Mới đây, Kiểm toán Nhà nước yêu cầu Tổng Công ty CP Bia Rượu NGK Sài Gòn (Bia Sài Gòn-Sabeco) nộp thêm hơn 408 tỷ đồng thuế Tiêu thụ đặc biệt năm 2013 do “lách thuế” thông qua việc thành lập các Công ty Thương mại khu vực (CTCPTMKV).
Xung quanh câu chuyện này, có nhiều vấn đề vẫn đang tranh cãi. Lãnh đạo Sabeco cho biết, nếu đúng là Công ty vi phạm luật pháp thì công ty sẵn sàng nộp lại số tiền này cho Nhà nước. Tuy nhiên, theo phân tích của các chuyên gia, việc thu 408 tỷ đồng của Sabeco không phải là chuyện đơn giản.
Công ty con- không xa lạ trong thị trường
Việc thành lập các Công ty Thương mại khu vực của Sabeco bị cho là “lách thuế”, ông Phan Chí Dũng – Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ (Bộ Công thương) cho rằng: Sản xuất lưu thông là khâu gắn kết. Một DN nhỏ buôn bán trong phạm vi hẹp thì hệ thống phân phối rất nhỏ. Nhưng công ty lớn kinh doanh trong phạm vi quốc gia, thế giới thì thiết lập hệ thống phân phối của họ phải có nhiều tầng nấc. Thương nghiệp TƯ là bán buôn cấp 1, về cấp tỉnh là cấp 2, huyện là cấp 3 sau đó bán ra các cửa hàng Quốc doanh. Nền sản xuất hàng hoá phải thiết lập hệ thống phân phối như vậy. Thế giới cũng làm tương tự. Các thương hiệu thế giới vào các quốc gia lập tức sẽ xây dựng nhà phân phối độc quyền hoặc hệ thống các nhà phân phối, sau đó mới toả ra thị trường. Đây là mô hình của nền kinh tế hàng hoá.
Chia sẻ quan điểm này, ông Nguyễn Đình Cung - – Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) nhấn mạnh: Trong kinh tế thị trường, DN thành lập công ty mẹ, con, cháu, chắt là bình thường và pháp luật hiện nay cũng khuyến khích làm điều đó. Điều này tạo cho DN tận dụng được tiềm năng lợi thế trên thị trường, giảm rủi ro cho hoạt động kinh doanh. Việc làm này cũng có nghĩa là DN tận dụng được những lợi thế và cả kẽ hở của chính sách. Đây là điểm hoàn toàn tự nhiên với người thông minh vì người ta biết lách chỗ này chỗ kia để kiếm lời. Cơ quan quản lý Nhà nước với trách nhiệm bảo vệ lợi ích chung thì phải tìm kiếm công cụ để hạn chế mặt này của DN.
Đồng tình quan điểm này, ông Dũng cho rằng: “DN làm đúng mà cho rằng do quy định của pháp luật không chặt mà truy thu là không thuyết phục. Nếu truy thu phải truy thu hết các DN khác”.
Nói về trường hợp của Sabeco, ông Nguyễn Đình Cung cho rằng: Đây là 1 điển hình về thể chế kinh tế thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phát triển DN và thúc đẩy kinh tế thị trường (KTTT) nói chung. Trong nền KTTT sở hữu tư nhân phải là chủ đạo và trong KTTT sở hữu và quyền sở hữu tài sản phải được minh định, đồng thời phải được bảo vệ một cách chặt chẽ đảm bảo sự an toàn của người dân và DN để người ta yên tâm đầu tư phát triển lâu dài. Nên những quy định tác động trực tiếp đến tài sản, quyền tài sản phải được quy định bởi cơ quan lập pháp cao nhất, ổn định lâu dài và thật minh bạch. Lâu nay thuế là 1 trong những qui định tác động trực tiếp đến tái sản xuất và bảo vệ tài sản của DN và nhà đầu tư.
Quốc hội xây dựng Luật thuế nhưng “hành” thuế bị chi phối chủ yếu bằng các Thông tư của Bộ Tài chính. Như thế là không bảo vệ được tính chắc chắn ổn định và bảo vệ có hiệu quả tài sản, sở hữu tài sản của người dân.
Mức thuế thì Luật quy định, nhưng tổng số thuế phải nộp không phụ thuộc vào mức thuế, mà phụ thuộc vào giá tính thuế và rất nhiều điều khác. 15% của 0 là 0 nhưng 15% của 1 tỷ là nhiều vấn đề khác. Chính vì thế, Quốc hội phải qui định các mức thuế, cách tính thuế chứ không phải qui định chung chung rồi để các đơn vị hành thuế giải thích một cách tuỳ tiện. Vì một sự thay đổi nhỏ về thuế có thể dẫn tới phá sản của DN và sạt nghiệp của Nhà đầu tư.
Thuế bảo đúng, Kiểm toán bảo sai. Ai chịu trách nhiệm?
Theo ông Cung, nếu nói Sabeco vi phạm luật thì phải chỉ rõ vi phạm khoản nào, điều nào. Lách luật không phải vi phạm luật mà họ tuân thủ luật theo cách có lợi cho mình. Kẽ hở luật pháp không thể do DN và người dân gánh thiệt hại. Sau này, nếu cứ tìm ra kẽ hở lại bắt người dân gánh chịu thì họ rất bất an, bỗng dưng rơi vào thế vi phạm pháp luật vì cơ quan chức năng tự dưng tìm ra kẽ hở.
