Tiếng Việt | English

19/11/2023 - 09:07

Hạn dùng của thuốc, thực phẩm chức năng và sản phẩm dinh dưỡng

Trong quá trình bảo quản và lưu thông phân phối thuốc, thực phẩm chức năng và sản phẩm dinh dưỡng đã đóng gói có những yếu tố môi trường bên ngoài như nhiệt độ, độ ẩm,… hoặc yếu tố nội tại như pH, dung môi, tá dược, chất bảo quản,… bị thay đổi theo thời gian có thể ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, nhà nước đã quy định trên nhãn sản phẩm, bên cạnh số lô sản xuất, ngày sản xuất còn phải ghi rõ hạn dùng để cơ quan quản lý nhà Nước và người sử dụng nhận biết.

Ảnh minh họa

Chúng ta dễ nhầm “Tuổi thọ” và “Hạn dùng”, thật ra 2 khái niệm này khác nhau. Theo quyết định số 3101/2001/QĐ-BYT: “Tuổi thọ của thuốc là khoảng thời gian tính từ khi thuốc được sản xuất đến khi còn giữ được những chỉ tiêu chất lượng đã quy định của tiêu chuẩn chất lượng trong điều kiện bảo quản xác định” còn “Hạn dùng của thuốc là khoảng thời gian được ấn định cho một lô thuốc, tính từ ngày hoàn thành sản xuất thuốc mà trong thời gian này thuốc được bảo quản trong điều kiện quy định phải đảm bảo đạt chất lượng theo tiêu chuẩn đã đăng ký, sau thời gian này thuốc không được phép lưu hành và không được sử dụng”.

Hạn dùng của thuốc phải được xác định trên cơ sở các số liệu nghiên cứu về thời gian ổn định (tuổi thọ) của thuốc. Hạn dùng in trên nhãn không được dài hơn tuổi thọ được nghiên cứu trong phòng thí nghiệm và tuổi thọ theo dõi trên thực tế.

Cũng như thế, hạn dùng của một sản phẩm dinh dưỡng được in trên bao bì phải sớm hơn tuổi thọ của sản phẩm theo dõi trên thực tế, nói một cách khác ở thời điểm hạn dùng không còn được sử dụng nữa thì về mặt hình thức, cảm quan sản phẩm vẫn chưa bị biến màu, biến dạng.

Hạn dùng (viết tắt HD tiếng Anh là Due Date) chính là Hạn sử dụng (viết tắt HSD tiếng Anh là Expiry Date) là EXP, chúng ta hay gọi tắt Date.

Hạn dùng của sản phẩm được ghi theo thứ tự ngày, tháng, năm của năm dương lịch. Ngày được ghi bằng 2 con số, tháng được ghi bằng 2 con số hoặc chữ chỉ tháng còn năm được ghi bằng 2 con số cuối hoặc cả 4 số của năm dương lịch trên cùng 1 dòng, cụ thể: Số chỉ ngày gồm hai con số, nếu ngày chín trở xuống phải bắt đầu bằng số không (01, 02,…09). Số chỉ tháng gồm hai con số nếu tháng chín trở xuống phải bắt đầu bằng số không (01, 02,…09) hoặc tên tháng bằng chữ (Tháng Một, tháng Hai,…). Số chỉ năm là hai con số cuối của năm hoặc cả 4 chữ số của năm

Ví dụ: Một lô thuốc có hạn dùng được ghi là HD: 10/23 hoặc HD: Tháng Mười/23 có nghĩa là trước ngày 31 tháng Mười năm 2023, trong điều kiện bảo quản tuân thủ đúng quy định Hướng dẫn thực hành tốt bảo quản thuốc Good Store Practices (GSP) thuốc vẫn còn đảm bảo các yêu cầu về chất lượng và do đó được phép sử dụng.

Hạn dùng ghi theo thứ tự ngày/ tháng/ năm: dd/mm/yyyy (Day/ Month/ Year) thì được phép sử dụng từ ngày tháng năm đã in trên nhãn trở về trước. Nếu trên nhãn chỉ ghi tháng và năm hết hạn dùng thì được sử dụng trước ngày cuối cùng của tháng đó, năm đó.

Ảnh minh họa

Theo nội dung hướng dẫn cách ghi ngày sản xuất, hạn dùng quy định tại Điều 14 Nghị định 43/2017/NĐ-CP  được bổ sung sửa đổi bởi Nghị định 111/2021/ NĐ-CP nếu trên nhãn hàng hóa có ghi rõ ngày, tháng, năm sản xuất: dd/mm/yyyy thì hạn dùng được phép ghi theo thời hạn: 2 năm, 3 năm.  

Nhà sản xuất và kinh doanh xuất nhập khẩu, bán buôn, bán lẻ phải chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm sản xuất và lưu hành trên thị trường trong thời hạn hạn dùng đã đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước và đã in trên bao bì sản phẩm. Thuốc đã hết hạn dùng tuyệt đối không được phép sử dụng, việc bảo quản và sử dụng thuốc phải tuân thủ nguyên tắc FE/FO: First Expiry/ First Out có nghĩa là Hạn dùng trước/ Cấp phát trước. Trong công tác dược bệnh viện, thuốc hết hạn dùng đã bị hệ thống vi tính khóa không xuất ra khỏi kho dược vì thế không được sử dụng trên bệnh nhân.

Thuật ngữ “best before” hay “best before date” viết tắt là BB in trên bao bì một số thực phẩm dinh dưỡng bao gồm đồ hộp, đồ uống lạnh, thức ăn khô (bánh, ngũ cốc, trứng, sữa) có nghĩa là “sử dụng tốt nhất trước ngày” được in trên nhãn. Sau ngày này, thực phẩm có thể vẫn chưa bị bốc mùi hay ẩm mốc nhưng sẽ không giữ được chất lượng, hương vị chuẩn vốn có và vẫn có khả năng gây ngộ độc vì thế người tiêu dùng không nên sử dụng sau ngày đã ghi trên bao bì.

Người tiêu dùng khi mua thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng ngoài việc xem chất lượng sản phẩm bằng cảm quan cần kiểm tra kỹ hạn dùng của sản phẩm và không được sử dụng sau thời hạn đã in trên bao bì sản phẩm.

Mong người tiêu dùng đọc kỹ và kiểm soát thông tin về dinh dưỡng trước khi mua để bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và xã hội./.

DSCKII. Lý Thị Nhất Định

Chia sẻ bài viết