Tiếng Việt | English

08/10/2022 - 09:30

Tín dụng chính sách - 'chỗ dựa' cho người nghèo vươn lên

Nhờ nguồn tín dụng chính sách (TDCS) của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Long An, hàng trăm ngàn hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Nguồn vốn tín dụng chính sách góp phần giảm nghèo bền vững và xây dựng xã nông thôn mới

Trao “cần câu” cho người nghèo

Đảng và Nhà nước có nhiều chính sách hỗ trợ người nghèo với phương châm "Giảm dần chính sách cho không sang cho có điều kiện". Việc tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển sản xuất góp phần giúp người nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững; xóa dần tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Đảng và Nhà nước. Ông Hồ Văn Hạnh (ấp An Thạnh, xã An Ninh Tây, huyện Đức Hòa) bộc bạch: “Năm 2018, gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo, không có đất sản xuất, thu nhập chủ yếu dựa vào làm thuê, trong khi còn phải nuôi con nhỏ và người chị bị bệnh tâm thần. Chia sẻ với hoàn cảnh gia đình, xã tạo điều kiện cho tôi vay 50 triệu đồng từ NHCSXH để nuôi bò sinh sản. Nhờ tận dụng cỏ trồng xung quanh nhà kết hợp nấu rượu làm thức ăn cho bò nên chăn nuôi đạt hiệu quả, gia đình tôi vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống và hoàn trả vốn cho NHCSXH”.

Ông Lê Văn Chinh (ấp Cả Gừa, xã Thạnh Hưng, thị xã Kiến Tường) cũng nhờ nguồn vốn TDCS mà vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Được biết, thu nhập của vợ chồng ông Chinh chủ yếu từ làm mướn, trong khi phải nuôi 2 người con đi học nên kinh tế gia đình rất khó khăn. Năm 2016, ông Chinh được vay 20 triệu đồng thông qua tổ Tiết kiệm và Vay vốn ấp Cả Gừa để nuôi gà. Năm 2019, gia đình trả hết nợ và có nhu cầu tăng vốn vay để chuyển sang mô hình Trồng rau thủy canh kết hợp nuôi cá. Ông Chinh trải lòng: “Trồng rau mang lại hiệu quả kinh tế, lại phù hợp với những hộ có ít đất sản xuất. Được NHCSXH hỗ trợ vay 50 triệu đồng, tôi có điều kiện phát triển mô hình Trồng rau thủy canh kết hợp nuôi cá. Hiện tôi trồng được 300m2 rau thủy canh, thu nhập bình quân từ 12 - 15 triệu đồng/tháng”.

Góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo

Không riêng ông Hạnh, ông Chinh, thời gian qua, NHCSXH tỉnh trao hàng trăm ngàn chiếc "cần câu" cho người nghèo thay vì "con cá". Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội - Nguyễn Hồng Mai chia sẻ: “Nhận thức được tầm quan trọng của TDCS, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các huyện, thị xã, thành phố phối hợp UBND các cấp rà soát, bổ sung hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách để kịp thời hỗ trợ vốn vay; phối hợp NHCSXH tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các chương trình cho vay ưu đãi;...

Theo đó, trong 20 năm (2002 - 2022), nguồn TDCS của NHCSXH tỉnh hỗ trợ gần 953.000 lượt hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, ổn định cuộc sống và vươn lên thoát nghèo; xây dựng gần 430.000 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường; gần 102.000 hộ gia đình khó khăn về tài chính được vay vốn để nuôi con học hành,... Đến nay, hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 1,3%”.

Tại Hội nghị tổng kết 20 năm triển khai chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP, ngày 04/10/2002 của Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Tấn Hòa khẳng định: “TDCS xã hội đã trở thành một trong những giải pháp quan trọng, căn cơ để thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững. Nhờ đó, trong những năm qua, hộ nghèo của tỉnh giảm đáng kể, bình quân giảm hơn 15%/năm. Hơn hết, nguồn vốn TDCS còn góp phần từng bước ngăn chặn, đẩy lùi "tín dụng đen", thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhất là khu vực nông nghiệp, nông thôn và hoàn thành các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới”./.

Lê Ngọc

Chia sẻ bài viết