70-75% diện tích lúa Đông Xuân 2021-2022; trong đó nhiều tỉnh đã qua đỉnh vụ, lượng lúa về ít.

Hiện ở nhiều địa phương Nam Bộ đang có mưa trái mùa làm cho lúa sập, đổ ngã, ngập nước. Trong khi phần lớn diện tích lúa trong giai đoạn trổ chín. Thậm chí tại huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu, nhiều diện tích lúa chỉ mới trổ đòng đã ngã rạp trong nước.

Ông Huỳnh Văn Tèo, nông dân xã Vĩnh Phú Đông gieo sạ 1ha, cho biết thiệt hại trên những cánh đồng này ước tính là 50% diện tích. Lúa sập, không chỉ năng suất giảm, mà công cắt lúa cũng đội lên mấy chục phần trăm, do lúa sập khó cắt.

Còn tại Bạc Liêu, giá hầu hết các loại lúa đều giảm bình quân từ 900-1.000 đồng/kg so với vụ trước. Cụ thể, giá lúa Đài thơm 8 trên thị trường dao động từ 5.600-5.900 đồng/kg lúa tươi; lúa RVT, ST 24-ST 25 từ 7.300-7.700 đồng/kg lúa tươi. Riêng giống lúa BLR 413 do Trung tâm giống Bạc Liêu nghiên cứu có giá bao tiêu là 6.800-6.900 đồng/kg lúa tươi...

Giá giảm, trong khi chi phí sản xuất tăng mạnh nên sau khi trừ chi phí lợi nhuận thì nông dân thu được chỉ bằng 50% so với vụ Đông Xuân 2020-2021.

Nhằm hỗ trợ tư vấn kỹ thuật cho nông dân, đồng thời đảm bảo bán giá cao hơn thị trường từ 100-200 đồng/kg, vụ Đông Xuân 2021-2022, Tập đoàn Lộc Trời liên kết sản xuất và tiêu thu với nông dân tại huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu với diện tích 410ha lúa và cam kết thu mua 100% sản phẩm.

Trong vụ Hè Thu, công ty sẽ dự kiến mở rộng liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa gạo với diện tích 1.000ha. Các giống lúa liên kết với bà con nông dân là OM5451, OM18, Lộc Trời 28, Lộc Trời 4.

Về xuất khẩu, gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán ở mức từ 400-415 USD/tấn trong ngày 7/4, không thay đổi so với một tuần trước. Một thương nhân tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết nguồn cung đang tăng lên, nhưng hoạt động xuất khẩu trầm lắng do chi phí vận chuyển rất cao.

Trong khi đó, giá gạo xuất khẩu tại Ấn Độ giảm do nguồn cung tăng sau khi chính phủ mở rộng kế hoạch cung cấp ngũ cốc trợ giá. Gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ được báo giá ở mức từ 365-369 USD/tấn trong tuần này, giảm so với mức từ 367-370 USD/tấn của tuần trước. Một nhà xuất khẩu tại Kakinada bang Andhra Pradesh, miền Nam Ấn Độ cho biết, trên thị trường mở, nguồn cung đã được cải thiện khi chính phủ bắt đầu phân phát gạo và lúa mỳ miễn phí cho người dân nghèo.

Giá gạo 5% tấm của Thái Lan được giao dịch ở mức từ 408-412 USD/tấn so với mức từ 408-410 USD/tấn của tuần trước. Các thương nhân cho biết nhu cầu đã tăng nhẹ nhưng không đủ để tác động đến giá do chi phí vận chuyển và hậu cần giảm nhẹ. Nhiều thương lái cho biết thêm, gạo từ các vụ thu hoạch gần đây cũng được đưa vào thị trường có thể do sự ổn định sau cú sốc ban đầu từ cuộc chiến ở châu Âu. Nhu cầu thức ăn chăn nuôi trên thị trường quốc tế và trong nước cũng ổn định.


Cánh đồng lúa mỳ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Cánh đồng lúa mỳ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Thị trường nông sản Mỹ cho thấy trong phiên giao dịch ngày 8/4, giá các mặt hàng nông sản kỳ hạn trên sàn giao dịch Chicago (Mỹ) đều tăng, với giá lúa mỳ tăng mạnh.

Chốt phiên này, giá ngô giao tháng 7/2022 tăng 10,5 xu Mỹ (1,4%) lên 7,6075 USD/bushel. Giá lúa mỳ giao cùng kỳ hạn tăng 33 xu Mỹ (3,22%) lên 10,5825 USD/bushel. Còn giá đậu tương giao tháng 5/2022 tăng 43,5 xu Mỹ (2,64%) lên 16,89 USD/bushel (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2kg; 1 bushel ngô = 25,4kg).

Công ty nghiên cứu AgResource có trụ sở tại Chicago cho biết Báo cáo dự báo cung và cầu nông nghiệp thế giới (WASDE) tháng Tư do Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) thông báo ngày 8/4 tỏ ra cẩn trọng khi hạ mức dự báo về vụ đậu tương của Brazil và nâng ước tính về hoạt động xuất khẩu ngô và đậu tương của Mỹ trong giai đoạn 2021/2022.

Báo cáo cho thấy lượng ngô trữ kho cuối niên vụ 2021-2022 của Mỹ ở mức 1,440 triệu bushel. Ngoài ra, báo cáo cũng nâng ước tính sản lượng ngô niên vụ này ở Brazil tăng thêm 2 triệu tấn, lên 116 triệu tấn, trong khi con số tương ứng của Argentina dự kiến ở mức 53 triệu tấn, tương tự dự báo trước đó.

Trong khi đó, báo cáo WASDE ước tính nhập khẩu đậu tương của Trung Quốc giai đoạn 2021-2022 xuống còn 91 triệu tấn. Lượng đậu tương trữ kho thế giới giai đoạn 2021-2022 giảm xuống còn 89,6 triệu tấn.

Về thị trường càphê thế giới, trong phiên giao dịch càphê ngày 9/4, giá càphê thế giới trên hai sàn tại London và New York đều trong xu hướng hồi phục tăng điểm.

Kết thúc phiên giao dịch mới nhất, giá càphê Robusta trên sàn London giao tháng 5/2022 tăng 27 USD/tấn lên mức 2.091 USD/tấn, giao tháng 7/2022 tăng 30 USD/tấn lên mức 2.096 USD/tấn. Khối lượng giao dịch duy trì trên mức trung bình.

Còn giá càphê Arabica trên sàn New York giao tháng 5/2022 5,50 xu Mỹ, lên 231,65 xu Mỹ/lb và kỳ hạn giao tháng Bảy tăng 5,40 xu Mỹ/lb, lên 231,85 xu Mỹ/lb (1 lb = 0,4535 kg). Khối lượng giao dịch duy trì rất cao trên mức trung bình.

Tại Việt Nam, giá càphê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên tăng 500-600 đồng, lên dao dộng trong khung 40.100-40.700 đồng/kg.

Báo cáo thương mại tháng Hai của Tổ chức Càphê Quốc tế (ICO) cho thấy xuất khẩu cà phê toàn cầu trong 5 tháng đầu của niên vụ càphê hiện tại 2021/2022 đã giảm 0,8% so với cùng kỳ niên vụ trước, xuống chỉ đạt 53,2 triệu bao.

Đồng thời ICO cũng báo cáo sản lượng cà phê toàn cầu trong niên vụ 2021/2022 đạt tổng cộng 167, 2 triệu bao, giảm 2,10% so với niên vụ trước đó, chủ yếu là do sản lượng càphê Arabica của Brazil theo chu kỳ "hai năm một" cho sản lượng thấp./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết