Công trình đài xử bắn tại Khu di tích lịch sử Ngã tư Đức Hòa
1. Những ngày tháng 4 lịch sử, chúng tôi tìm về DTLS Ngã tư Đức Hòa (khu phố 3, thị trấn Đức Hòa, huyện Đức Hòa). Nhiều năm qua, khu di tích (KDT) được đầu tư, tôn tạo nhiều hạng mục như tượng đài đồng chí Võ Văn Tần có chiều cao 10m, khu công viên, cổng công viên, hàng rào bảo vệ, phù điêu tái hiện cuộc biểu tình ngày 04/6/1930, phòng trưng bày và đài xử bắn. Đồng thời, các di tích gốc như nhà Dinh quận Đức Hòa, hệ thống lô cốt cũng được trùng tu.
KDT được bao bọc dưới những hàng cây xanh thu hút du khách đến tham quan, tìm hiểu lịch sử. Anh Azid Giàu - thuyết minh viên KDT, cho biết: “KDT là điểm giáo dục lịch sử bổ ích cho các bạn trẻ. Riêng từ đầu năm 2019 đến nay, KDT đã đón 5.500 lượt khách đến tham quan, tìm hiểu, trong đó chủ yếu là học sinh trong và ngoài tỉnh. Ngoài ra, vào các ngày lễ, để tưởng nhớ công ơn của các thế hệ cha ông và giáo dục lịch sử, Huyện ủy, UBND huyện, Đoàn Thanh niên cũng thường tổ chức các đoàn đến viếng KDT”.
Em Lê Văn Nam - học sinh lớp 11, Trường THPT Võ Văn Tần, bày tỏ: “Trường nằm gần KDT nên em và các bạn thường được thầy cô tổ chức đến KDT thắp nhang tỏ lòng thành kính, biết ơn thế hệ cha ông. Qua KDT, chúng em biết nhiều hơn về lịch sử, truyền thống của quê hương”.
Đến KDT, khách tham quan sẽ hiểu rõ hơn về lịch sử của KDT Ngã tư Đức Hòa được xếp hạng cấp quốc gia. Đó là vào ngày 04/6/1930, đồng chí Châu Văn Liêm - Bí thư liên tỉnh Gia Định - Chợ Lớn và đồng chí Võ Văn Tần - Bí thư Quận ủy Đức Hòa, lãnh đạo hơn 5.000 nông dân Đức Hòa tập trung trước dinh quận trưởng đấu tranh chống sưu cao thuế nặng, chống đàn áp.
Cuộc biểu tình bị đàn áp đẫm máu, đồng chí Châu Văn Liêm cùng nhiều đồng bào, đồng chí khác đã hy sinh. Sau cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ, nhằm khủng bố tinh thần đấu tranh cách mạng của nhân dân Đức Hòa, thực dân Pháp lập đài xử bắn các chiến sĩ Nam kỳ khởi nghĩa quận Đức Hòa, cách dinh quận khoảng 200m. Chỉ trong tháng 7/1941 đã có 29 nghĩa quân Nam Kỳ khởi nghĩa ngã xuống nơi đây.
Còn trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, năm 1964, Sư đoàn 25 ngụy từ Quảng Ngãi về đóng quân tại khu vực dinh quận Đức Hòa. Ngã tư Đức Hòa trở thành trung tâm đầu não của địch, nơi xuất phát các cuộc hành quân càn quét, bắn phá cơ sở cách mạng của ta. Để triệt phá căn cứ này, lực lượng cách mạng đã nhiều lần tấn công.
2. Khu Công viên Tượng đài Long An “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc” được khởi công xây dựng từ năm 2005, rộng hơn 6ha, tọa lạc tại phường 5, TP.Tân An và được khánh thành vào ngày 28/4/2010. Khu công viên là công trình văn hóa tiêu biểu của tỉnh, nơi đây không chỉ là điểm tham quan, giải trí mà còn thể hiện rõ nét về truyền thống lịch sử của đất và người Long An trong kháng chiến.
Hiện vật trưng bày trong khu Công viên Tượng đài Long An “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc”
Ông Phan Văn Lợt - Trưởng ban Quản lý khu Công viên Tượng đài, cho biết: “Khu tượng đài gồm các hạng mục như tượng đài, khu trưng bày. Trong đó, không gian trưng bày một tổ hợp gồm các hộp hình, bảng giới thiệu nội dung, hình ảnh 8 chuyên đề về những chiến công đặc trưng, dấu ấn tiêu biểu trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước”.
