Tiếng Việt | English

16/01/2022 - 19:40

Tiểu dắt ban ngày ở trẻ, bác sĩ nhi khoa chỉ cách xử trí đúng

Tiểu dắt có thể khiến trẻ căng thẳng, mất tự tin và ảnh hưởng không nhỏ trong sinh hoạt hàng ngày của trẻ. Do vậy, cần phát hiện và xử trí kịp thời.

1. Thế nào là tiểu dắt?

Bình thường, trẻ đi tiểu từ 4 đến 8 lần mỗi ngày, tuy vậy một số trẻ đi tiểu nhiều hơn, 10 - 30 lần/ngày hoặc có thể 5 – 10 phút/ lần. Tình trạng này hay gặp ở trẻ 3-8 tuổi, thông thường có thể tự biến mất sau 2-3 tuần. Tuy vậy, nó có thể gây ra căng thẳng lớn ở trẻ em trong độ tuổi đi học và tác động tiêu cực đến lòng tự trọng của trẻ. Vì vậy, cần phát hiện sớm và xử trí trẻ mắc chứng són tiểu ban ngày càng sớm càng tốt.

Tiểu nhiều hơn bình thường có thể trong bệnh cảnh đa niệu, đái tháo đường hay bất thường thần kinh, bất thường giải phẫu...không đề cập ở đây. Bài chỉ đề cập đến các trẻ trước đó tiểu bình thường.

Tiểu dắt khiến trẻ căng thẳng và tác động tiêu cực đến lòng tự trọng của trẻ.

2. Các nguyên nhân phổ biến gây tiểu dắt

- Nhiễm trùng đường tiểu: Thường kèm tiểu buốt, đau, quấy khi đi tiểu, lấy tay bóp vùng kín vì đau, thay đổi tính chất nước tiểu như có máu (đỏ) hay mủ (đục), nước tiểu hôi...

- Viêm niệu đạo do hóa chất như xà phòng...

- Trẻ đang bị táo bón: Phân khô cứng, đi ngoài ít hơn 3 lần/tuần, gắng sức nhiều, có thể có máu do nứt kẽ hoặc són phân lỏng ra quần lót...

- Trẻ đang có stress về tâm lý như: Stress ở trường học (chịu phạt hoặc bị chế giễu, bị lạm dụng...); mất mát do thương vong trong gia đình, chuyển trường lớp, chuyển nơi sống mới, có em mới sinh, cha mẹ ly hôn...

- Trẻ uống quá nhiều sữa, đồ uống có caffeine, hoặc thực phẩm gây dị ứng.

- Bàng quang hoạt động quá mức hoặc tăng nhạy cảm của bàng quang cũng có thể xảy ra khi thời tiết lạnh.

- Trẻ nhịn tiểu nhiều làm bàng quang đầy gây són tiểu, thói quen tiểu không hết bãi khiến trẻ phải tiểu nhiều lần.

- Trẻ hoạt động quá mức, kích thích bàng quang và không thể đi vệ sinh kịp thời.

- Bài tiết quá nhiều canxi trong nước tiểu (tăng canxi niệu).

- Rối loạn TIC như Hội chứng Tourette.

- Ngưng thở khi ngủ do bệnh lý khác.

- Trong trường hợp hiếm trẻ mắc Hội chứng són tiểu khi cười.

3. Xử trí khi trẻ bị tiểu dắt thế nào?

Tùy từng nguyên nhân để xử trí điều trị bệnh liên quan như nhiễm trùng tiểu, táo bón, các căng thẳng tâm lý…

3.1. Sử dụng thuốc trong xử trí tiểu dắt

Với trường hợp táo bón

Trong trường hợp trẻ có táo bón, cần phải được điều trị ổn định, càng để lâu càng nặng và khó điều trị đồng thời gây nên tình trạng tiểu dắt tái phát.

Về nguyên tắc cần giải phóng khối phân ùn ứ trước đó. Tốt nhất bằng các thuốc thụt tháo phân đường hậu môn trong vài ngày đầu, duy trì thuốc nhuận tràng trong ít nhất 06 tháng. Ngoài ra, kèm theo bắt buộc phải tập được thói quen ăn uống đủ nước, chất xơ và thói quen đi cầu hàng ngày vào một khoảng thời gian nhất định (thường sau ăn tối).

Một sai lầm khi dùng thuốc làm mềm phân đó là tâm lý lo lắng thuốc dùng lâu ảnh hưởng đến trẻ mà dừng thuốc quá sớm trước khi có được thói quen tốt như đã nói ở trên. Có hai loại thuốc nhuận tràng làm mềm phân phổ biến được dùng hiện nay là lactolose và macrogol 3350, cả hai đều được chứng minh là không có tác dụng phụ đáng kể ở liều điều trị.

