Tiếng Việt | English

19/04/2016 - 11:12

Thu hút đầu tư và lắp đầy khu - cụm công nghiệp đòn bẩy cho phát triển kinh tế

Long An hiện có 28 khu công nghiệp (KCN) và 32 cụm công nghiệp (CCN) được quy hoạch với diện tích hơn 13.600ha. Các khu - cụm công nghiệp (K-CCN) được xem là hạt nhân thúc đẩy tiến trình công nghiệp hóa của tỉnh. Thời gian qua, chính quyền địa phương, các ngành chức năng cũng như nhà đầu tư hạ tầng các K-CCN luôn nỗ lực nâng cao năng lực, thu hút đầu tư cũng như lấp đầy diện tích đất theo quy hoạch. Đây cũng là một trong những yếu tố quan trọng để Long An phát triển công nghiệp bền vững.


Vào đầu tháng 4-2016, giữa Công ty Samduk VN và Công ty CP Hòa Bình ký kết hợp đồng thuê đất tại KCN Long Hậu-Hòa Bình

Bước tiến về thu hút đầu tư

Với nhiều lợi thế về địa lý cùng quỹ đất sạch sẵn có dành cho phát triển công nghiệp, những năm qua, Long An được xem là địa phương dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong thu hút đầu tư. Mặc dù trong bối cảnh kinh tế trong nước lẫn thế giới gặp khó khăn, thách thức nhưng trong năm 2015, Long An có lượng nhà đầu tư đến tìm hiểu, đầu tư cao nhất trong giai đoạn 2011-2015. Năm 2015, tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 80 dự án có vốn đầu tư trong nước (DDI) với tổng vốn đăng ký trên 12.120 tỉ đồng và 105 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với số vốn đăng ký gần 1 tỉ USD.

Trưởng Ban Quản lý khu kinh tế - Nguyễn Văn Tiều cho biết, trong quí I-2016, thu hút đầu tư vào KCN trên địa bàn tỉnh tăng mạnh so với cùng kỳ. Các KCN đã có 21 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký là 234,3 triệu USD, (trong đó, cấp mới 61,5 triệu USD, tăng vốn 172,8 triệu USD), tăng 267% so cùng kỳ; 24 dự án có vốn đầu tư trong nước, tăng 50% so cùng kỳ, với tổng vốn đầu tư đăng ký là 1.172 tỉ đồng, tăng 21% so cùng kỳ (gồm cấp mới 1.048 tỉ đồng, tăng vốn 135 tỉ đồng). Như vậy, tính đến nay các KCN đã thu hút 1.096 dự án (437 dự án FDI và 659 dự án DDI) với vốn đầu tư 2.793 triệu USD và 46.111 tỉ đồng. Tỷ lệ lấp đầy của 16 KCN đã đi vào hoạt động là 57,6%.

Ngoài ra, tỉnh còn có 14/32 CCN đi vào hoạt động, thu hút 225 dự án (56 dự án FDI và 199 dự án DDI) với tổng vốn đầu tư 202 triệu USD và 5.183 tỉ đồng. Tỷ lệ lấp đầy hiện nay của các CCN đang hoạt động là 85,4%.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư - Nguyễn Minh Hạ cho biết, kết quả đáng ghi nhận về thu hút đầu tư trong thời gian qua là lãnh đạo tỉnh có nhiều chủ trương đúng trong đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư của tỉnh thông qua nhiều chương trình. Trong đó tập trung cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian đăng ký thủ tục đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư trên nhiều lĩnh vực khác nhau như: Hoàn thiện quy hoạch các KCN, thúc đẩy mời gọi đầu tư vào địa phương, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình trọng điểm, nhất là các dự án giao thông, phát triển hạ tầng K-CCN tập trung; hỗ trợ các doanh nghiệp bằng các chương trình đào tạo nguồn nhân lực, giới thiệu việc làm…


Công nhân sản xuất tại nhà máy cáp điện Thịnh Phát, KCN Thịnh Phát, huyện Bến Lức

Phát triển K-CCN với vai trò là động lực

Theo ông Nguyễn Minh Hạ, các dự án có vốn đầu tư từ nước ngoài cũng như trong nước đang đầu tư trên địa bàn tỉnh có tác động mạnh mẽ tới nền kinh tế của tỉnh. Nhiều dự án đang đầu tư xây dựng và các dự án lớn đi vào sản xuất, tạo ra năng lực sản xuất tăng cao, đặc biệt là nhóm sản xuất sản phẩm may mặc, giày da, chế biến… tạo ra khối lượng sản phẩm lớn với giá trị cao, là đòn bẩy tạo đà tăng trưởng đột phá cho sản xuất công nghiệp, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn toàn tỉnh. Các doanh nghiệp từng bước khẳng định được vai trò chủ lực trong phát triển kinh tế của tỉnh nhà.

Trong năm qua, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh đạt trên 153.000 tỉ đồng, tăng gần 19% so với năm trước. Kim ngạch xuất nhập khẩu đạt gần 3,7 tỉ USD, cao nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Riêng trong quí I-2016 giá trị sản xuất công nghiệp đạt trên 42.600 tỉ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ; lượng hàng hóa xuất khẩu đạt 847 triệu USD, tăng 10,3% so với cùng kỳ.

