Tiếng Việt | English

24/02/2025 - 15:24

Thực phẩm chức năng - Lựa chọn thông minh hay 'cái bẫy' sức khỏe?

Để tăng cường sức khỏe, sắc đẹp, nhiều người tìm đến thực phẩm chức năng (TPCN). Tuy nhiên, giữa thị trường TPCN phát triển mạnh mẽ, những thông tin về công dụng thực sự và rủi ro tiềm ẩn còn nhiều tranh cãi, chưa có lời giải đáp thỏa đáng.

Theo định nghĩa của Bộ Y tế, TPCN là sản phẩm hỗ trợ sức khỏe, được kết hợp từ các dưỡng chất như vitamin, khoáng chất, axit amin, enzyme hay chiết xuất từ thực vật, động vật. TPCN có thể ở dạng viên nang, viên nén, bột, lỏng,... với mục đích bổ sung vi chất dinh dưỡng hoặc giảm nguy cơ mắc bệnh nhưng không phải là thuốc và không có tác dụng điều trị.

Ảnh minh họa AI

Dù được quảng bá rộng rãi với nhiều tên gọi như thực phẩm bổ sung hay sản phẩm dinh dưỡng y học, sử dụng TPCN vẫn cần hiểu rõ về công dụng và liều lượng để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe. Thị trường TPCN đang nở rộ với vô số sản phẩm được bày bán từ nhà thuốc, siêu thị đến các cửa hàng tiện lợi. Không dừng lại ở đó, trên các nền tảng thương mại điện tử như Shopee, Lazada hay mạng xã hội Facebook, Zalo, TPCN được quảng bá rầm rộ dưới danh nghĩa “hàng xách tay” chất lượng cao. Những lời giới thiệu hấp dẫn, thậm chí có sự góp mặt của người nổi tiếng dễ khiến người tiêu dùng nhầm tưởng đây là dược phẩm có khả năng điều trị bệnh. Giữa "cơn bão" thông tin và vô số lựa chọn, nhiều người loay hoay không biết đâu là sản phẩm an toàn, chất lượng, đâu là những lời quảng cáo được thổi phồng, vượt quá giá trị thực tế.

Chị Nguyễn Thị Thùy Linh (xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) từng tin rằng TPCN có thể giúp mẹ mình kiểm soát bệnh tiểu đường. Nghe theo lời giới thiệu từ một nhóm trên mạng xã hội, chị đặt mua một loại viên uống xách tay, được quảng cáo là “ổn định đường huyết, giảm biến chứng”. Tin tưởng vào sản phẩm, mẹ chị dần bỏ qua thuốc kê đơn của bác sĩ. Sau 2 tháng sử dụng, tình trạng của bà bỗng trở nên nghiêm trọng, phải nhập viện vì đường huyết tăng vọt. Lúc này, chị mới nhận ra những viên thuốc mình đặt mua không có bất kỳ chứng nhận y tế nào.

Không chỉ những người tìm kiếm sản phẩm hỗ trợ bệnh lý, nhiều người trẻ cũng dễ sa vào "vòng xoáy" TPCN khi mong muốn cải thiện vóc dáng hay sức khỏe. Anh Nguyễn Phú Ngọc Trai thường xuyên tập gym. Muốn nhanh chóng có thân hình săn chắc, anh mua một loại bột protein qua mạng, được quảng cáo là giúp tăng cơ bắp vượt trội. Sau vài tuần sử dụng, anh cảm thấy mệt mỏi, chán ăn, nổi mụn dày đặc. Khi đi khám, bác sĩ chẩn đoán anh bị rối loạn chức năng gan do hấp thụ quá nhiều chất bổ sung không rõ nguồn gốc.

Cả 2 trường hợp đều cho thấy rằng, dù TPCN có thể hỗ trợ sức khỏe khi dùng đúng cách nhưng nếu đặt niềm tin mù quáng vào những lời quảng cáo thiếu kiểm chứng, người tiêu dùng không chỉ tốn tiền mà còn bị ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

Bà Lê Thị Diệu (SN 1960, ngụ huyện Cần Giuộc) từng gặp vấn đề về giấc ngủ suốt nhiều năm liền. “Tôi cứ trằn trọc mỗi đêm, giấc ngủ chập chờn khiến cơ thể luôn trong trạng thái mệt mỏi, tinh thần uể oải. Dùng thử nhiều loại trà thảo mộc, thuốc an thần nhưng tình trạng mãi không cải thiện” - bà Diệu cho biết. Qua tìm hiểu từ bác sĩ và người thân, bà Diệu quyết định sử dụng một loại TPCN chiết xuất từ thiên nhiên, hỗ trợ giấc ngủ và giảm căng thẳng. Sau khoảng 3 tháng sử dụng kết hợp với chế độ sinh hoạt lành mạnh, bà cảm nhận rõ sự thay đổi. “Tôi ngủ ngon hơn, tinh thần cũng thoải mái hơn hẳn. Quan trọng là tôi đã tìm hiểu kỹ sản phẩm, chọn loại có nguồn gốc rõ ràng và được chuyên gia tư vấn cách dùng phù hợp” - bà Diệu chia sẻ.

Dù có hiệu quả tích cực nhưng bà Diệu vẫn khẳng định TPCN chỉ là sản phẩm hỗ trợ, không thể thay thế thuốc điều trị. Vì vậy, người tiêu dùng cần tỉnh táo, chọn sản phẩm uy tín và sử dụng đúng cách để có lợi cho sức khỏe như mong muốn.

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) liên tục cảnh báo về TPCN vi phạm an toàn thực phẩm, bao gồm các sản phẩm tái vi phạm bị xử phạt. Người tiêu dùng có thể cập nhật thông tin trên trang web chính thức của Cục: https://vfa.gov.vn để tránh mua phải hàng kém chất lượng. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cần tìm hiểu kỹ thành phần, công dụng, đối tượng sử dụng và tham khảo ý kiến chuyên gia trước khi dùng; nên chọn sản phẩm có giấy phép của Bộ Y tế, tránh hàng trôi nổi, quảng cáo quá mức.

TPCN chỉ đóng vai trò hỗ trợ, không thể thay thế một chế độ dinh dưỡng cân bằng và lối sống khoa học. Việc sử dụng tùy tiện, kéo dài hoặc lạm dụng có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe. Do đó, thay vì quá phụ thuộc vào TPCN, mỗi người nên ưu tiên một chế độ ăn uống lành mạnh, vận động hợp lý và duy trì thói quen sống khoa học để bảo vệ sức khỏe./.

Du Nhiên

Chia sẻ bài viết