Tiếng Việt | English

17/07/2018 - 15:37

Tiêu thụ trong nước giảm mạnh, thép Việt Nam đối mặt nhiều khó khăn

Hoạt động sản xuất tại Nhà máy Gang thép Lào Cai. (Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN)

Hoạt động sản xuất tại Nhà máy Gang thép Lào Cai. (Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN)

Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, tình hình sản xuất và bán hàng các sản phẩm thép trong tháng 6/2018 tăng khá so với cùng kỳ năm 2017. Tuy nhiên, so với tháng 5/2018, sản xuất và bán hàng thép các loại đều giảm lần lượt là 1,25% và 14,9%. 

Theo số liệu thống kê từ Hiệp hội này, sản xuất các sản phẩm thép tháng 6 đạt hơn 2 triệu tấn, giảm 1,25% so với tháng trước, nhưng tăng 28,4% so với cùng kỳ 2017. 

Bán hàng các sản phẩm thép đạt gần 1,8 triệu tấn, giảm 15% so với tháng trước, nhưng tăng 28,6% so với cùng kỳ năm 2017. 

Ở các mặt hàng cụ thể, sản lượng thép xây dựng sản xuất trong tháng 6/2018 đạt 806.252 tấn, giảm 5,13% so với tháng trước, nhưng tăng 10,8% so với cùng kỳ 2017. Bán hàng thép xây dựng đạt 778.146 tấn, giảm mạnh 25,6% so với tháng 5, nhưng tăng 4% so với cùng kỳ năm 2017.... 

Ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, cho biết sản lượng bán hàng thép xây dựng tháng 6/2018 đã giảm khá nhiều sau khi đạt mức bán hàng cao nhất trong tháng 5/2018 vừa qua, trong vòng 5 năm trở lại đây.

Xu hướng bán hàng thép xây dựng trong tháng 6 hàng năm thường có xu hướng giảm, một phần sắp bước vào tháng Bảy âm lịch, các công trình xây dựng tiến độ chậm. Tuy nhiên, so với cùng kỳ các năm trước, lượng bán hàng tháng này vẫn giữ ở mức khá. 

Tính chung 6 tháng, sản lượng sản xuất-bán hàng của các thành viên Hiệp hội vẫn tiếp tục đà tăng trưởng cao so với cùng kỳ 2017, đáp ứng nhu cầu thép trong nước và xuất khẩu. 

Song, ông Sưa cũng nhận định, thị trường thép toàn cầu tiếp tục được đánh giá là tiềm ẩn nhiều rủi ro về các xung đột thương mại từ các chính sách: Xung đột thương mại giữa Mỹ-Trung Quốc và các hậu quả đang diễn ra và những phát sinh từ các khoản thuế Mục 232 tiếp tục bao quanh thị trường thép toàn cầu. Tác động của thuế nhập khẩu 25% của Mỹ và các biện pháp bảo vệ môi trường đang diễn ra ở Trung Quốc. 

Theo Ủy ban châu Âu, các biện pháp trả đũa đối với các sản phẩm của Mỹ nhằm đáp trả thuế thép và nhôm của Mỹ có hiệu lực vào ngày 22/6. Thêm vào đó, xuất khẩu thép thành phẩm của Trung Quốc trong tháng Năm tăng tháng thứ tư liên tiếp. 

Những yếu tố này sẽ khiến cho thị trường trong nước và xuất khẩu vẫn được duy trì, nhưng thời gian tới sẽ khó khăn cho các nhà sản xuất/xuất khẩu của Việt Nam; bởi các nước đã và đang khởi xướng điều tra áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với các sản phẩm thép của Việt Nam, ông Sưa nói. 

Đại diện VSA cũng cho hay các tín hiệu tích cực từ nền kinh tế vĩ mô tạo tiền đề cho các ngành sản xuất trong nước 6 tháng đầu năm. Nhưng bên cạnh đó, cũng có những cảnh báo khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế theo chu kỳ trên thế giới có thể xảy ra. 

Việt Nam có độ mở lớn, có thể không rơi vào vòng xoáy của cuộc khủng hoảng này, nhưng sẽ bị ảnh hưởng cả về 3 mặt (tăng trưởng, lạm phát, thất nghiệp). 

Ngoài ra, giá USD đã tăng, thị trường chứng khoán giảm cả về điểm số, cả về giá trị giao dịch cũng rất có thể là những yếu tố sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng của ngành. 

Cũng theo Bộ Công Thương, tính chung 6 tháng đầu năm 2018, sản lượng sản xuất sắt thép thô; thép cán; thép thanh, thép góc tăng lần lượt là 43,7%; 5,3% và 16% so với cùng kỳ năm trước. 

Dự báo ngành thép 2018 sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng với mức tăng khoảng 20% so với năm 2017. Tuy nhiên, ngành này sẽ tiếp tục gặp khó từ tác động của chiến tranh thương mại Mỹ-Trung và tự vệ thương mại các nước. 

Do vậy, về phía Việt Nam, ông Dương Duy Hưng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch-Bộ Công Thương cho rằng, cần tiếp tục áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại theo đúng quy định để bảo vệ ngành thép Việt Nam trước áp lực cạnh tranh của sản phẩm thép nhập khẩu. 

Đặc biệt, nhanh chóng ngăn chặn sản phẩm thép cuộn sử dụng trong xây dựng đang bị gian lận dưới dạng thép khác để trốn thuế.../.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết


 
Liên kết hữu ích