Tiếng Việt | English

18/06/2024 - 09:01

Hiệu quả từ chuyển đổi cây trồng, vật nuôi

Những năm qua, với nhiều giải pháp đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nhiều nông dân (ND) trong tỉnh Long An áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Từ đó, mang lại thu nhập cao cho gia đình, góp phần xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện, bền vững.

Mang lại hiệu quả kinh tế cao

Năm 2000, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, ông Trần Văn Đề (SN 1975, ngụ ấp Nhơn Thuận, xã Nhơn Thạnh Trung, TP.Tân An) về phụ giúp gia đình trồng lúa trên mảnh đất 0,5ha và thuê đất để trồng dưa hấu vào dịp tết.

Năm 2007, ông bắt đầu kết hợp nuôi bò sữa để tăng thêm thu nhập cho gia đình. Đến năm 2017, ông chuyển đổi toàn bộ diện tích lúa sang trồng thanh long.

Gia đình ông Trần Văn Đề (xã Nhơn Thạnh Trung, TP.Tân An) có thu nhập cao và ổn định từ việc nuôi bò sữa

Thời gian đầu, trồng thanh long mang lại lợi nhuận ổn định và cao hơn so với khi trồng lúa. Tuy nhiên, từ sau đợt dịch Covid-19, giá thanh long giảm mạnh và năng suất cũng không còn tốt như trước nên ông Đề quyết định phá bỏ toàn bộ vườn thanh long, tập trung nuôi bò sữa từ cuối năm 2022.

Với số vốn đầu tư khoảng 250 triệu đồng, ông mua thêm bò và nâng cấp chuồng trại, diện tích trồng thanh long trước kia ông sử dụng để trồng cỏ nuôi bò.

Hiện nay, chuồng bò sữa của ông có 25 con. Theo ông Đề, mỗi năm, người nuôi sẽ lấy sữa 10 tháng và cho bò nghỉ 2 tháng để dưỡng sức và đẻ.

Trung bình, một con bò sữa sẽ cho từ 1,8-2,6 tấn sữa/năm, giá bán dao động từ 11.000-16.500 đồng/kg. Trừ các chi phí, ông Đề thu được gần 500 triệu đồng/năm, cao hơn nhiều so với việc trồng lúa và thanh long trước đây. Ngoài ra, với những con bò sữa gần hết tuổi cho sữa, ông có thể bán lấy thịt với giá trị khoảng 70% so với giá mua ban đầu.

“Những ngày đầu mới nuôi bò sữa, tôi phải đi học hỏi từ rất nhiều nơi, đọc sách, tìm hiểu trên Internet,... để có kiến thức chăm sóc. Mặc dù việc nuôi bò sữa không cực nhọc như trồng lúa hay thanh long nhưng đòi hỏi phải chăm sóc liên tục, không có ngày nghỉ. Bò sữa rất nhạy cảm với mùi người lạ nên việc nhờ hoặc thuê người khác chăm sóc là không khả thi, chỉ có thể tự mình làm” - ông Đề chia sẻ.

Cũng theo ông Đề, bò sữa dễ bị tiêu chảy, vì vậy, người nuôi phải có kiến thức và kinh nghiệm để xử lý kịp thời. Chuồng trại cần được giữ khô ráo, sạch sẽ và tiêu độc, khử trùng theo định kỳ. Ngoài ra, người nuôi cần tiêm đầy đủ cho bò các vắc-xin phòng bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như tụ huyết trùng, lở mồm long móng,...

Hội Nông dân tỉnh luôn quan tâm đến nông dân trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thường xuyên xuống cơ sở tham quan các mô hình chuyển đổi

Thông tin từ Hội ND tỉnh, hiện ND trong tỉnh tận dụng triệt để diện tích đất sản xuất để chuyển đổi vật nuôi. Bên cạnh các giống vật nuôi thông thường như heo, bò, gia cầm,... ND còn mạnh dạn phát triển các giống vật nuôi mới như hươu, chồn hương, dúi,...

Linh hoạt trong chuyển đổi

Theo Phó Chủ tịch Hội ND tỉnh - Trần Quốc Quân, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng giúp nông dân tăng thu nhập trên cùng một diện tích canh tác, nhất là hạn chế được tình trạng hoang hóa đất nông nghiệp; đồng thời, tổ chức lại sản xuất nông nghiệp ở một số vùng, tạo thuận lợi để phát triển nông nghiệp bền vững. Từ đó, làm cơ sở để ND thay đổi tập quán sản xuất, góp phần cho ngành Nông nghiệp tỉnh thực hiện đạt chỉ tiêu kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Sinh ra trong gia đình có 4 chị em, cha mất sớm, mẹ già yếu, ông Đào Văn Thành (SN 1960, ngụ ấp Bình Hòa, xã Bình Trinh Đông, huyện Tân Trụ) là con trai út, sớm phải gánh vác kinh tế gia đình. Ông Thành kể, với 1ha đất ruộng, bên cạnh việc trồng lúa, từ những năm 1990, ông đã thử nghiệm trồng dưa hấu vào dịp tết.

