Tiếng Việt | English

17/02/2016 - 10:21

Tình đất, tình người từ lớp đờn ca tài tử

Đờn ca tài tử (ĐCTT) không chỉ là nét đặc trưng của người dân Nam bộ mà còn là sân chơi bổ ích, thu hút nhiều người, bởi tiếng đờn du dương, lời ca ngọt ngào thắm đậm tình quê hương. Qua đó, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị tinh thần của người dân Nam bộ qua bộ môn nghệ thuật ĐCTT, chùa Long Thạnh (huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) duy trì lớp ĐCTT tại chùa gần 3 năm.

Hội thi Tiếng hát dưới mái trường của lớp ĐCTT tại chùa Long Thạnh

Chùa Long Thạnh, nơi có Mái ấm Kim Chi - cưu mang những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên khắp mọi miền đất nước. Xuất phát từ tấm lòng yêu nghệ thuật và muốn đào tạo ra nhiều hạt giống mới cho bộ môn nghệ thuật ĐCTT, năm 2014, trụ trì chù Long Thanh – thầy Thích Quảng Tâm thành lập lớp ĐCTT tại chùa. Lớp có 30 thành viên tham gia, mỗi tuần sinh hoạt 2 lần. Người trực tiếp giảng dạy là các cô chú từ TP.HCM hoặc chủ nhiệm các câu lạc bộ ĐCTT trong tỉnh.

Thầy Thích Quảng Tâm cho biết: “Học sinh ở chùa là những em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được nhận nuôi và cho đi học. Các em rất cần một sân chơi bổ ích sau giờ học tập căng thẳng. Do đó, nhà chùa mở nhiều lớp mang tính chất nghệ thuật như: Múa lân, CLB Văn nghệ,… Năm 2013, ĐCTT được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, vì vậy nhà chùa mở lớp ĐCTT với hy vọng giới thiệu môn nghệ thuật này với nhiều đối tượng và đào tạo hạt giống mới, qua đó sẽ bảo tồn và phát huy giá trị tinh thần của người dân Nam bộ”.

Khi mới thành lập lớp ĐCTT, nhà chùa gặp nhiều khó khăn, do chưa có người đứng ra giảng dạy. Thầy Thích Quảng Tâm chủ động tìm đến các CLB ĐCTT, nghệ nhân dân gian,… trình bày nguyện vọng của mình, với hy vọng mời được các các nghệ nhân, các chủ nhiệm đến giảng dạy cho các em.

Nghệ nhân dân gian –Trần Thị Hồng Cúc chia sẻ: “Năm 2014, tôi được thầy Thích Quảng Tâm mời về dạy ĐCTT tại chùa. Hầu hết các em là người miền Trung hoặc miền Bắc nên học ĐCTT rất khó, các em phải tập nói giọng Nam bộ mới có thể học nhanh được,… Với sự tâm huyết của thầy Thích Quảng Tâm và lòng yêu nghệ thuật nhiều em có thể hát rất nhiều bài như điệu lý, điệu bắc,… trong bài Dạ cổ hoài lang”.

Nhiều em ở miền Trung, miền Bắc khi tham gia CLB ĐCTT đều cảm thấy thích thú và say mê. Em Nguyễn Thị Ngọc Linh, quê Đắc Nông cho biết: Khi được học ĐCTT, em có thể hát cho người dân quê em biết và hiểu về nghệ thuật ĐCTT. Em cũng có thể học được một cái nghề để tự nuôi sống bản thân. Em nhận thấy đây là một bộ môn nghệ thuật không kén người chơi, phù hợp với mỗi đối tượng và rất bổ ích”.

Dù năm tháng có lùi xa nhưng bộ môn nghệ thuật ĐCTT vẫn là nét sinh hoạt văn hóa được thực hành ở mọi lúc, mọi nơi, đồng thời nó không thể thiếu trong các lễ hội, ngày giỗ, cưới, sinh nhật, họp mặt,… Thế nhưng, nó cần được bảo tồn nét đặc trưng riêng của người dân Nam bộ để ĐCTT không chỉ sống mãi trong lòng người dân đất Việt mà còn của cả nhân loại./.

Lê Ngọc

Chia sẻ bài viết