 Lợi ích của men vi sinh để điều trị táo bón là không rõ ràng và không phải thuốc được khuyến cáo nhằm điều trị táo bón. Do đó, để có được hệ vi sinh đường ruột khỏe mạnh, nên bổ sung lợi khuẩn bằng thực phẩm lên men hoặc sữa chua thay vì uống thuốc.

Nhiễm khuẩn đường tiểu do vi khuẩn

Nếu trẻ được phát hiện ra có nhiễm khuẩn đường tiểu do vi khuẩn, bác sĩ sẽ cân nhắc sử dụng kháng sinh đường tiêm hoặc uống như amoxicilin + clavunanic, cefixim…. Thời gian điều trị thường 5-7 ngày. Lưu ý, nhiễm khuẩn tiết niệu có thể do virus, kháng sinh không có tác dụng điều trị, do đó không tự ý mua thuốc kháng sinh điều trị nếu trẻ bị tiểu dắt.

Dùng thuốc kháng cholinergic

Trong trường hợp các điều trị bệnh lý nền hoặc tập luyện, thay đổi thói quen không thành công, thuốc kháng cholinergic là oxybutynin thường được lựa chọn để kê đơn điều trị cho trẻ. Tác dụng phụ thường gặp của thuốc oxybutynin là gây ra táo bón, khô miệng, cảm giác nóng bừng mặt hoặc chịu nhiệt kém. Thuốc làm giảm co bóp bang quang. Vì vậy, chống chỉ định dùng đối với trẻ có bệnh lý bàng quang kém hoạt động, tiền sử bí tiểu, tiểu ngắt quãng…

Lưu ý, với trẻ không có bệnh lý, chỉ cần thay đổi việc ăn uống phù hợp, hướng dẫn trẻ đi vệ sinh đúng cách và giải quyết các vấn đề căng thẳng, đa phần tình trạng tiểu dắt ở trẻ sẽ ổn định trong khoảng 3 tuần. Mặt khác khi trẻ lớn hơn khả năng kiểm soát bàng quang tốt, són tiểu do căng thẳng cũng sẽ giảm dần.

Giải tỏa căng thẳng cho trẻ, không nên phạt hay trách mắng khi trẻ bị tiểu lắt nhắt…

3.2. Một số biện pháp can thiệp không dùng thuốc

- Giải tỏa các căng thẳng, giảm stress cho trẻ, không nên phạt, mắng hay cáu giận khi trẻ bị tiểu lắt nhắt, điều này khiến trẻ bị nặng hơn.

- Tránh caffeine, đồ uống công nghiệp... có thể kích thích bàng quang hoạt động quá mức

- Sử dụng "thời gian biểu" đi tiểu, khuyến khích trẻ đi tiểu ban ngày cách mỗi 2 – 3 giờ. Khen ngợi, trao phần thưởng cho bé khi tuân theo thời gian biểu.

- Khuyến khích trẻ không nhịn tiểu, tiểu hết bãi, thời gian khoảng vài phút đủ để hết nước tiểu và thư giãn các cơ khi đi tiểu với tư thế đúng (nhất là trẻ nữ nếu ngồi sát chân có thể làm trào ngược nước tiểu vào âm đạo gây són tiểu).

- Khi tắm, cần tránh xà phòng trên vùng sinh dục (ở trẻ em gái). Những chất này có thể gây kích ứng vùng sinh dục và làm tình tiểu nhắt nặng hơn.

- Trẻ gái để ngừa nhiễm trùng tiểu, cần vệ sinh sạch sẽ bộ phận sinh dục sau đi cầu, đi tiểu. Chú ý động tác lau hậu môn và dội nước sau mỗi lần đi cầu phải được thực hiện theo hướng từ trước ra sau để tránh trẻ đưa phân, vi khuẩn ngược lại bộ phận sinh dục.

- Trẻ trai phải vệ sinh rửa sạch đầu dương vật đặc biệt ở những trẻ bị hẹp bao qui đầu.

- Giun kim cũng là tác nhân đưa vi khuẩn lên gây viêm tiết niệu trẻ gái, do đó cần thiết phải tẩy giun định kì.

- Tăng cường chất xơ, uống đủ nước, luyện tập đi tiêu mỗi ngày… để ngừa táo bón.

Với trẻ không có bệnh lý, chỉ cần thay đổi việc ăn uống phù hợp, hướng dẫn trẻ đi vệ sinh đúng cách và giải quyết các vấn đề căng thẳng, đa phần tình trạng tiểu dắt ở trẻ sẽ ổn định trong khoảng 3 tuần.

4. Khi nào cần đi khám bác sĩ? 

Các bậc phụ huynh cần lưu ý:

Trẻ nên được khám, tư vấn của bác sĩ ngay khi có vấn đề để được sàng lọc bệnh lý khác và tư vấn.
 Vấn đề vấn chưa cải thiện sau khi đã khám và thực hiện các hướng dẫn thông thường khoảng 3 tuần.
 Bất kỳ vấn đề gì cha mẹ cảm thấy bất thường./.

Theo SK&ĐS

Chia sẻ bài viết