Đến khu công viên, khách tham quan sẽ hiểu rõ hơn về lịch sử Long An với 8 chữ vàng “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc” được phong tặng. Đó là đầu năm 1966, quân Mỹ bắt đầu tham chiến trên chiến trường Long An. Khi đó, Tỉnh ủy phát động phong trào toàn dân đánh Mỹ bằng vũ khí thô sơ và phong trào thi đua chiến đấu để giành danh hiệu dũng sĩ diệt Mỹ, đồng thời mở nhiều đại hội chiến sĩ thi đua.
Hưởng ứng chủ trương của Tỉnh ủy, nhân dân Long An sản xuất gần 100.000 trái mìn, trái gài, lựu đạn để đánh Mỹ. Trong 2 năm 1966 và 1967, dân - quân Long An đánh bại nhiều cuộc hành quân càn quét quy mô lớn của Mỹ, tiêu diệt khoảng 1.000 tên địch, phá hủy nhiều phương tiện. Trong đó, nổi bật là chiến dịch 45 ngày đêm đánh Mỹ ở vùng hạ Cần Giuộc vào tháng 6 và tháng 7/1967.
Trong giai đoạn này, hình thái chiến tranh nhân dân ở Long An phát triển lên đến đỉnh cao. Trong đó, điển hình là vành đai Rạch Kiến tiêu diệt hàng ngàn tên Mỹ, 17 máy bay, 20 xe thiết giáp, thu nhiều phương tiện chiến tranh. Nhìn chung trong cả tỉnh, đánh Mỹ trở thành một phong trào rộng lớn, trong đó, nổi bật là vai trò của nhân dân. Đó là những bà mẹ tay không chặn xe tăng địch, những em bé vừa chăn trâu, vừa làm trinh sát cho bộ đội và dũng cảm lấy lựu đạn của địch để tiêu diệt địch.
Đoàn viên, thanh niên tìm hiểu lịch sử tại khu Công viên Tượng đài Long An “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc”
Trước thắng lợi vô cùng oanh liệt và vẻ vang ở vành đai diệt Mỹ ở Rạch Kiến, tại Đại hội Anh hùng và Chiến sĩ thi đua toàn miền Nam lần thứ 2 được tổ chức vào ngày 17/9/1967, Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam quyết định phong tặng tỉnh Long An 8 chữ vàng “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc”. Đó chính là sự đúc kết kinh nghiệm cho phong trào đánh Mỹ trên toàn miền Nam thời điểm đó cũng như biểu dương, ghi nhận kịp thời đối với Long An.
Những năm qua, khu công viên tượng đài luôn thu hút khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, tìm hiểu. Chỉ tính từ đầu năm 2019 đến nay, nơi đây đã tiếp hơn 6.500 lượt khách./.
Theo Phó Bí thư Tỉnh đoàn - Võ Trần Tuấn Thanh, Tỉnh đoàn luôn xác định công tác giáo dục truyền thống cho đoàn viên, thanh niên là một nhiệm vụ trọng tâm. Công tác này được thực hiện bằng nhiều hình thức như tuyên truyền, thi tìm hiểu qua các hội thi, hội diễn. Đặc biệt, vào những dịp lễ, các cấp bộ Đoàn thường xuyên tổ chức tham quan, về nguồn, tìm hiểu thực tế, viếng khu Công viên Tượng đài Long An “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc” và các DTLS trên địa bàn tỉnh như Khu di tích Cách mạng tỉnh, Khu Căn cứ Xứ ủy và Ủy ban Hành chính - Kháng chiến Nam bộ, Khu DTLS Vàm Nhựt Tảo, Khu lưu niệm Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Khu DTLS Ngã tư Đức Hòa,...
Qua những chuyến đi thực tế này, đoàn viên, thanh niên hiểu hơn về lịch sử, truyền thống của dân tộc. Cũng từ truyền thống Uống nước nhớ nguồn của dân tộc, hàng năm, đoàn viên, thanh niên trong tỉnh có nhiều hoạt động, việc làm thiết thực chăm lo gia đình chính sách, người nghèo, xây dựng nông thôn mới, chăm sóc các nhà bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ,...
|
Lê Đức