Tiếng Việt | English

22/03/2016 - 11:30

Đức Hòa-Long An:

Tiềm năng phát triển du lịch

Đức Hòa có vị trí thuận lợi, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh Long An, là đô thị vệ tinh của TP.HCM, là một trong những đầu mối giao thông quan trọng của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và TP.HCM. Ngoài những lợi thế để phát triển kinh tế, Đức Hòa còn có điều kiện phát triển du lịch sinh thái và du lịch làng nghề truyền thống.

Bên trong Làng cổ Phước Lộc Thọ

Điểm đầu tiên có thể kể đến là Khu di tích khảo cổ học Bình Tả, xã Đức Hòa Hạ. Cách TP.Tân An 40km theo lộ trình Tân An - Bến Lức - thị trấn Đức Hòa và nằm cách Đường tỉnh 825 khoảng 800m về phía Đông, Khu di tích Bình Tả là một cụm di tích khảo cổ học quy mô lớn thuộc nền văn hóa Óc Eo. Căn cứ vào các hiện vật được khai quật, có thể nhận định đây là trung tâm chính trị, văn hóa của Nhà nước Phù Nam - Chân Lạp thời cổ đại.

Một trong những điểm hẹn tiếp theo cho khách du lịch tìm đến Đức Hòa có thể kể đến là làng cổ Phước Lộc Thọ, tọa lạc tại ấp 2, xã Hựu Thạnh. Đến làng cổ Phước Lộc Thọ, du khách sẽ có dịp tìm hiểu thêm về văn hóa người Việt ở vùng sông nước, được thưởng thức các món ăn đặc sản của Long An và được nghe các làn điệu dân ca ngọt ngào,…

Làng cổ Phước Lộc Thọ hiện đang trở thành một điểm du lịch hấp dẫn, thu hút rất đông du khách trong và ngoài nước đến tham quan, thưởng ngoạn. Với diện tích hơn 3ha, làng cổ nằm cách thị trấn Đức Hòa khoảng 4km, cách TP.HCM hơn 30km, là nơi lưu giữ nhiều ngôi nhà cổ ở khắp mọi miền đất nước.

Anh Nguyễn Minh Sang, người phụ trách khu làng cổ cho biết, do mê sưu tầm đồ cổ nên ông Dương Văn Mỹ bỏ công sức, tiền của đi sưu tầm được 22 ngôi nhà cổ về đây trưng bày, lưu giữ. Ngôi nhà có số cột nhiều nhất là 114 cột và ít nhất là 36 cột. Đặc biệt, ở đây còn có 6 ngôi nhà sàn – biểu tượng văn hóa của Tây Nguyên đều được xây dựng bằng gỗ cao cấp, hầu hết được sưu tầm từ Đắc Lắk, Đắc Nông, Kon Tum, Gia Lai…

Làng cổ Phước Lộc Thọ được xây dựng vào năm 2006 và bắt đầu đón khách du lịch vào năm 2010. Mỗi năm, làng cổ đón khoảng 25.000 lượt khách đến tham quan, du lịch. Tại làng cổ còn có một vườn lan rộng hơn 1.000m2 với gần 300 loại hoa lan khác nhau cũng được chủ nhân chăm chút. Ở đây còn có một ngôi chùa được xây dựng mô phỏng theo chùa Một Cột ở Hà Nội.

Với kỳ công sưu tầm và phục dựng những ngôi nhà cổ của chủ nhân ngôi làng Phước Lộc Thọ, năm 2012, làng cổ đã được sách Kỷ lục Việt Nam công nhận là nơi lưu giữ và sở hữu nhiều ngôi nhà cổ nhất cả nước. 

Những làng nghề truyền thống như đan lát, tráng bánh, gói bánh tét, chằm nón lá,… chưa được khai thác hết thế mạnh trong kết hợp du lịch

Không có nhiều địa điểm du lịch nhưng Đức Hòa có thế mạnh là có rất nhiều nghề truyền thống được lưu truyền đến nay như: Chằm nón lá, đan lát, làm bánh tráng thủ công, làm kẹo đậu phộng, xóm bánh tét… nếu được khai thác, quy hoạch tập trung sẽ thu hút khách du lịch, kết hợp giữa du lịch sinh thái và tham quan làng nghề.

Với những lợi thế sẵn có, Đức Hòa có điều kiện phát triển du lịch và hy vọng, trong tương lai thế mạnh này sẽ được quan tâm, phục hồi khai thác./.

Song Hồng

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích