Đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số
Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông - Bùi Nguyên Khởi cho biết: “Một trong những thành quả nổi bật của tỉnh năm 2022 là tập trung triển khai, xây dựng chính quyền điện tử, CĐS. Đến nay, hạ tầng thông tin, truyền thông được đầu tư và hoạt động ổn định, hiệu quả. Các hệ thống thông tin quan trọng được triển khai đồng bộ, kết nối liên thông 4 cấp. Tỷ lệ hồ sơ (HS) tiếp nhận trực tuyến mức độ 3, 4 ngày càng cao”.
Các đại biểu tham quan Trung tâm IOC (Ảnh BLA)
Để thúc đẩy mạnh mẽ quá trình CĐS, tỉnh xây dựng Kho cơ sở dữ liệu dùng chung của tỉnh, Cổng dữ liệu mở của tỉnh (https://data.longan.gov.vn); đưa vào vận hành Trung tâm Điều hành thông minh (IOC), App “Long An IOC” phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo, App “Long An Số” phục vụ người dân, doanh nghiệp, Tổng đài 1022 (thông qua đầu số 0272 1022), hệ thống tiếp nhận và xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp (https://1022.longan.gov.vn) và thực hiện theo quy chế phối hợp tiếp nhận, xử lý, trả lời phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân qua các kênh tương tác trên môi trường số.
Tổng đài 1022 Long An ra đời nhằm phục vụ, tiếp nhận, xử lý, phản hồi thông tin của người dân, doanh nghiệp một cách nhanh chóng, kịp thời, chính xác
Song song với xây dựng, triển khai nền tảng số, cơ sở dữ liệu dùng chung, phát triển dịch vụ đô thị thông minh, tỉnh đẩy mạnh các ứng dụng trong cơ quan nhà nước như phần mềm Quản lý văn bản và điều hành, phần mềm Một cửa điện tử, sử dụng chữ ký số chuyên dùng và thư điện tử. “Đến nay, 100% sở, ngành tỉnh, UBND cấp huyện, cấp xã tiếp nhận, luân chuyển, giải quyết HS, thủ tục hành chính trên môi trường mạng. HS, thủ tục hành chính được lưu trữ, luân chuyển từ các trung tâm hành chính công đến cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, huyện và xã qua hệ thống một cửa điện tử. HS giải quyết đúng hạn công bố trên Cổng dịch vụ công của tỉnh hàng năm đạt gần 100%” - ông Bùi Nguyên Khởi thông tin.
Theo Chủ tịch UBND TP.Tân An - Nguyễn Minh Hùng, thực hiện CĐS, hướng đến xây dựng TP.Tân An thành đô thị thông minh, hiện đại, thân thiện, sinh thái bền vững, thành phố duy trì, khai thác tốt phần mềm Quản lý cán bộ, công chức, viên chức; triển khai các lớp cập nhật kiến thức về CĐS và đào tạo kỹ năng số, công nghệ số, hướng dẫn sử dụng các sản phẩm, nền tảng số cho cán bộ, công chức trên địa bàn.
Đồng thời, thành phố thực hiện thí điểm CĐS đối với UBND phường 4; trong đó, tập trung sử dụng nền tảng chính quyền số cấp xã để vận hành, quản lý công việc, phục vụ công tác theo dõi, chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo phường và thúc đẩy thanh toán điện tử tại các cửa hàng, quán ăn, kết hợp hướng dẫn sử dụng các sàn thương mại điện tử cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn.
Hiệu quả bước đầu trong chuyển đổi số
“CĐS trên địa bàn tỉnh bước đầu mang lại những kết quả tích cực, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan Nhà nước; giúp nông dân truy xuất được nguồn gốc nông sản, hỗ trợ tem điện tử truy xuất nguồn gốc bằng mã QR; người dân dần thay đổi thói quen từ mua bán hàng trực tiếp sang mua bán trực tuyến và thanh toán không dùng tiền mặt” - Phó Giám đốc Sở Nội vụ - Trần Hải Tuấn khẳng định.
Đến Trung tâm Hành chính công huyện Đức Hòa, khách hàng dễ dàng nộp hồ sơ, thủ tục hành chính thông qua quét mã QR
Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương - Châu Thị Lệ, thời gian qua, Sở và các địa phương trong tỉnh phối hợp doanh nghiệp công nghệ số như Viettel, VNPT triển khai thí điểm thanh toán không dùng tiền mặt tại các chợ, trung tâm thương mại, cơ sở kinh doanh. Hiện tỉnh có 1 trung tâm thương mại, 7 siêu thị, 241 cửa hàng tiện ích triển khai thanh toán không dùng tiền mặt (thanh toán bằng thẻ tín dụng, thẻ ATM); có 8 chợ triển khai dịch vụ thanh toán Mobile Money. “Hầu hết tiểu thương trong chợ đều cài ứng dụng của VNPT Mobile Money nên đi chợ ít khi mang theo tiền mặt. Chỉ cần chiếc điện thoại thông minh có thể chuyển tiền thanh toán một cách an toàn, tiện lợi” - ông Nguyễn Sơn Tùng, khách hàng chợ phường 2, TP.Tân An, chia sẻ.
Người dân huyện Cần Đước được hướng dẫn nộp hồ sơ, thủ tục hành chính qua môi trường mạng
Là 1 trong 3 địa phương được tỉnh chọn thí điểm thực hiện CĐS, thị trấn Cần Giuộc (huyện Cần Giuộc) triển khai hiệu quả các ứng dụng xây dựng chính quyền số như hệ thống quản lý văn bản và điều hành, thư điện tử; hệ thống Cổng dịch vụ công và một cửa điện tử; sử dụng chữ ký số chuyên dùng. Phó Chủ tịch UBND thị trấn Cần Giuộc - Trần Lâm Việt Trung cho biết: “Bên cạnh triển khai các hệ thống phần mềm, nền tảng công nghệ mới, thị trấn đầu tư hệ thống camera giám sát an ninh, trật tự, hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin, tối ưu mạng lưới, bảo đảm 100% khu phố trên địa bàn có sóng di động 3G, 4G. Qua đó, góp phần thực hiện hiệu quả nhiệm vụ CĐS trên cả 3 trụ cột chính quyền số, kinh tế số và xã hội số”.
“Để nâng cao hiệu quả CĐS, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh truyền thông về xây dựng chính quyền điện tử, CĐS. Tăng cường tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức về CĐS bằng nhiều hình thức, triển khai hướng dẫn nộp HS giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử. Tiếp tục tập trung triển khai mở rộng Kho cơ sở dữ liệu dùng chung và chia sẻ trên Cổng dữ liệu mở của tỉnh. Tổ chức vận hành hiệu quả các nền tảng số “Long An Số” và “Long An ID”. Tăng cường ứng dụng chữ ký số trong chỉ đạo, điều hành tại cơ quan, đơn vị và trong gửi nhận văn bản điện tử” - ông Bùi Nguyên Khởi thông tin thêm.
Với mục tiêu vào nhóm các địa phương CĐS tốt, trở thành tỉnh có chỉ số cao về chính quyền số, xã hội số và kinh tế số, Long An hiện tập trung nhiều giải pháp trên các lĩnh vực khác nhau. Qua đó, góp phần phục vụ ngày càng tốt hơn yêu cầu của người dân, doanh nghiệp; là chìa khóa của tăng trưởng và giúp người dân có cuộc sống hạnh phúc hơn./.
Phong Nhã