Tiếng Việt | English

11/01/2017 - 17:02

"Thừa thầy, thiếu thợ" và nỗi trăn trở - Bài 2: Những điểm mới thu hút học sinh học nghề

Với những điểm mới trong thu hút học sinh (hs) học nghề, nhất là tạo điều kiện cho hs, sinh viên (sv) sau khi ra trường có việc làm ổn định; giúp xã hội có cách nhìn tích cực về học nghề.


Trường Trung cấp Nghề Đức Hòa nhận hàng từ các doanh nghiệp nhằm tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên vừa học, vừa làm

Phân luồng học sinh

Hiện nay, tại các trường THCS, tiết Hướng nghiệp được đưa vào chương trình học, với 1 tiết/tháng. Trong đó, khối lớp 9 được trường đặc biệt chú trọng. Bài học hướng nghiệp xoay quanh các nội dung: Ý nghĩa, tầm quan trọng của việc chọn nghề có cơ sở khoa học; thông tin thị trường lao động - nhu cầu nhân công lao động hiện nay; tìm hiểu năng lực của bản thân và truyền thống gia đình; các hướng đi sau khi tốt nghiệp THCS - phân luồng HS sau tốt nghiệp;... Ngoài ra, giáo viên hướng nghiệp còn lồng ghép những kiến thức thực tế, nhu cầu việc làm của địa phương để thông tin đến HS. Nhờ vậy, các em có thêm những kiến thức bổ ích và nhận thức đúng hơn trong việc lựa chọn con đường tương lai sao cho phù hợp với khả năng, sở thích của bản thân.

Tại Trường THCS Vĩnh Đại (xã Vĩnh Đại, huyện Tân Hưng), ngay từ đầu năm học, trường thông tin, định hướng cho HS về lựa chọn tương lai sao cho phù hợp. Trong đó, đối với HS yếu kém, nhà trường động viên, khuyến khích các em cố gắng học tập để lấy được bằng tốt nghiệp THCS và lựa chọn học nghề. Mỗi tháng, HS còn được học tiết Hướng nghiệp để hiểu rõ hơn về cách lựa chọn tương lai phù hợp. Ngoài ra, nhà trường còn tạo điều kiện cho các trường nghề đến tư vấn, giới thiệu nghề nghiệp cho HS. Tại các buổi tư vấn, các trường nghề giới thiệu những ngành nghề trường đào tạo. Phụ huynh HS cũng được tạo điều kiện tham gia các buổi tư vấn này để có sự định hướng phù hợp cho con em mình.

Hiệu trưởng Trường THCS Vĩnh Đại - Nguyễn Văn Xem cho biết: Nhờ thực hiện công tác phân luồng HS, hàng năm, trường có từ 10-20% HS lựa chọn học nghề. Đối với HS chọn học lên THPT thì nỗ lực học tập và đậu vào các trường THPT các em đăng ký. Với bước đầu thành công trong thực hiện phân luồng HS, trường tiếp tục phát huy và nỗ lực hơn nữa, góp phần thay đổi nhận thức của xã hội về định kiến học nghề. Từ đó, mỗi HS có sự lựa chọn tương lai phù hợp với sở thích, nguyện vọng và nhu cầu của xã hội hiện nay.


Học sinh được thực hành ngay sau khi học lý thuyết

Giám đốc Công ty Cổ phần Thang máy Thiên Nam - Chi nhánh Nhà máy Long An - Nguyễn Anh Vũ chia sẻ, hiện nay, nhà máy có trên 40% người lao động tốt nghiệp Trường Trung cấp Nghề Đức Hòa.

Thời gian qua, nhà máy luôn tạo điều kiện để HSSV học nghề vào thực tập. Nhà máy còn “đặt hàng” Trường Trung cấp Nghề Đức Hòa về các ngành: Cắt gọt kim loại, chế tạo thiết bị,... Tuy nhiên, nhà trường vẫn chưa đáp ứng đủ. Do đó, nhà máy phải tuyển thêm lao động phổ thông nên phải mất nhiều thời gian đào tạo và tốn nhiều chi phí.

