Phó Giám đốc Trung tâm Sản-Phụ khoa, Bệnh viện TWG Long An - BS.CKII Lê Phạm Hoa Sơn Trà
|
Tiền sản giật (TSG) là một hội chứng bệnh lý phức tạp và nguy hiểm, làm tăng nguy cơ sinh non tháng, thai lưu cũng như đe dọa tính mạng của thai phụ. Phát hiện sớm TSG giúp giảm thiểu nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe của mẹ và con. Phóng viên Báo Long An có cuộc phỏng vấn Trưởng khối Sản Bệnh viện TWG Long An - Bác sĩ (BS) CKII Lê Phạm Hoa Sơn Trà để cung cấp đến thai phụ những kiến thức hữu ích trong phòng ngừa, cảnh giác với biến chứng nguy hiểm này.
PV: Thưa BS, TSG là gì, triệu chứng của TSG ra sao?
BS CKII Lê Phạm Hoa Sơn Trà: Tiền sản giật là biến chứng sản khoa với đặc trưng là cao huyết áp trong thai kỳ và dễ gây tổn thương những cơ quan khác, đặc biệt là gan và thận. Hiện tượng này thường xảy ra sau tuần thứ 20 của thai kỳ.
Triệu chứng chẩn đoán tiền sản giật là huyết áp cao và protein niệu dương tính trên 300mg/24 giờ.
Triệu chứng TSG đôi khi chỉ âm thầm, biểu hiện đầu tiên thường là cao huyết áp. Do đó, thai phụ cần khám thai định kỳ để theo dõi huyết áp và thử nước tiểu. Đây là hoạt động khám thường quy nhưng rất quan trọng. Bên cạnh đó, một số triệu chứng biểu hiện TSG nặng là nhức đầu, mờ mắt, hay chóng mặt, đau thượng vị, nôn, buồn nôn,…Đây là những triệu chứng cơ năng mà bệnh nhân có thể nhận biết được. Khi nhập viện, thai phụ sẽ được thực hiện những xét nghiệm kèm theo và có kết quả bất thường như: giảm nước tiểu, suy chức năng gan, thận. Ngoài ra, còn một triệu chứng thường gặp là phù, tuy nhiên, phù chân ở thai phụ có thể do chèn ép chứ không phải là TSG. Phù ở TSG thường có điểm khác biệt là phù 2 chi dưới, phù mặt và toàn thân.
PV: Nguyên nhân gây ra TSG là gì? TSG nguy hiểm ra sao?
BS CKII Lê Phạm Hoa Sơn Trà: Nguyên nhân gây ra TSG vẫn chưa xác định chính xác, tuy nhiên, hội chứng này xảy ra trong thời gian mang thai với hiện tượng co mạch máu toàn thân, gây giảm lưu lượng máu nuôi thai cũng như đến các cơ quan. Hiện tượng co mạch máu này dẫn đến những triệu chứng ảnh hưởng đến chức năng của nhiều cơ quan trong cơ thể, nguy cơ gây biến chứng lên toàn thân. Khi biến chứng lên não sẽ gây co mạch máu não, xuất huyết não, lập tức đưa đến tình trạng sản giật, bệnh nhân có thể tử vong.
TSG ảnh hưởng đến thận, gan, dẫn đến là suy thận, tăng men gan, suy chức năng gan, xuất huyết gan, căng bao gan, nặng hơn nữa là vỡ gan,…
Đối với thai, do mạch máu tới thai không được sẽ gây ra hiện tượng suy dinh dưỡng bào thai. Ngoài ra, còn xảy ra tình trạng nhau bong non - đây cũng là một biến chứng rất nặng, thai nhi tử vong nhanh, gây rối loạn hệ thống đông máu, chuyển hóa của mẹ. Nhau bong non nếu không xử trí kịp thời cũng dễ dẫn đến tử vong cả mẹ lẫn con.
Bên cạnh đó, TSG còn dẫn đến hội chứng HELLP bao gồm giảm tiểu cầu, tăng men gan và tán huyết ở mẹ. Đây là một biến chứng rất nặng của TSG.
Phẫu thuật lấy thai ở sản phụ tiền sản giật tại Bệnh viện TWG Long An
PV: Thai phụ cần lưu ý những gì để đề phòng nguy cơ TSG?
