Từ vốn đầu tư công, kết cấu hạ tầng trên địa bàn tỉnh ngày càng thay đổi nhanh
Vì sao tiến độ thực hiện, giải ngân chậm?
Tổng kế hoạch vốn đầu tư phát triển năm 2021, tỉnh phân bổ cho các DA là hơn 5.554 tỉ đồng. Thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư, đến ngày 15/9/2021, giá trị khối lượng thực hiện hơn 2.629 tỉ đồng, đạt 47,3% kế hoạch; giá trị giải ngân hơn 2.572 tỉ đồng, đạt 46,3% kế hoạch. Trong đó, vốn huyện quản lý hơn 1.637 tỉ đồng, giá trị khối lượng thực hiện và giải ngân gần 826 tỉ đồng, đạt 50,5% kế hoạch. Vốn tỉnh quản lý hơn 3.917 tỉ đồng, giá trị giải ngân hơn 1.746 tỉ đồng, đạt 44,6% kế hoạch.
Một số nguồn vốn đến ngày 15/9/2021 có tỷ lệ giải ngân thấp - dưới 40%: Vốn nước ngoài ODA (giải ngân 12,8%); vốn tiền sử dụng đất (26,4%); vốn vượt thu tiền sử dụng đất (23,1%); vốn vượt thu xổ số kiến thiết (22,8%); vốn vượt thu cân đối (21,2%); vốn ngân sách Trung ương (35,2%); vốn vay lại từ Chính phủ nước ngoài (39,6%). Đến ngày 15-9-2021, có 15 chủ đầu tư giải ngân trên 60% kế hoạch; 4 chủ đầu tư giải ngân từ 50% - 60% kế hoạch; 2 chủ đầu tư giải ngân từ 30% - 50% kế hoạch; 6 chủ đầu tư giải ngân dưới 30% kế hoạch. Ngoài ra còn có 5 chủ đầu tư chưa giải ngân.
Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải - Nguyễn Hoài Trung cho biết: “Có nhiều nguyên nhân dẫn đến giải ngân thấp. Trong đó, do dịch bệnh Covid-19 nên vật tư khan hiếm, vận chuyển vào địa bàn Long An gặp nhiều rào cản nên chi phí tăng cao, huy động nhân công cũng rất khó khăn”.
Ngoài ra, quy trình thủ tục thực hiện và giải ngân vốn ODA mất nhiều thời gian. Công tác quyết toán DA chưa được quan tâm đúng mức nên còn chậm làm thủ tục quyết toán. Vẫn còn trường hợp nhà thầu thi công chậm, chưa chủ động trong việc tập kết vật tư thi công ngay từ khi được bàn giao mặt bằng; còn phân tán nhân lực khi cùng lúc trúng thầu nhiều gói thầu.
Theo đánh giá của tỉnh, vẫn có chủ đầu tư còn chậm đôn đốc nhà thầu thi công thực hiện DA theo tiến độ đề ra; chậm đề xuất điều hòa kế hoạch vốn từ công trình thừa vốn sang công trình thiếu vốn. Một số công trình có thiết bị thi công tại xưởng ở TP.HCM nên chưa thể nghiệm thu, thanh toán.
“Một số công trình phải tạm dừng thi công để phòng, chống dịch hoặc trưng dụng làm bệnh viện dã chiến; một số công trình vẫn còn vướng mặt bằng”- Giám đốc Ban quản lý DA đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh - Nguyễn Văn Hùng cho biết thêm.
Thực hiện giải ngân kịp thời, hiệu quả vốn đầu tư công trong lĩnh vực giao thông sẽ mở ra sự kết nối đồng bộ, đi lại, vận chuyển hàng hóa thuận lợi, tạo động lực cho sự phát triển
Tập trung tăng tốc những tháng cuối năm
Để bảo đảm giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 đạt 100% vào cuối năm, UBND tỉnh yêu cầu các ngành, địa phương, các chủ đầu tư phải xem việc thực hiện DA và giải ngân vốn là nhiệm vụ quan trọng cần phải hành động quyết liệt.
Việc thực hiện tốt tiến độ, giải ngân nguồn vốn đầu tư công sẽ thúc đẩy chỉ tiêu tăng trưởng và góp phần phát triển KT-XH của tỉnh. Ngược lại, tiến độ thực hiện, giải ngân bị ách tắc, trì trệ hoặc chậm trễ thì có thể để vuột mất cơ hội phát triển, bứt phá.
Theo đó, UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành, chủ đầu tư có những giải pháp quyết liệt, hiệu quả để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn. Trong quá trình triển khai, thực hiện từng DA, gặp khó khăn, vướng mắc phải kịp thời tháo gỡ, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo ngay để UBND tỉnh nhanh chóng giải quyết.
Thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư, về phía các chủ đầu tư, địa phương cần phối hợp chặt chẽ để tập trung thực hiện công tác giải phóng mặt bằng. Từ đó, bàn giao cho đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa công trình vào sử dụng, phát huy hiệu quả đầu tư. Mặt khác, chủ đầu tư phải chủ động rà soát khối lượng thực hiện, nếu đủ điều kiện thì tiến hành nghiệm thu, lập thủ tục thanh toán ngay.
Qua tìm hiểu, một trong những lý do ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện, giải ngân vốn ở một số công trình giao thông vì vướng mắc trong giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát thì việc thực hiện, giải ngân vốn cho các công trình giao thông sẽ bớt khó khăn. Theo Phó Giám đốc Sở giao thông Vận tải - Nguyễn Hoài Trung, Sở sẽ thường xuyên kiểm tra, theo dõi, đôn đốc đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ thực hiện DA, công trình do đơn vị làm chủ đầu tư để bảo đảm chất lượng.
Mặt khác, các đơn vị thi công cũng kiến nghị tỉnh ưu tiên tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho công nhân làm việc tại các công trình, DA. Việc này vừa giúp công nhân, lao động an tâm làm việc, vừa đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân vốn đầu tư./.
Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 của các chủ đầu tư đến ngày 15/9/2021:
UBND huyện Cần Đước (90,3%), UBND huyện Cần Giuộc (88,2%), UBND huyện Bến Lức (87,1%), UBND huyện Đức Huệ (86,2%), UBND huyện Tân Trụ (86%), UBND huyện Châu Thành (82,5%), UBND huyện Thạnh Hóa (80%), Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng (77,4%), UBND huyện Tân Hưng (71,9%), UBND thị xã Kiến Tường (69,8%), Công an tỉnh (69,8%), UBND huyện Vĩnh Hưng (68,9%); Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh (67,4%), UBND huyện Mộc Hóa (65,3%), UBND huyện Đức Hòa (60,4%).
Ban quản lý DA đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh (56,5%), UBND huyện Thủ Thừa (54,7%); Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ( 51,5%), UBND TP. Tân An (51,4%), Sở Giáo dục và Đào tạo (47%), Sở Thông tin và Truyền thông (34%). Còn Sở Giao thông Vận tải (27,4%), Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (26%), UBND huyện Tân Thạnh (24,2%), Sở Tài nguyên và Môi trường (8,4%), Trung tâm Phát triển quỹ đất và dịch vụ tài nguyên môi trường (5,2%), Sở Y tế (3,3%).
|
Lê Đức