Tiếng Việt | English

09/11/2020 - 08:15

Tiếp tục lan tỏa sâu, rộng pháp luật vào đời sống

Từ năm 2013, ngày 9/11 hàng năm được lấy là Ngày Pháp luật Việt Nam (PLVN). Ngày này được quy định cụ thể trong Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật Việt Nam. Năm nay, cả nước nói chung, Long An nói riêng sẽ tổ chức lần thứ 8 Ngày PLVN. Đây là sự kiện chính trị, pháp lý quan trọng, cũng là dịp diễn ra nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật nhằm nâng cao ý thức của cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân về việc tuân thủ, chấp hành pháp luật. Qua đó, khẳng định vị trí thượng tôn của pháp luật trong đời sống xã hội, nâng cao ý thức chấp hành và bảo vệ pháp luật và thúc đẩy tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Trong Ngày PLVN, nhiều hoạt động hưởng ứng được tỉnh ta tổ chức: Vận động nhân dân nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật; tuyên truyền, phổ biến các quy định của Hiến pháp, pháp luật thiết thực với đời sống của nhân dân; giáo dục cán bộ, công chức, viên chức và người dân ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật,... Ngoài ra, đây còn là dịp để đánh giá lại những kết quả đã đạt và những hạn chế trong hoạt động xây dựng, thực thi pháp luật, qua đó, những người thi hành pháp luật tiếp tục rút kinh nghiệm, phổ biến, nhân rộng các mô hình tốt, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao hiệu quả của hệ thống pháp luật đối với đời sống xã hội.

Ngày 9/11 được coi là điểm mốc, là sự kết nối, lan tỏa pháp luật sâu, rộng trong cộng đồng dân cư. Dịp này, các cấp, các ngành còn kết hợp biểu dương, khen thưởng những mô hình hay, hoạt động sáng tạo, các điển hình tiên tiến trong công tác phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật, bảo vệ pháp luật, các hòa giải viên giỏi, những người tích cực đưa pháp luật vào cuộc sống mang lại sự bình yên cho nhân dân. Các hoạt động hưởng ứng cần thiết thực, tiết kiệm, tránh hình thức.

Long An là một trong những địa phương đi đầu trong tổ chức Ngày PLVN. Trong tỉnh hiện có nhiều mô hình hay: “Tiết pháp luật”, sinh hoạt ngoại khóa, thi hái hoa dân chủ; “Quán cà phê pháp luật”; “Cà phê doanh nhân”; câu lạc bộ pháp luật; tủ sách pháp luật; lồng ghép sinh hoạt pháp luật trong các hoạt động cơ quan, đơn vị, sinh hoạt đoàn thể,... từ đó mang lại những hiệu quả thiết thực.

Mặt khác, tỉnh nằm sát TP.HCM, trên trục kết nối miền Đông và miền Tây Nam bộ, có nhiều tuyến giao thông qua địa bàn, có biên giới dài gần 130km, có nhiều khu, cụm công nghiệp,... Đó là những điều kiện thuận lợi trong phát triển KT-XH, tuy nhiên, cũng tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp về an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Tình hình tội phạm trên địa bàn vẫn còn phức tạp như tội phạm về ma túy, “tín dụng đen”, cướp giật, trộm cắp, tai nạn giao thông và tệ nạn xã hội,...

Do vậy, việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cần được đặc biệt quan tâm, tăng cường. Tùy vào đặc thù từng tổ chức, địa phương, cơ quan, đơn vị mà có các hình thức, mô hình thích hợp. Trong đó, phải gắn với trách nhiệm, vai trò nêu gương của lãnh đạo, cán bộ, đảng viên. Việc tuyên truyền pháp luật cần lồng ghép vào phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, toàn dân xây dựng đời sống văn hóa, các phong trào thi đua yêu nước,... Có như vậy, pháp luật ngày càng lan tỏa sâu, rộng và phát huy hiệu quả trong đời sống xã hội, góp phần tích cực vào tiến trình phát triển KT-XH./.

Kim Quy

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích