Theo phóng viên TTXVN tại Thái Lan, ngày 11/7, tại thủ đô Bangkok, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM) lần thứ 13 với chủ đề “An ninh bền vững” đã chính thức khai mạc.
Tham dự hội nghị có Bộ trưởng Quốc phòng, lãnh đạo Bộ Quốc phòng 10 nước Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Tổng Thư ký ASEAN Lim Jock Hoi.
Đoàn đại biểu quân sự cấp cao Việt Nam do Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Quốc phòng làm trưởng đoàn, tham dự hội nghị.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Đại tướng Prawit Wongsuwan, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan, Chủ tịch ADMM, đã cảm ơn sự ủng hộ và hỗ trợ của các nước thành viên đối với Năm Chủ tịch ASEAN của Thái Lan cũng như việc tổ chức Hội nghị ADMM-13.
Ông Prawit cho biết hội nghị lần này sẽ tập trung vào việc thúc đẩy hợp tác quốc phòng ASEAN thông qua cơ chế ADMM; đồng thời khẳng định ADMM và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+) là cơ chế chính để tăng cường hợp tác và duy trì vai trò trung tâm của ASEAN.
Thông qua đối thoại và hợp tác trong các lĩnh vực quốc phòng-an ninh, ASEAN đã thúc đẩy tăng hiểu biết và sự tin cậy lẫn nhau.
Tham dự hội nghị, Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch nhấn mạnh Hội nghị ADMM-13 diễn ra trong bối cảnh tình hình chính trị-an ninh thế giới, khu vực đang diễn biến nhanh chóng và phức tạp.
Trải qua thời gian phát triển và đạt được nhiều thành tựu quan trọng, ASEAN cũng xuất hiện một số thách thức, trong đó có sự gia tăng cạnh tranh giữa các nước lớn tại khu vực, tác động trực tiếp đến ASEAN.
Trước bối cảnh đó, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch cho rằng ASEAN cần tăng cường đoàn kết, phát huy tính tự lực, tự cường và nêu cao vai trò trung tâm, dẫn dắt trong các cơ chế hợp tác khu vực; đặc biệt phải cân bằng được về mặt chiến lược, như vậy mới đảm bảo được an ninh bền vững tại khu vực.
Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch tin tưởng với sự dẫn dắt của nước chủ nhà Thái Lan, hợp tác quốc phòng ASEAN sẽ tiếp tục gặt hái được nhiều thành công, đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định và phát triển tại khu vực.
Bộ trưởng cho biết Việt Nam đang tích cực chuẩn bị cho Năm Chủ tịch ASEAN 2020; nhấn mạnh Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai các sáng kiến của ASEAN; đồng thời đề nghị các nước ủng hộ và đồng hành để Việt Nam hoàn thành tốt nhiệm vụ nước chủ nhà năm 2020.
Cũng tại hội nghị, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana đã bày tỏ cảm ơn Việt Nam vì đã cứu ngư dân nước này gặp nạn trên biển hồi tháng 6 vừa qua.
Sau khi thông qua chương trình nghị sự, hội nghị đã nghe báo cáo về kết quả hoạt động gần đây của ASEAN; kết quả Hội nghị quan chức Quốc phòng cấp cao ASEAN (ADSOM) tháng 4/2019; và kết quả Hội nghị Tư lệnh lực lượng quốc phòng các nước ASEAN (ACDFM) tháng 3/2019 và thảo luận các nội dung theo chương trình.
Các bộ trưởng đã thảo luận vấn đề đánh bắt cá trái phép không khai báo và không theo quy định (IUU Fishing), một trong những sáng kiến của Thái Lan nhằm nâng cao nhận thức về tác động an ninh của vấn đề này.
Theo đó, IUU được cho là nhân tố tiềm ẩn dẫn đến thách thức về an ninh biển cũng như một số thách thức an ninh phi truyền thống khác như buôn người, buôn lậu hàng hoá, vũ khí và ma tuý, cướp biển, di chuyển trái phép các đối tượng tội phạm và khủng bố; đồng thời, nguồn tài chính có được từ IUU có thể có liên quan đến các cuộc tấn công khủng bố.
Về phía Việt Nam, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch tái khẳng định Việt Nam ủng hộ nỗ lực chung của khu vực. Việt Nam đang triển khai các biện pháp cần thiết để ngăn chặn tình trạng ngư dân của mình vi phạm vùng biển của các nước khác, cũng như ngư dân các nước khác vi phạm vùng biển của Việt Nam.
