Người giúp “mẹ tròn con vuông”
Quyền Trưởng khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa Long An - bác sĩ (BS) Đào Kim Ngân chia sẻ: “Dù công tác gần 30 năm nhưng với tôi, lần đầu được chứng kiến từ lúc người mẹ chuyển dạ cho đến khi cháu bé cất tiếng khóc đầu đời luôn là khoảnh khắc ấn tượng không thể nào quên. Đến khi mang thai, sinh con, tôi càng cảm nhận được sự thiêng liêng của tình mẫu tử, càng thấu hiểu và cảm thông hơn với các sản phụ”.
Bác sĩ Đào Kim Ngân chăm sóc bệnh nhân
BS.Ngân còn nhớ, khi mới ra trường, về công tác tại Trung tâm Y tế huyện Châu Thành vào năm 1990, ngay đêm trực thứ hai, một mình tiếp nhận và cứu sống một ca vỡ thai ngoài tử cung, bệnh nhân mất gần 3 lít máu, hôn mê, trụy mạch. Ca trực ngày hôm sau lại gặp trường hợp thai vô sọ, cháu bé bị kẹt vai không thể kéo ra ngoài được, dù lúc ấy, kinh nghiệm còn “non” nhưng BS.Ngân nhanh chóng đưa ra quyết định bỏ con và làm mọi cách để giữ được tính mạng người mẹ. Hoặc, cũng có trường hợp sản phụ nhiễm HIV, cháu bé sinh ra bị ngạt, phải hồi sức sơ sinh. Dù thực hiện các biện pháp bảo hộ nhưng do thời gian quá gấp, BS.Ngân quên mang kính và nước ối văng vào mắt, phải uống thuốc phơi nhiễm. Khi ấy, vì lương tâm, trách nhiệm, người thầy thuốc còn quên cả bản thân, tính mạng của mình. Hay có những ca tai biến sản khoa, dù cố gắng hết sức nhưng bệnh nhân không qua khỏi, người thầy thuốc lại nặng trĩu lòng, nhiều ngày sau vẫn chưa thể lấy lại tinh thần vì còn ám ảnh. Từ đó, họ lại càng nỗ lực rèn luyện, học tập nhằm nâng cao chuyên môn, tạo niềm tin cho bệnh nhân khi gửi trao sức khỏe, tính mạng cho mình.
“Bên cạnh những áp lực, tôi cũng có những kỷ niệm rất đáng yêu mà mỗi lần nhớ lại vẫn thấy rất vui. Đây cũng là động lực để tôi phấn đấu hết mình với nghề đã chọn. Đó là khi bản thân mình cũng đang mang bầu, bụng rất to mà phải đi trực, thăm khám, đỡ sinh, nhiều thai phụ, sản phụ còn bất ngờ, hỏi thăm ngược lại BS. Lần mang thai cháu thứ 2, sắp đến ngày sinh rồi mà tôi vẫn phải trực tiếp mổ 4 ca. Hay có khi người nhà sản phụ bất ngờ tìm đến, biếu tận tay mấy món quà quê như quày dừa, túi gạo,... Tuy giá trị chẳng là bao nhưng tôi hạnh phúc vô cùng vì bệnh nhân vẫn nhớ đến mình!” - BS.Ngân xúc động.
Dù cùng là nghề Y, cùng mang trọng trách chăm lo sức khỏe cho bệnh nhân nhưng với khoa Sản, trách nhiệm, áp lực với đội ngũ y, BS là rất lớn vì phải “gánh vác” đến 2 sinh mạng: Mẹ và con. Cử nhân hộ sinh Bùi Thị Xuân Khởi - Trung tâm Y tế huyện Tân Hưng, cho biết: "Nếu để ý, các bạn sẽ thấy đôi bàn tay của các nữ hộ sinh khá gân guốc, bởi vì, với mỗi ca sinh thì chúng tôi cũng... mất sức, vất vả theo sản phụ, không chỉ động viên, tiếp sức mà còn theo dõi sức khỏe mẹ và bé. Hôm nào trực mà có nhiều ca sinh thì chúng tôi cũng rã rời hoặc có trường hợp cần cấp cứu, chuyển tuyến cũng phải túc trực theo. Những tai biến trước giờ tôi từng gặp là tiền sản giật và băng huyết sau sinh, dù tỷ lệ rất ít nhưng không phải là không xảy ra. Khi gặp trường hợp như vậy, đôi khi người nhà bệnh nhân nóng lòng, có thái độ cư xử chưa đúng mực, chúng tôi rất buồn nhưng cũng cố gắng vượt qua để tiếp tục công việc. Làm nghề Y, mong ước lớn nhất là được giúp sản phụ "mẹ tròn, con vuông"".
