Tiếng Việt | English

11/08/2020 - 11:00

Tiếp tục nâng cao công tác quản lý, xử phạt vi phạm hành chính

Chủ tịch UBND tỉnh Long An - Trần Văn Cần cho rằng, 6 tháng năm 2020, các quyết định (QĐ) xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) chưa thi hành còn khá cao. Vì vậy, thời gian tới, các sở, ngành tỉnh, UBND các địa phương cần tiếp tục tăng cường các giải pháp nhằm phát hiện VPHC để xử lý kịp thời.

Vi phạm trong lĩnh vực  môi trường rất khó xử lý

Vi phạm trong lĩnh vực  môi trường rất khó xử lý

Song song đó, các sở, ngành tỉnh, UBND các địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về hành chính, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của tổ chức, cá nhân cũng như thực hiện nghiêm các chỉ đạo của UBND tỉnh về xử lý VPHC.

Thông tin từ UBND tỉnh, 6 tháng năm 2020, tình hình VPHC trên địa bàn tỉnh xảy ra trên nhiều lĩnh vực. Trong đó, chủ yếu là lĩnh vực thương mại (vận chuyển, buôn bán hàng cấm, hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ,…); bảo vệ môi trường (xả thải); xây dựng vi phạm quy hoạch, đất đai; vệ sinh an toàn thực phẩm; an ninh, trật tự, an toàn xã hội;…

Ngành chức năng các cấp ra QĐ xử phạt 3.016 vụ việc VPHC; ban hành 3.377 QĐ xử phạt; tổ chức thi hành 2.916 QĐ (chiếm 86%). Việc ban hành các QĐ xử phạt VPHC đều bảo đảm tính kịp thời, đúng quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục, thẩm quyền và hành vi vi phạm. Tổng số tiền phạt thu được từ xử phạt VPHC trên 23 tỉ đồng; số tiền thu được do bán thanh lý tang vật, phương tiện VPHC trên 1 tỉ đồng.

Tuy nhiên, số lượng QĐ xử phạt VPHC các cấp, các ngành của tỉnh chưa thi hành vẫn còn cao (461 QĐ, chiếm 14%); trong đó, cấp tỉnh còn 47 QĐ, cấp huyện 414 QĐ. Nguyên nhân khách quan là do đối tượng bị xử phạt có hoàn cảnh khó khăn; cố tình không chấp hành; cơ chế phối hợp tổ chức cưỡng chế QĐ xử phạt VPHC còn nhiều hạn chế; một số lĩnh vực cưỡng chế nhạy cảm, khó thực hiện như đất đai (trả lại hiện trạng ban đầu), xây dựng (phá dỡ công trình vi phạm);...

Nguyên nhân chủ quan là người có thẩm quyền xử phạt VPHC chưa kiên quyết trong thực hiện biện pháp cưỡng chế, khắc phục hậu quả tháo dỡ các công trình xây dựng vi phạm, nhất là các công trình về nhà ở; việc đình chỉ hoạt động của các cơ sở vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường cũng gặp khó khăn do không có quy định biện pháp cúp nước, cắt điện;…/.

Đỗ Lâm

Chia sẻ bài viết