Trên cơ sở đó, Bộ Quốc phòng Việt Nam ủng hộ và sẽ tích cực tham gia sáng kiến của Thái Lan nhằm phát huy vai trò của lực lượng vũ trang, các cơ quan quốc phòng trong vấn đề IUU Fishing.
Bên cạnh tình hình an ninh, quốc phòng khu vực và quốc tế, các đại biểu nhất trí tăng cường hợp tác đối phó với các vấn đề khủng bố, thảm họa thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, an ninh mạng, xây dựng lòng tin và các vấn đề liên quan đến an ninh biển, an toàn tự do hàng hải và hàng không; và hợp tác trong lĩnh vực Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc giữa các nước ASEAN.
Hội nghị cũng nhất trí công nhận vai trò của các tổ chức quốc phòng trong giải quyết các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống; tái khẳng định vai trò trung tâm của ASEAN với tư cách là động lực chính trong cấu trúc an ninh khu vực đang phát triển.
Liên quan đến an ninh biển, các đại biểu nhắc lại tầm quan trọng của việc sớm hoàn thiện Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), đánh giá cao tiến bộ trong đàm phán COC thời gian qua và khẳng định cam kết của tất cả các bên trong thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).
Hội nghị đã thông qua các văn kiện quan trọng như Đánh giá các sáng kiến trong ADMM nhằm đảm bảo hợp tác thực chất; Tài liệu Khái niệm về mở rộng Cơ sở hạ tầng liên lạc trực tiếp ASEAN từ ADMM ra ADMM+; Điều khoản Tham chiếu của Sáng kiến “Con mắt của chúng ta”; Tài liệu Khái niệm về việc thiết lập Hội nghị Quân y ASEAN; Hướng dẫn tương tác trên biển của ADMM; Tuyên bố chung Hội nghị ADMM-13 về “An ninh bền vững”; Đánh giá nhiệm vụ của các Nhóm chuyên gia ADMM+ hiện nay.
ADMM-13 cũng thông qua Tài liệu Khái niệm về vai trò của các cơ quan quốc phòng và lực lượng quân đội các nước ASEAN trong hỗ trợ quản lý biên giới. Đây là sáng kiến do Thái Lan thúc đẩy nhằm tăng cường nhận thức đối với tầm quan trọng của các cơ quan quốc phòng ASEAN trong việc hỗ trợ quản lý biên giới và các biện pháp xây dựng lòng tin tại khu vực biên giới.
Phía Việt Nam đánh giá cao và ủng hộ ý tưởng của Bộ Quốc phòng Thái Lan. Với tư cách là cơ quan chịu trách nhiệm chính trong việc đảm bảo an ninh, an toàn tại các khu vực biên giới, Bộ Quốc phòng Việt Nam hết sức chú trọng tới việc thúc đẩy hợp tác giữa các lực lượng bảo vệ biên giới với các nước láng giềng.
Các bộ trưởng cũng đề cập một số nội dung khác như chuẩn bị cho Hội nghị hẹp Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM Retreat) và ADMM+ lần thứ 6. Hội nghị đã thống nhất tổ chức Cuộc gặp không chính thức Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN với các nước “Cộng,” gồm Trung Quốc, Mỹ, Nga, Nhật Bản.
Sau hội nghị, các trưởng đoàn đã ký Tuyên bố chung của ADMM-13 về “An ninh bền vững.” Tuyên bố tái khẳng định việc tăng cường, củng cố và tối ưu hoá hợp tác quốc phòng giữa các nước thành viên ASEAN cũng như với các nước “Cộng”; tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì và thúc đẩy hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông, cũng như sự cần thiết phải tăng cường tin cậy lẫn nhau, kiềm chế trong việc tiến hành các hoạt động và tránh các hành động có thể làm phức tạp tình hình, và theo đuổi các giải pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp, phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS); đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực thi đầy đủ và hiệu quả DOC một cách trọn vẹn và hướng tới việc hoàn thiện lần đọc đầu tiên của Dự thảo đơn nhất của Văn bản Đàm phán COC vào năm 2019, mở đường cho việc kết thúc sớm đàm phán COC có hiệu quả và thực chất.
Tuyên bố chung của ADMM-13 cũng hoan nghênh Việt Nam sẽ đảm nhận chức Chủ tịch ASEAN và tổ chức ADMM-14 và ADMM+ lần thứ 7 vào năm 2020./.
Theo TTXVN