Thời gian tới, hy vọng, Trường Trung cấp Nghề Đức Hòa tiếp tục phối hợp tốt với nhà máy trong việc cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng.

Bắt tay cùng doanh nghiệp

Những năm trước, các cơ sở dạy nghề chưa chủ động trong việc phối hợp các công ty, doanh nghiệp (DN) đưa HSSV đến thực tập nhằm nâng cao tay nghề, góp phần tạo việc làm ổn định sau khi ra trường. Tuy nhiên, đến nay, hầu hết các cơ sở dạy nghề đều tự thay đổi bằng việc bắt tay cùng DN để nâng cao chất lượng đào tạo. Ngoài ra, Nhà nước còn có những chính sách ưu đãi miễn học phí cho các đối tượng học nghề: Con thương binh, bệnh binh, liệt sĩ,...; HS tốt nghiệp THCS học tiếp lên trình độ trung cấp nghề. Qua đó, thu hút nhiều đối tượng vào học nghề.

Trường Trung cấp Nghề Đức Hòa là một trong những trường nghề uy tín. Hiện, trường phối hợp trên 50 DN đưa HSSV thực tập và làm việc sau khi tốt nghiệp. Cụ thể, năm 2016, trường đưa gần 300 HSSV thực tập tại các DN, trong đó, các DN hỗ trợ 1 HSSV 110.000 đồng/ngày và một bữa cơm trưa. Đồng thời, trường còn nhận hàng từ các DN về cho HSSV vừa học, vừa làm nhằm giúp các em rèn luyện tay nghề và có thêm thu nhập.

Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghề Đức Hòa - Lê Quốc Hùng cho biết: "Hiện nay, trường đang đào tạo 15 nghề gồm: Cắt gọt kim loại, chế tạo thiết bị cơ khí, công nghệ ôtô, hàn, điện công nghiệp,... Trong đó, nghề chủ lực của trường là cắt gọt kim loại và chế tạo thiết bị. Sau khi ra trường, 2 nghề này có tỷ lệ HSSV có việc làm đạt 100%, các nghề còn lại trên 95% HSSV có việc làm. Hàng năm, trường thường xuyên phối hợp 15 DN tổ chức ngày hội việc làm nhằm giúp các em có thể tìm việc làm phù hợp sau tốt nghiệp. Sau khi thực tập trong các DN, HSSV không chỉ được nâng cao tay nghề mà còn rèn luyện được tác phong công nghiệp và làm quen với các môi trường làm việc khác nhau".

Nhờ trường tạo điều kiện cho thực tập trong các DN mà anh Nguyễn Sơn Dương được nhận vào Công ty Cổ phần Thang máy Thiên Nam - Chi nhánh Nhà máy Long An huyện Đức Hòa làm việc. Anh Dương cho biết: “Trước đây, tôi học nghề cắt gọt kim loại và được đi thực tập ở nhà máy. Sau thời gian thực tập, nhà máy chủ động giữ lại và không cần thử việc. Hiện nay, tôi có thu nhập trên 8 triệu đồng/tháng. Số tiền này giúp tôi có cuộc sống ổn định”.

Hay đó còn là trường hợp của em Lê Minh Tuấn (ở xã Mỹ Thạnh Tây, huyện Đức Huệ) chia sẻ: "Hiện tại, em đang học nghề chế tạo thiết bị. Trong quá trình học, trường không chỉ tạo điều kiện cho em tiếp cận các thiết bị hiện đại mà còn tạo điều kiện cho thực tập tại các DN. Từ đó, em rất tự tin và không lo lắng về việc làm sau khi ra trường”./.

Ngọc Sương-Kim Ngọc

Kỳ tới: Để phụ huynh và học sinh không quay lưng với học nghề

Chia sẻ bài viết