Nhờ nguồn vốn vay 30 triệu đồng từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Tân Hưng, anh Huỳnh Đặng Nhất (SN 1988, ngụ ấp Láng Biển, xã Hưng Điền, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An) mạnh dạn chuyển đổi từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng bưởi da xanh ruột hồng không hạt, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế khá cao.
Nhờ tích cực chăm sóc, đến nay, anh Huỳnh Đặng Nhất (ấp Láng Biển, xã Hưng Điền, huyện Tân Hưng) đã hoạch 2 đợt bưởi, trung bình mỗi đợt hơn 6 tấn trái, lợi nhuận hơn 100 triệu đồng
Anh Nhất cho biết, trước đây, kinh tế gia đình chủ yếu dựa vào 3ha đất sản xuất lúa nhưng có một phần diện tích nằm ở vùng trũng, thường xuyên bị dịch bệnh gây hại nên hiệu quả kinh tế không cao, thậm chí còn thua lỗ.
Từ một dịp tình cờ tham quan vườn bưởi của người bạn ở tỉnh Bến Tre, nhận thấy loại cây này có tiềm năng phát triển tại quê nhà nên anh Nhất mạnh dạn vay vốn để lên liếp, chuyển đổi 5.000m2 đất trồng lúa ở vùng trũng sang trồng 180 gốc bưởi da xanh ruột hồng không hạt.
Nhờ chịu khó học hỏi, tìm hiểu đặc tính, kỹ thuật chăm sóc cây bưởi da xanh ruột hồng không hạt từ những người bạn và trên nhiều kênh thông tin khác nhau, sau gần 4 năm chăm sóc, đợt bưởi đầu tiên đã mang về “trái ngọt” cho gia đình anh Nhất.
Từ năm 2023 đến nay, anh Nhất thu hoạch 2 đợt bưởi với năng suất và chất lượng trái khá cao. Mỗi đợt, anh thu hoạch hơn 6 tấn trái, giá bán cho thương lái dao động từ 15.000-30.000 đồng/kg, lợi nhuận hơn 100 triệu đồng.
“Mô hình trồng bưởi da xanh bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế khá cao cho gia đình vì đầu ra, giá cả tương đối ổn định. Vì vậy, thời gian tới, tôi tiếp tục chuyển 3.000m2 lúa sang trồng 80 gốc bưởi da xanh ruột hồng không hạt để kiếm thêm thu nhập cho gia đình” - anh Nhất chia sẻ.
Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế gia đình, anh Nhất còn tích cực tham gia các phong trào thi đua, các cuộc vận động do địa phương và Hội Nông dân các cấp phát động. Đồng thời, anh sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật cho người dân trên địa bàn nếu có ý định trồng bưởi da xanh ruột hồng không hạt. Qua đây, góp phần mở ra một hướng đi mới trong chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp với địa phương, từ đó cải thiện kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân trong thời gian tới./.
Duy Phước