“Hoàn thiện luật pháp, bịt kẽ hở là chức năng của cơ quan nhà nước chứ không phải vì kẽ hở mà buộc người dân và DN phải gánh chịu tổn thất, chi phí của nó. Nếu ta làm như vậy thì môi trường kinh doanh của Việt Nam rất rủi ro. Nếu Sabeco mà niêm yết có nguy cơ sụt giảm giá cổ phiếu thì ai chịu trách nhiệm về sự sụt giảm này. Cổ đông có thể sẽ rút vì tính bất định, lợi tức chắc chắn giảm, giá cổ phiếu trên thị trường giảm, thì không những cổ đông bị thiệt, tài sản rất lớn của người ta bị mất đi chỉ vì những bàn luận như thế này. Từ đó dẫn tới việc các nhà cung cấp của Sabeco thế nào, nhà tiêu thụ sẽ ra sao? Đây mới là 1 kiến nghị của Kiểm toán chứ chưa phải quyết định, nhưng đã gây ra rất nhiều hoang mang” – ông Cung nói.
Cũng cho rằng việc lách luật, lách thuế không phải là vi phạm pháp luật, ông Nguyễn Sỹ Cương - Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng: “Lỗ hổng pháp luật nước nào cũng có, trách nhiệm của các nhà làm luật là phải làm thế nào để lỗ hổng càng nhỏ càng tốt, càng ít càng tốt. Khi luật có lỗ hổng lớn, nhiều, người lách được người ta không có lỗi. Với tất cả các DN, nhà đầu tư, khi người ta đầu tư ở đâu phải tìm hiểu pháp luật để tránh vi phạm nhưng đồng thời cũng tìm ra lỗ hổng của pháp luật để tận dụng. Đó là điều rất bình thường”.
Phân tích ở khía cạnh khác, ông Cương cho rằng: DN nói chung và Sabeco nói riêng không thể tự kê khai thuế, không phải muốn kê khai thế nào thì kê khai muốn nộp thế nào thì nộp mà phải được sự chấp thuận của cơ quan thuế, năm nào cũng kê khai năm nào cũng được chấp nhận thì mới nộp được. “Theo tôi hiểu, kết luận của Kiểm toán Nhà nước không tính gì đến trách nhiệm của các đơn vị này. Khi thảo luận về Luật Kiểm toán Nhà nước ở kỳ họp thư 9, Quốc hội khóa XIII rất nhiều đại biểu đề cập vấn đề sau kiểm toán, đã có kết luận là không vấn đề gì nhưng sau đó phát hiện có vấn đề, cơ quan Cảnh sát điều tra vào thì trách nhiệm của Kiểm toán đến đâu. Còn nếu kết luận của Kiểm toán là đúng thì trách nhiệm của cơ quan thuế như thế nào?”.
Sabeco xin tiền Nhà nước để nộp… ngân sách Nhà nước
Ông Phan Đăng Tuất, Chủ tịch HĐQT Sabeco cho biết: Ngay từ năm 2009, khi chưa hiểu rõ cách tính Thuế TTĐB, Sabeco đã gửi các văn bản đến các cơ quan hữu quan để hỏi rõ và được hướng dẫn rất chi tiết. Ngoài ra, qua kết luận các đợt thanh kiểm tra quyết toán thuế TTĐB từ 2008 đến nay khẳng định Bia Sài Gòn luôn tuân thủ các quy định của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
“Trong kết luận của Kiểm toán Nhà nước năm 2011 khi kiểm toán BCTC năm 2010 đối với Tổng công ty đã ghi nhận Bia Sài Gòn đã tuân thủ đúng các quy định của pháp luật về Thuế TTĐB. Điều đó vừa là sự động viên và cũng là cơ sở để chúng tôi yên tâm triển khai nghiêm túc ở các năm tiếp theo.. Vậy mà đến năm 2015, khi kết luận kiểm toán BCTC năm 2013 vẫn những nội dung đó, vẫn những văn bản quy phạm đó và những cán bộ kiểm toán đó …nhưng Kiểm toán Nhà nước lại kết luận ngược lại?” – ông Tuất băn khoăn.
Ngoài ra, theo ông Tuất, tất cả các khoản thu, Sabeco đã nộp vào ngân sách nhà nước hàng năm. Nếu tuân thủ theo kết luận truy thu của KTNN, Công ty sử dụng nguồn quỹ dự phòng hoặc nguồn lợi nhuận chưa phân phối thì bản chất vẫn là tiền nhà nước, có nghĩa là chúng tôi lại phải xin tiền nhà nước để nộp vào ngân sách nhà nước! Đến thời điểm này, chúng tôi vẫn chưa hình dung thủ tục để có thể thực hiện việc truy thu sẽ phức tạp như thế nào, vì theo quy định, Bia Sài Gòn phải báo cáo xin chỉ đạo của Bộ Công Thương, sau đó lại xin Bộ Tài chính cho phép được sử dụng các nguồn tiền trên để nộp ngay lại cho Bộ Tài chính?/.
Vũ Hạnh/VOV.VN