Tất cả vì tiếng cười trẻ thơ
Còn với BS Nhi khoa, việc chăm sóc, điều trị bệnh nhi lại có những nỗi niềm khác vì đối tượng này rất khác biệt với người lớn. Hơn nữa, các cháu thường sợ hãi nên ít khi “hợp tác”. Do đó, các BS phải là những người giỏi cả về chuyên môn lẫn tâm lý. Điều mà người viết ấn tượng là BS.Đỗ Thị Thúy Hằng - Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Long An, có một chiếc ống nghe hình con gấu, đèn pin màu xanh lá cây rất dễ thương và ngay cả thẻ đeo tên cũng được dán hình những con thú đáng yêu nhằm gây sự chú ý của các bé để BS thăm khám được chính xác. Hay có những trường hợp phải điều trị nội trú, cháu bé quấy khóc nhiều, người nhà sẽ báo tin khi nào cháu ngủ say để BS khám lại cho chính xác.
BS.Thúy Hằng bộc bạch: “Làm BS, chuyện đi sớm, về trễ là điều hiển nhiên. Có khi chính con của mình đang bệnh nhưng bản thân vì công việc vẫn không thể bên cạnh chăm nom, nhìn các bệnh nhi, tôi lại nhớ và lo cho con vô cùng. Bên cạnh đó, thể trạng các cháu non nớt nên người thầy thuốc càng phải chú ý, đặc biệt là cẩn trọng trong sử dụng kháng sinh. Tôi cũng là một người mẹ nên hiểu được cảm giác lo lắng, bất an khi con mình bị bệnh, nhất là những ca trẻ sinh non, phải nuôi trong lồng ấp, chiếu đèn, nuôi ăn tĩnh mạch,... Mỗi ca sinh non được cứu thành công, được trao về cho gia đình chăm sóc, chúng tôi cũng vui lây như con của mình vậy!”.
Bác si Nhi Khoa phải luôn có sự bao dung, nhẫn nại, thương yêu bệnh nhân “nhí”
Ông Nguyễn Văn Hiếu (ấp 1, xã Long Thạnh, huyện Thủ Thừa), ông ngoại cháu Võ Thị Linh Đan - trẻ sinh non 24 tuần tuổi, phấn khởi: “Cháu tôi sinh ra chỉ nặng có 800 gram, nhưng may mắn được các BS Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Long An cứu sống. Giờ đây, cháu được 10 tháng tuổi, phát triển bình thường như các trẻ khác. Gia đình tôi rất biết ơn các y, BS tận tâm cứu giúp cháu mình!”.
Thế mới thấy, các y, BS cũng vất vả chẳng kém gì người thân, ruột thịt của bệnh nhân. Do tính chất công việc với nhiều áp lực nhưng họ luôn nỗ lực vượt qua khó khăn, ngày đêm tận tụy chăm lo sức khỏe bà mẹ, trẻ em. Ai từng sinh con, được làm mẹ, chắc hẳn khó quên khoảnh khắc được ẵm trên tay sinh linh bé nhỏ của mình và được nhìn thấy con khỏe mạnh, khôn lớn từng ngày. Góp phần để niềm vui, tiếng cười của những gia đình nhỏ thêm trọn vẹn chính là sự hy sinh thầm lặng của các nữ hộ sinh, BS sản khoa./.
Cát Tường