Tiếng Việt | English

15/10/2024 - 12:50

Tiếng nói của cử tri là công nhân, lao động

Nhằm tạo diễn đàn để đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tiếp xúc, lắng nghe, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị, đề xuất của cử tri là đoàn viên Công đoàn (ĐVCĐ), công nhân, lao động (CNLĐ) về việc làm, thu nhập và đời sống cũng như hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật; qua đó, tổng hợp và phản ánh đến QH, các cơ quan, tổ chức hữu quan, góp phần xây dựng chính sách, pháp luật bảo đảm khả thi, sát thực tế, từ năm 2023 đến nay, thực hiện chỉ đạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Liên đoàn Lao động tỉnh Long An phối hợp UBMTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức hội nghị để Đoàn ĐBQH tỉnh tiếp xúc cử tri là ĐVCĐ, CNLĐ trước các kỳ họp QH khóa XV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Trước Kỳ họp thứ 8, QH khóa XV, vào ngày 05/10/2024, Đoàn ĐBQH tỉnh gồm Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh - Nguyễn Thanh Hải; Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh - Lê Thị Song An; Giám đốc Sở Tư pháp - Phan Thị Mỹ Dung; Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh - Trần Quốc Quân; Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh - Nguyễn Hoàng Uyên đã tiếp xúc trực tiếp với 250 cử tri là ĐVCĐ, CNLĐ huyện Cần Đước, Cần Giuộc.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp xúc cử tri

Tại cuộc tiếp xúc, cử tri là ĐVCĐ, CNLĐ mạnh dạn nêu lên những vấn đề đang quan tâm, thắc mắc, từ đó có những ý kiến, kiến nghị đến Đoàn ĐBQH tỉnh. Theo chị Nguyễn Thị Phương Thảo, cử tri là ĐVCĐ, CNLĐ Công ty (Cty) TNHH Cấp nước Hà Lan (huyện Cần Giuộc), trong dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) quy định không tính hưởng trợ cấp thất nghiệp đối với “thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp trên 144 tháng”. Điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến tâm lý người LĐ, dẫn đến người LĐ xin nghỉ việc để hưởng trợ cấp thất nghiệp, từ đó gây xáo trộn thị trường LĐ, ảnh hưởng sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN). Do vậy, chị Phương Thảo kiến nghị QH quy định thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp trên 144 tháng phải được bảo lưu để được tính cho lần hưởng trợ cấp thất nghiệp tiếp theo.

Cử tri Đỗ Thị Hồng Mai - CNLĐ Cty TNHH Xe máy Phát Thịnh (huyện Cần Giuộc), bức xúc về tình trạng nhiều DN sản xuất, kinh doanh không hiệu quả dẫn đến giải thể, phá sản hoặc chủ DN cố tình bỏ trốn. Từ đó, DN nợ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của người LĐ, làm ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của người LĐ. Họ không được hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội theo quy định, trong khi đó bị mất việc đã rất khó khăn. Chị Hồng Mai kiến nghị QH có các quy định cụ thể, rõ ràng, chế tài đủ mạnh để giải quyết các vấn đề này, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người LĐ.

Anh Đỗ Thành Công - CNLĐ Cty Cổ phần Công trình đô thị Cần Giuộc (huyện Cần Giuộc), quan tâm đời sống CNLĐ. Theo anh, hiện nay, mức đóng bảo hiểm y tế tăng theo mức lương cơ sở, trong khi đời sống của người dân nói chung và CNLĐ nói riêng còn nhiều khó khăn bởi hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều DN bị thu hẹp do giảm đơn hàng dẫn đến việc làm, thu nhập của CNLĐ chưa đáp ứng các nhu cầu thiết yếu của cuộc sống. Anh Công mong muốn QH, Chính phủ xem xét kỹ vấn đề này và có chính sách hỗ trợ về nhà ở, thu nhập, nơi khám, chữa bệnh, sinh hoạt văn hóa cho người LĐ, giúp cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Cử tri quan tâm dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi)

Ngoài ra, cử tri quan tâm các nội dung trong dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi). Trong đó, có quy định mức hưởng trợ cấp thất nghiệp bằng 60%. Tuy nhiên, nhiều cử tri cho rằng mức này chưa bảo đảm cuộc sống của người LĐ và gia đình họ nên mong muốn tăng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp từ 60% lên 75% (bằng mức hưởng lương hưu tối đa) nhằm tạo điều kiện hỗ trợ người LĐ có cuộc sống tối thiểu khi mất việc làm, thất nghiệp.

Cũng trong dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) quy định đối với trường hợp người LĐ bị sa thải theo quy định pháp luật LĐ thì không được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Tuy nhiên, trong thực tế, có trường hợp người LĐ bị người sử dụng LĐ sa thải trái pháp luật thì có được hưởng trợ cấp thất nghiệp không? Theo nhiều cử tri, dự thảo Luật chưa dự liệu được tình huống này, bởi với những trường hợp này, người LĐ không được hưởng trợ cấp thất nghiệp thì rất thiệt thòi về quyền lợi vì đó là lỗi thuộc về người sử dụng LĐ. Do vậy, cử tri kiến nghị QH xem xét xây dựng quy định mang tính nguyên tắc để bảo đảm quyền lợi cho đối tượng được hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Công nhân, lao động nêu ý kiến, kiến nghị với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh

Những ý kiến, kiến nghị của cử tri là ĐVCĐ, CNLĐ được đại diện các sở, ngành có liên quan giải trình theo thẩm quyền. Đồng thời, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh - Nguyễn Thanh Hải cũng giải trình, ghi nhận và tiếp thu những ý kiến của cử tri để kiến nghị QH trong kỳ họp sắp tới.

Tiếng nói của cử tri là ĐVCĐ, CNLĐ không chỉ phản ánh thực tế cuộc sống, LĐ hàng ngày mà còn là những vấn đề xã hội quan tâm, cần được xem xét, giải quyết, giúp bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người LĐ. Từ đó, CNLĐ được nâng cao chất lượng cuộc sống, an tâm làm việc, phát huy sáng kiến cải tiến, góp phần phát triển KT-XH đất nước, của tỉnh./.

Cử tri quan tâm về việc làm, chính sách chăm lo, hỗ trợ người lao động

Cử tri quan tâm về việc làm, chính sách chăm lo, hỗ trợ người lao động

Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh có cuộc tiếp xúc 250 cử tri là đoàn viên Công đoàn, công nhân, lao động huyện Cần Đước, Cần Giuộc.

An Nhiên

Chia sẻ bài viết