Câu hỏi: Cứ đến đầu năm học, nhà trường lại đôn đốc thu bảo hiểm y tế (BHYT) học sinh, sinh viên (HSSV) cùng các khoản thu của trường, như vậy có đúng không? Ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) sao lại thực hiện thu BHYT?
(laitranthe@gmail.com)
Trả lời:
Luật BHYT quy định: BHYT là loại hình bảo hiểm bắt buộc toàn dân với mục đích để mọi người dân đều được chăm sóc sức khỏe bằng BHYT. Để đạt mục tiêu bao phủ BHYT toàn dân, các cấp, các ngành đều có trách nhiệm triển khai BHYT đến nhóm đối tượng mình quản lý. Đối với đối tượng HSSV thuộc quản lý của ngành GD&ĐT, tại Điều 7b, Luật BHYT có quy định:
Bộ GD&ĐT có trách nhiệm trong công tác BHYT HSSV như sau:
Chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện việc xác định, quản lý đối tượng do Bộ GD&ĐT quản lý, bao gồm:
- Người nước ngoài đang học tập tại Việt Nam được cấp học bổng từ ngân sách của Nhà nước Việt Nam.
- HSSV đang theo học tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.
Thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy định của pháp luật về trách nhiệm tham gia BHYT của các đối tượng do Bộ GD&ĐT quản lý.
Chủ trì, phối hợp Bộ Y tế, các bộ, ngành liên quan hướng dẫn thành lập, kiện toàn hệ thống y tế trường học để chăm sóc sức khỏe ban đầu đối với trẻ em, HSSV.
Như vậy, việc nhà trường tổ chức thu BHYT HSSV là đúng quy định của pháp luật. HSSV là thế hệ chủ nhân tương lai của đất nước, tham gia BHYT không chỉ giúp các em được chăm sóc sức khỏe, bảo đảm thể chất để học hành mà còn giúp các em có ý thức thực hành pháp luật và chia sẻ cộng đồng.
Câu hỏi: Tôi là nhân viên công ty may, hiện đang chờ làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp. Vậy tôi tham gia BHYT như thế nào?
(bichtramphan0101@gmail.com)
Trả lời:
Theo quy định của Luật Việc làm; Điểm a, khoản 1, Điều 2, Nghị định số 105/2014/NĐ-CP và khoản 1, Điều 5, Thông tư 41/2014/TTLT-BYT-BTC thì trong khoảng thời gian từ khi ông/bà chấm dứt hợp đồng lao động và nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp đến khi được hưởng trợ cấp thất nghiệp trong thời hạn 3 tháng thì vẫn được tính là thời gian tham gia BHYT liên tục (thời gian tham gia BHYT gián đoạn tối đa không quá 3 tháng thì được coi là tham gia BHYT liên tục), nhưng không được hưởng quyền lợi khi đi khám, chữa bệnh BHYT tại thời điểm đó.
Trong thời gian này, để được hưởng quyền lợi khám, chữa bệnh BHYT, ông/bà có thể tham gia BHYT theo hộ gia đình./.
BHXH tỉnh Long An