Ngoài ra, ông còn kết hợp nuôi vịt. Có thời điểm, ông nuôi gần 900 con vịt. “Giai đoạn đầu còn gặp khó khăn, tôi phải lo chữa bệnh cho mẹ, những gì có giá trị nhất trong nhà đều đem bán, lợi nhuận từ trồng trọt, chăn nuôi,... đều gom góp để chạy chữa. Sau đợt dịch cúm gia cầm năm 2003, tôi cũng dừng lại việc nuôi vịt do vịt nuôi công nghiệp ngày càng nhiều, cạnh tranh quá lớn” - ông Thành tâm sự.

Ông Đào Văn Thành (xã Bình Trinh Đông, huyện Tân Trụ) mạnh dạn đầu tư hệ thống tưới tự động, điều khiển từ xa để trồng bưởi

Những năm tiếp theo, ông Thành chỉ trồng lúa và dưa hấu dịp tết nhưng lợi nhuận không còn cao như trước. Năm 2018, ông Thành bắt đầu nghĩ đến việc trồng bưởi da xanh, một loại cây mà chưa ai ở địa phương dám thử. Năm 2020, bỏ ngoài tai những “lời ra tiếng vào”, ông Thành mạnh dạn đầu tư 300 triệu đồng để mua giống, lên liếp, làm hệ thống tưới,... cho 100 cây bưởi trên diện tích 200m2.

Ông Thành chia sẻ: “Lần đầu tôi trồng bưởi nên gặp không ít khó khăn. Đây là loại cây trồng mới nên địa phương cũng chưa có tổ chức tập huấn để tham gia. Tôi chỉ có thể tự học từ các phương tiện truyền thông, Internet và kinh nghiệm của những ND khác mà làm thôi”.

Chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng bưởi giúp thu nhập của gia đình ông Đào Văn Thành (xã Bình Trinh Đông, huyện Tân Trụ) tăng gấp 5 lần

Nhờ sự kiên trì và quyết tâm, đến nay, 100 gốc bưởi đầu tiên của gia đình ông Thành đã cho thu hoạch. Thành công này tiếp thêm động lực cho ông mở rộng diện tích trồng bưởi. Hiện ông Thành đã chuyển đổi toàn bộ diện tích trồng lúa trước kia sang trồng bưởi da xanh với 450 gốc. Trong năm nay, toàn bộ vườn bưởi của ông sẽ cho thu hoạch.

“Dự kiến, lợi nhuận từ vườn bưởi da xanh của tôi sẽ đạt hơn 200 triệu đồng/năm, tùy theo giá thị trường, cao khoảng gấp 5 lần so với trồng lúa. Ngoài ra, việc chăm sóc cũng nhẹ nhàng hơn, giúp tôi có nhiều thời gian bên gia đình” - ông Thành chia sẻ thêm.

Được biết, ông Thành còn là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Canh tác thông minh của địa phương, thường xuyên chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm cho mọi người. Theo ông Thành, khi trồng bưởi cần phòng, trừ các loại sâu, bệnh, nhất là sâu vẽ bùa và bệnh hán thư; đồng thời, không để trái nhiều quá sẽ làm suy cây.

Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2023, tổng diện tích chuyển đổi từ đất trồng lúa sang trồng cây hàng năm là 3.222,2ha, chủ yếu là dưa hấu với 1.126ha (lợi nhuận bình quân 20-50 triệu đồng/ha/vụ), cây mè là 668ha (lợi nhuận bình quân 10-15 triệu đồng/ha/vụ),... Diện tích chuyển đổi từ đất trồng lúa sang trồng cây lâu năm trong năm 2023 là 2.238,4ha, chủ yếu là mít với 186,1ha, chanh 368,7ha, sầu riêng 119,4 ha,... Các mô hình này đều có lợi nhuận từ 20-150 triệu đồng/ha/năm.

Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi của tỉnh đang đi đúng hướng và mang lại hiệu quả tích cực. Đây là tiền đề để ND tiếp tục đầu tư phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống./.

Năm 2024, chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa với diện tích hơn 8.500ha

Năm 2024, chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa với diện tích hơn 8.500ha  

Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa kém hiệu quả sang các loại cây hàng năm, cây lâu năm hoặc kết hợp nuôi trồng thủy sản để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng thu nhập cho các hộ sản xuất.

Khánh Duy

Chia sẻ bài viết


Kỹ thuật chăm cây nguyệt quế giống