BS CKII Lê Phạm Hoa Sơn Trà: Chính vì triệu chứng không rõ ràng nên sản phụ sẽ rất chủ quan. Do đó, thai phụ nên khám thai thường xuyên theo lịch hẹn của các cơ sở y tế. Trong quá trình khám thai, thai phụ sẽ được đo huyết áp, thử nước tiểu để tầm soát.
Hiện nay, trong 3 tháng đầu thai kỳ, thai phụ nên xét nghiệm để tầm soát TSG tại Bệnh viện TWG Long An. Nếu tầm soát nguy cơ cao thì những lần sau sẽ lưu ý vấn đề TSG hơn và dùng thuốc aspinin liều thấp để phòng ngừa. Nếu ở nhóm nguy cơ thấp thì vẫn phải theo dõi tiếp tục vì không có nghĩa là không xảy ra TSG.
Thai phụ cần khám thai định kỳ để theo dõi huyết áp
Khi khám thai, thai phụ cần lựa chọn cơ sở y tế có uy tín, có thực hiện đầy đủ các bước khám tầm soát và phát hiện kịp thời những triệu chứng ban đầu của TSG để theo dõi, điều trị sớm, tránh chuyển biến nặng.
Nguy cơ TSG là tiền sử bản thân thai phụ trong những lần mang thai trước đã gặp tình trạng TSG; người cao huyết áp mạn tính; bệnh nhân mang đa thai; tuổi mang thai sớm (trước 20 tuổi) và có thai muộn (trên 35 tuổi), giai đoạn 20-35 tuổi có tỷ lệ TSG thấp hơn. TSG cũng dễ xảy ra đối với thai phụ cơ địa béo phì, có tiền sử buồng trứng đa nang, đái tháo đường,… Bên cạnh nguy cơ bản thân thì còn có yếu tố gia đình, cụ thể là trong mối quan hệ trực hệ (cha, mẹ, anh, chị, em ruột) có người mắc bệnh cao huyết áp, có người từng bị TSG,…
Thai phụ cần lựa chọn cơ sở y tế có uy tín, có thực hiện đầy đủ các bước khám tầm soát và phát hiện kịp thời những triệu chứng ban đầu của tiền sản giật
Tùy theo tuổi thai, mức độ bệnh thì bác sĩ sẽ có hướng điều trị phù hợp. Do đó, thai phụ cần lưu ý trước khi mang thai nên có lối sống lành mạnh: Tập thể dục, giảm cân, không để tăng cân, béo phì; không sử dụng thuốc lá, chất kích thích (rượu, bia); phải thường xuyên kiểm tra huyết áp trong giới hạn cho phép. Đối với những người đã xét nghiệm có nguy cơ TSG thì sẽ sử dụng thuốc mỗi ngày để đề phòng, bổ sung đầy đủ các nhóm chất như canxi, axit folic,... Trong ăn uống cần ăn nhạt (nêm ít muối), hạn chế dùng muối cả trước và sau khi sanh.
Đặc biệt, nhiều trường hợp không có dấu hiệu rõ ràng, dẫn đến những tai biến nguy hiểm, Bệnh viện TWG cũng đã gặp nhiều trường hợp tương tự. Gần đây là bệnh nhân N.H.N (20 tuổi, ngụ huyện Vĩnh Hưng) khám ngoại viện nhưng không phát hiện, chỉ có cao huyết áp. Thai phụ này cũng mắc tiểu đường thai kỳ nhưng không đi khám thai định kỳ đầy đủ, không được theo dõi sát và cũng không được xét nghiệm tầm soát TSG. Khi bệnh nhân xảy ra biến chứng sản giật, ngay lập tức thai phụ được đưa vào cấp cứu tại bệnh viện TWG Long An. Rất may do được cấp cứu, xử trí và điều trị kịp thời nên sức khỏe của mẹ ổn định và bé trai được chào đời bình an.
Xin cảm ơn bác sĩ!
Trung tâm Sản Phụ khoa Bệnh viện TWG Long An với đội ngũ y bác sĩ giỏi chuyên môn, trang thiết bị hiện đại cùng dịch vụ toàn diện luôn sẵn sàng cùng mẹ yên tâm chăm sóc thai kỳ khỏe mạnh, cán đích thành công.
Bệnh viện TWG Long An
Địa chỉ: Số 136C, Đường tỉnh 827, khu phố Bình An 1, phường 7, TP.Tân An, tỉnh Long An
Điện thoại: 02723550507
|
P.N