Theo ông Nguyễn Văn Tiều, hiện nay hoạt động sản xuất của doanh nghiệp (DN) tại các KCN có nhiều khởi sắc, tạo ra giá trị hàng hóa và xuất khẩu lớn, cũng như đóng góp vào ngân sách Nhà nước tăng cao. Trong quí I, DN trong KCN có doanh thu 324 triệu USD, (tăng 20% so cùng kỳ) và 6.664 tỉ đồng (tăng 10% so với cùng kỳ); nộp ngân sách ước đạt 21 triệu USD và 249 tỉ đồng; riêng kim ngạch xuất khẩu đạt 203 triệu USD.

Chính sách bền vững để thu hút, lấp đầy diện tích K-CCN

Theo ông Nguyễn Minh Hạ, hiện nay Long An có 37 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào tỉnh. Khi đến tìm hiểu và đầu tư, nhà đầu tư tìm hiểu rất kỹ các vấn đề như: Kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực, vùng nguyên liệu... Môi trường kinh doanh tại địa phương cũng là nhân tố để nhà đầu tư quyết định ở lại địa phương. Để xúc tiến đầu tư hiệu quả, không chỉ nỗ lực từ phía địa phương mà phải có sự hỗ trợ từ chính sách của Trung ương.

CCN Hoàng Gia, tại xã Mỹ Hạnh Nam, huyện Đức Hòa hình thành đã lâu, tuy nhiên do nhiều nguyên nhân nên chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Trước tình trạng này, Trung tâm Khuyến công và phát triển công nghiệp tỉnh đã hỗ trợ một phần kinh phí giúp CCN xây dựng hệ thống xử lý nước thải thông qua nguồn kinh phí khuyến công quốc gia với kinh phí 1,5 tỉ đồng trên tổng kinh phí thực hiện gần 13 tỉ đồng.

Bà Bùi Thị Kim Hoa, Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Gia Long An, chủ đầu tư dự án CCN Hoàng Gia cho biết, toàn CCN có diện tích 152ha. Đến nay, CCN đã thu hút 82 DN đến hoạt động với diện tích lấp đầy khoảng 130ha. Sau khi hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải tập trung thì CCN có điều kiện tốt hơn để thu hút đầu tư. Mục tiêu của CCN là đến hết năm 2020 sẽ lấp đầy 100% diện tích đất trong cụm.

KCN Long Hậu - Hòa Bình nằm trên địa bàn huyện Thủ Thừa với diện tích gần 60ha. Đến nay, KCN đã thu hút được 18 DN đến tham gia xây dựng nhà xưởng, sản xuất kinh doanh trên diện tích khoảng 60ha. Có thể nói KCN Long Hậu - Hòa Bình được thành lập sau các KCN khác trên địa bàn tỉnh nhưng diện tích lấp đầy khá nhanh chóng. Theo ông Lê Viết Hà - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng hạ tầng Hòa Bình, chủ đầu tư KCN Long Hậu - Hòa Bình, khi nhà đầu tư đến tìm hiểu, KCN luôn đưa ra giá thuê đất cố định để họ dễ chọn lựa, quyết định. Khi nhà đầu tư thỏa thuận được giá thì KCN tiếp tục hỗ trợ nhà đầu tư các bước khác trong thủ tục đầu tư. Vì vậy, hầu hết nhà đầu tư đều cảm thấy hài lòng khi đến với KCN.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Phạm Văn Rạnh cho rằng, Long An xác định đầu tư phát triển K-CCN là một trong những trụ cột chính của hoạt động đầu tư phát triển kinh tế của tỉnh. Những năm qua, tỉnh chủ động nghiên cứu, phân tích, đánh giá những yếu tố thuận lợi và khó khăn có ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình hình thành, xây dựng và thu hút đầu tư phát triển bền vững K-CCN. Đồng thời, tỉnh tập trung vào những khâu đột phá như: Cơ chế, chính sách; bồi thường giải phóng mặt bằng và xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển công nghiệp, xúc tiến đầu tư và cải cách hành chính… Long An đưa mục tiêu từ nay đến năm 2020 thu hút, lấp đầy trên 3.500ha diện tích đất K-CCN.

Để thu hút và lấp đầy diện tích đất các K-CCN, hiện nay tỉnh đang tập trung thực hiện nhiều chương trình như đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư theo hướng các hoạt động xúc tiến đầu tư gắn chặt với mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; tiếp tục cải cách hành chính, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính về đầu tư và các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động đầu tư, theo hướng rút ngắn tối đa thời gian cho các nhà đầu tư; tập trung tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư, phối hợp với nhà đầu tư hạ tầng xúc tiến, kêu gọi đầu tư... Đặc biệt, Bộ Công Thương đang phối hợp với các bộ, ngành hoàn thành dự thảo về cơ chế, chính sách phát triển CCN để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Hy vọng với những chính sách này, Long An sẽ hoàn thành mục tiêu đề ra trong việc lấp đầy diện tích đất trong K-CCN./.

Thanh Tùng

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích