Tiếng Việt | English

10/09/2016 - 20:50

Thư viện Trần Văn Giàu

Theo di nguyện của Giáo sư Trần Văn Giàu khi còn sống, năm 2011 gia đình ông và tỉnh Long An đã đưa toàn bộ kho sách của giáo sư tại nhà riêng ở TP.HCM về lưu giữ, bảo quản, trưng bày, giới thiệu tại thư viện tỉnh Long An.

 

Bìa một quyển sách viết về Giáo sư Trần Văn Giàu trưng bày tại Thư viện Long An

Suốt cuộc đời miệt mài lao động khoa học và sáng tạo, Giáo sư Trần Văn Giàu - người con ưu tú của quê hương Long An đã để lại cho thế hệ hôm nay những công trình nghiên cứu giá trị lịch sử, các tác phẩm nghiên cứu về lĩnh vực khoa học xã hội và văn học. Cũng là người nghiên cứu nên kho sách của giáo sư cũng rất phong phú và đa dạng. Với giáo sư kho sách là một “tài sản” quý giá.

Theo Thư viện tỉnh Long An, khi sức khỏe bắt đầu yếu, giáo sư đã có một lá thư tay (ngày 15/7/2006) và quyết định tặng kho sách của mình ở nhà riêng tại TP.HCM cho tỉnh Long An. Tuy nhiên kho sách ấy chỉ được chuyển về Long An khi ông mất.

Một góc thư viện Giáo sư Trần Văn Giàu được trưng bày trong Thư viện tỉnh Long An

Sau đó, tỉnh Long An cũng trình bày với gia đình giáo sư về di nguyện của giáo sư tặng kho sách cho Thư viện Long An và được người nhà đồng ý. Ngày 28/8/2011, toàn bộ kho sách của giáo sư tại nhà riêng ở TP.HCM đã được vận chuyển về Thư viện tỉnh Long An với 2.893 bản và một số tạp chí.

Ngày 11/9/2011, tại Thư viện tỉnh Long An, UBND tỉnh Long An đã tổ chức lễ tiếp nhận sách của giáo sư tặng. Kể từ đó sách của giáo sư tặng được đưa về lưu trữ, trưng bày, giới thiệu trong thư viện Giáo sư Trần Văn Giàu ở Thư viện tỉnh Long An để cho mọi tầng lớp nhân dân tại tỉnh Long An đọc, tìm hiểu.

Theo ông Lê Việt Hùng - Phó Giám đốc Thư viện tỉnh Long An, Thư viện sách của Giáo sư Trần Văn Giàu tại Thư viện tỉnh có sách do giáo sư viết; sách do bạn bè tặng giáo sư; những tài liệu hội nghị, hội thảo và những tác phẩm được giáo sư chỉnh sửa, góp ý, cộng tác; ngoài ra còn có các luận văn tốt nghiệp của những học trò mà giáo sư hướng dẫn…

Sách do giáo sư viết đó là những tác phẩm, công trình có giá trị thuộc các lĩnh vực lịch sử, triết học, văn học,... gồm một số tác phẩm tiêu biểu theo sự phát triển của lịch sử như: Lịch sử Việt Nam từ 1858 đến 1898 – Chống xâm lăng; Vàng trong lửa (Trần Văn Giàu + Trần Bạch Đằng); Sự phát triển tư tưởng ở Việt Nam từ thế kỷ XIX đến Cách mạng Tháng Tám,...

Ở mảng sách do bạn bè, đồng đội, đồng chí tặng giáo sư trong đó đều có bút danh, bút tích ký tặng. Trong đó có sách Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng, giáo sư Vũ Khiêu... tặng cho giáo sư.

“Thư viện Giáo sư Trần Văn Giàu ở Thư viện tỉnh Long An được mở cửa phục vụ nhân dân thường xuyên. Tài sản sách mà giáo sư tặng cho Long An đã góp phần quan trọng vào nhu cầu đọc và cung cấp nhiều thông tin, kiến thức bổ ích, quý giá cho người dân, cán bộ. Kho sách của giáo sư làm phong phú thêm cho Thư viện Long An” ông Lê Việt Hùng - Phó giám đốc Thư viện tỉnh Long An cho biết.

Đôi nét về cố Giáo sư Trần Văn Giàu:

Cố Giáo sư Trần Văn Giàu sinh ngày 11/9/1911 tại xã An Lục Long, huyện Châu Thành, tỉnh Tân An (nay là tỉnh Long An). Từ năm 15 tuổi, chàng trai trẻ Trần Văn Giàu đã lên học tại Sài Gòn rồi sang du học tại Pháp. Đến năm 1930 thì bị trục xuất về nước sau khi tham gia biểu tình trước dinh tổng thống Pháp đòi hủy án tử hình đối với các chiến sĩ cách mạng tham gia khởi nghĩa Yên Bái. Ông tham gia cách mạng, bị thực dân Pháp bắt, kết án 5 năm đày đi Côn Đảo. Tháng 4/1940, ông ra tù tiếp tục hoạt động cách mạng, rồi lại bị địch bắt đưa đi giam ở Tà Lài và sau đó vượt ngục trở về, tiếp tục hoạt động cách mạng.

Năm 1943, ông được bầu làm Bí thư Xứ ủy Nam kỳ, lãnh đạo cách mạng Tháng Tám ở miền Nam năm 1945 và được cử làm Chủ tịch Ủy ban Hành chính kháng chiến Nam bộ. Sau Cách mạng Tháng Tám, ông giữ nhiều trọng trách trong bộ máy Nhà nước, tham gia công tác giảng dạy và nghiên cứu ở lĩnh vực khoa học xã hội…

Ông vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân (1992), danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới, giải thưởng Hồ Chí Minh, Huân chương Hồ Chí Minh và nhiều Huân chương cao quý khác. 

Ngày 16/12/2010 Giáo sư Trần Văn Giàu đã trút hơi thở cuối cùng tại TP.HCM. Lễ tang của Giáo sư đã được Đảng, Nhà nước tổ chức trọng thể và đưa về an táng tại quê nhà (ấp Hồi Xuân, xã Dương Xuân Hội, huyện Châu Thành, tỉnh Long An)./. 

 

Lê Đức

Chia sẻ bài viết