Tiếng Việt | English

07/11/2017 - 05:01

Thủ tướng Anh cam kết một thỏa thuận tốt nhất cho doanh nghiệp

Thủ tướng Anh Theresa May khẳng định sẽ nỗ lực với những nền tảng kinh tế đúng, cách tiếp cận cân đối chi tiêu công, một thỏa thuận Brexit tốt nhất cho doanh nghiệp.

(Nguồn: AFP)

Ngày 06/11, Thủ tướng Anh Theresa May khẳng định với giới lãnh đạo doanh nghiệp sự cấp thiết của việc làm sáng tỏ mối quan hệ giữa Anh và Liên minh châu Âu (EU) thời hậu Brexit, và kêu gọi các doanh nghiệp nhìn về tương lai một cách lạc quan.

Phát biểu tại hội nghị thường niên của Liên đoàn Công nghiệp Anh (CBI) ở thủ đô London, Thủ tướng May cho biết Anh sẽ nỗ lực với những nền tảng kinh tế đúng, cách tiếp cận cân đối chi tiêu công, một thỏa thuận Brexit tốt nhất, và chính phủ sẽ đóng vai trò chiến lược trong việc giúp đỡ kinh tế tăng trưởng khắp mọi miền.

Về những nguyên tắc trong chiến lược công nghiệp, dự kiến công bố vào cuối tháng 11, bà May nói rõ chính phủ sẽ không che chắn nền kinh tế khỏi các lực lượng thị trường, nhưng sẽ quyết định xem những gì có thể và không thể làm được cũng như sẽ ủng hộ những lĩnh vực chủ chốt.

Nhóm vận động hành lang của giới doanh nghiệp lo ngại những yêu cầu của Brexit sẽ khiến chính phủ không còn tâm trí để đưa ra một chiến lược công nghiệp có hiệu quả. Chiến lược công nghiệp công bố hồi cuối tháng 3 bị cho là thiếu tập trung chiến lược hoặc thiếu những đề xuất cụ thể.

Tại hội nghị CBI năm nay, Tổng giám đốc CBI Carolyn Fairbairn đã trình bày mối quan tâm của giới doanh nghiệp liên quan đến kỹ năng tay nghề, cơ sở hạ tầng và khả năng sáng tạo. CBI kêu gọi thành lập cơ quan chiến lược công nghiệp độc lập để giám sát và tư vấn cho chiến lược công nghiệp của chính phủ.

Theo nghiên cứu điều tra mới đây của CBI, sự bất ổn định đối với những thỏa thuận thương mại hậu Brexit là một trong những lý do chính dẫn đến thiếu hụt đầu tư. Lãnh đạo các doanh nghiệp đã đưa ra lời cảnh báo với Thủ tướng May rằng họ sẽ không thể đưa ra được các quyết định đầu tư tại Anh cho đến khi họ biết rõ hơn về đường hướng quan hệ Anh-EU hậu Brexit, đặc biệt là những thỏa thuận trong thời kỳ chuyển đổi.

Trong khi đó, người đứng đầu Công đảng đối lập Jeremy Corbyn đã kêu gọi các doanh nghiệp gây sức ép để sớm có một thỏa thuận về thời kỳ chuyển đổi và ngăn chặn kịch bản "không đạt được thỏa thuận nào."

Ông Corbyn cho biết một thỏa thuận Brexit tồi sẽ làm gia tăng những yếu kém hiện nay của nền kinh tế Anh đó là "đầu tư thấp, năng suất lao động thấp và trả lương thấp."

Trước đó, ngày 05/11, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) Mark Carney nhận định bất ổn liên quan đến Brexit rõ ràng đã kiềm chế tiềm năng tăng trưởng của nền kinh tế Anh, kìm hãm đầu tư kinh doanh, điều mà đáng lẽ phải được phát triển mạnh mẽ.

Thống đốc Carney đã giải thích quyết định nâng lãi suất lần đầu tiên trong 1 thập kỷ qua của BoE hồi tuần trước, chủ yếu do năng suất lao động trì trệ, nghĩa là nền kinh tế không thể tăng trưởng nhanh như trước khi xảy ra khủng hoảng toàn cầu năm 2008. Năng suất lao động kém là chủ đề của cuộc tranh luận gay gắt hiện nay tại Anh, nhưng một điều không thể chối cãi đó là lĩnh vực đầu tư tư nhân yếu kém triền miên./.

Theo TTXVN 

Chia sẻ bài viết