Tiếng Việt | English

30/03/2016 - 16:18

Thiên tai hạn, mặn có thể kéo dài đến tháng 6-2016

Hạn, mặn nghiêm trọng nhất trong nhiều năm trở lại đây đang khiến cho hàng ngàn nông dân ở Long An lâm vào khó khăn vì lúa chết hàng loạt, nhiều cây trồng khác cũng đứng trước nguy cơ mất mùa.

 Nhiều cánh đồng lúa ở xã Đông Thạnh, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An đều bị bạc trắng

Trên 6.500 ha lúa bị thiệt hại

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vụ lúa Đông Xuân 2015-2016 toàn tỉnh Long An xuống giống gần 235.000 ha, hiện đã thu hoạch được trên 234.000 ha, riêng diện tích bị thiệt hại do thiên tai hạn, mặn được thống kê gần 6.500 ha. Các địa phương bị thiệt hại nặng là Cần Đước, Cần Giuộc, Thủ Thừa, Tân Trụ, TP.Tân An và Bến Lức.

Hiện nay, nhiều cánh đồng lúa ở xã Đông Thạnh, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An đều bị bạc trắng. Theo chính quyền địa phương cho biết, vào giữa tháng 1 năm 2016, khi các trà lúa khoảng 30 ngày tuổi thì bắt đầu thiếu nước ngọt, độ mặn tăng lên, nhiều diện tích xa nguồn nước thì nông dân đã bỏ trắng. Theo thống kê sơ bộ, toàn xã Đông Thạnh đã có gần 750 ha lúa từ 30-60 ngày tuổi bị thiệt hại hoàn toàn do khô hạn, ngộ độc mặn, chiếm trên 97% diện tích gieo sạ, diện tích còn lại dù có thu hoạch nhưng hiệu quả rất thấp.

Phó Chủ tịch UBND xã Đông Thạnh, huyện Cần Giuộc – Đặng Thị Hải Yến cho biết: “Mỗi năm, người dân ở đây làm lúa với 2 vụ ăn chắc, nơi nào nguồn nước thuận lợi còn làm được vụ ba. Thế nhưng năm nay lại phải trắng tay vì hạn, mặn, việc thiếu nước đã xảy ra cách đây hơn 2 tháng. Lúa chết, nhiều hộ dân bắm bụng, cắt lúa làm thức ăn cho bò.”


Lúa chết, nhiều hộ dân bắm bụng, cắt lúa làm thức ăn cho bò

Thiên tai hạn, mặn có thể kéo dài đến tháng 6-2016

Có thể nói, nguyên nhân chính làm cho nhiều diện tích lúa bị thiệt hại nặng nề trong vụ Đông Xuân 2015-2016 là do thiên tai hạn mặn diễn biến phức tạp nằm ngoài dự đoán của các nhà chuyên môn. Là vụ lúa quan trọng nhất trong năm nên những thiệt hại do thiên tai hạn mặn gây ra trong vụ lúa Đông Xuân đã làm cho cuộc sống của bà con nông dân gặp rất nhiều khó khăn.

Như trường hợp của ông Phạm Văn Mật, ấp 1, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, vụ Đông Xuân năm nay, xuống giống được 0,5 hecta, tuy nhiên đến nay thì tất cả đều không thu hoạch được, vụ này mất trắng hơn 10 triệu đồng chi phí đầu tư. Ông cho biết: “Lúa tôi đang trong giai đoạn đồng trổ thì thiếu nước nên lấy nước vào, không ngờ nước bị nhiễm mặn làm lúa đang trổ thì bị hư hết.”

Theo dự báo thì thiên tai hạn, mặn còn kéo dài đến hết tháng 5, thậm chí có thể đến tháng 6-2016, và nếu diễn ra đúng như dự báo thì ở tỉnh Long An sẽ tiếp tục có khoảng 14.630 ha lúa bị ảnh hưởng giảm năng suất từ 30-50% và hơn 30.000 ha lúa có khả năng bị thiếu nước trong tháng 4-2016.


Nhiều diện tích lúa bị nhiễm mặn

Khả năng ảnh hưởng đến nhiều vụ sau

Với những trà lúa còn trên đồng thì ngành chức năng và bà con nông dân đang tranh thủ mọi nguồn lực để cứu lúa, hạn chế thấp nhất những thiệt hại có thể xảy ra. Tuy vậy, qua thực tế tại một số địa phương thì để giải quyết được nguồn nước ngọt cứu lúa trong điều kiện hiện nay là rất khó khăn, bởi nguồn nước trên các sông rạch hầu hết đã nhiễm mặn không đảm bảo tưới cho cây lúa.

Bên cạnh đó, một thực trạng đáng lo ngại trong mùa hạn mặn năm nay là nhiều bà con nóng lòng cứu lúa mà vô tình bơm nước với độ mặn cao vào ruộng. Những ruộng lúa này chẳng những không được cứu giản mà ngược lại độ muối tích lũy trong đất sẽ làm thay đổi những yếu tố lý, hóa và sinh học trong đất. Điều này, không chỉ gây thiệt hại năng suất lúa hiện tại mà còn có thể tiếp tục kéo dài ở nhiều vụ sau. Để cải tạo đất nhiễm mặn rất khó khăn, thậm chí còn tốn kém hơn nhiều so với thiệt hại 1 vụ lúa.


Nhiều bà con nóng lòng cứu lúa mà vô tình bơm nước với độ mặn cao vào ruộng

Gấp rút tìm biện pháp hỗ trợ nông dân

Thiên tai hạn mặn đã gây ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của bà con trồng lúa. Đặc biệt là đối với những vùng chỉ làm 2 vụ/năm, nếu thất thu vụ Đông Xuân thì chỉ đợi đến khi mưa đều mới có thể xuống giống tiếp theo. Trong khoảng thời gian tới, nông dân hầu như không có nguồn thu nhập nào thay thế vì đồng khô nứt nẻ nên không thể chăn nuôi hoặc trồng màu như mọi năm.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh - Lê Văn Hoàng cho biết: Về chính sách hỗ trợ thiệt hại cho nông dân, hiện nay, Sở đã tham mưu UBND tỉnh ra quyết định công bố thiên tai hạn, mặn cấp độ 2 và có công văn đề nghị Trung ương hỗ trợ 90,74 tỉ đồng. Trong đó, hỗ trợ nông dân khôi phục sản xuất là 25,74 tỉ đồng, hỗ trợ bơm tác nước cho dân là 5 tỉ đồng. Đồng thời, đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho nạo vét các công trình để phục vụ sản xuất vụ Hè Thu năm 2016 và các năm tiếp theo với tổng kinh phí ước tính 60 tỉ đồng.

Từ thực trạng của thiên tai hạn mặn lần này cho thấy, nếu nông dân sản suất lúa ở những vùng đất có nguy cơ hạn, mặn thì sẽ rất tốn kém mà hiệu quả kinh tế mang lại rất thấp. Vì vậy ngành chức năng cần có giải pháp cụ thể hướng dẫn nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, tìm giống kháng, giống thích nghi với điều kiện hạn, mặn./.

Thanh Hiểu

Chia sẻ bài viết