Tiếng Việt | English

25/09/2015 - 21:24

Tình trạng thiếu giáo viên mầm non ở ĐBSCL chậm khắc phục

Theo đánh giá của Bộ GD&ĐT, tình trạng thiếu giáo viên mầm non ở một số địa phương ĐBSCL chậm được khắc phục.

Ngày 25/9, tại TP. Cần Thơ đã diễn ra Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Quyết định số 1033/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phát triển giáo dục, đào tạo và dạy nghề vùng ĐBSCL giai đoạn 2011-2015. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, dự và chỉ đạo Hội nghị.

Sau hơn 4 năm triển khai thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ, đến nay các tỉnh vùng ĐBSCL đã hoàn thành được các chỉ tiêu chủ yếu về giáo dục phổ thông. Tuy nhiên, khó khăn, hạn chế của giáo dục phổ thông vùng ĐBSCL là tỉ lệ bỏ học cao, cơ sở vật chất vẫn còn nhiều khó khăn, nhiều phòng học xuống cấp. Riêng lĩnh vực giáo dục thường xuyên của vùng ĐBSCL cũng gặp không ít khó khăn, nhất là mạng lưới các trung tâm chưa phủ kín ở các địa bàn khó khăn; cơ sở vật chất ở một số nơi còn nghèo nàn, số phòng học của Trung tâm giáo dục thường xuyên ở một số địa phương còn thiếu…

Theo đánh giá của Bộ GD&ĐT, tình trạng thiếu giáo viên mầm non ở một số địa phương ĐBSCL chậm được khắc phục, giáo viên tiểu học gần đủ định biên để đáp ứng dạy học 2 buổi/ngày; giáo viên THCS, THPT thừa so với quy định.


Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo hội nghị (ảnh: Hữu Trãi)

Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung vào phân tích các nguyên nhân của những bất cập, hạn chế trong công tác giáo dục, đào tạo và dạy nghề ở vùng ĐBSCL. Cụ thể như nguồn lực tài chính chưa đáp ứng yêu cầu bảo đảm chất lượng giáo dục. Một số chính sách, cơ chế tài chính chậm được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn; thiếu cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển giáo dục, đào tạo vùng ĐBSCL.

Phát biểu tại hội nghị Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng mặc dù vùng ĐBSCL trên nhiều phương diện vẫn còn là vùng trũng, tuy nhiên trong thời gian gần đây nhiều lĩnh vực của vùng có một số chỉ tiêu đạt và vượt so với một số khu vực khác như Duyên hải miền Trung và Tây Nguyên.

Về những khó khăn trên lĩnh vực giáo dục Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương cần đề ra nhưng giải pháp cụ thể trong quá trình thực hiện các chính sách phát triển giáo dục, đào tạo, dạy nghề tại từng địa phương. Từ đó làm rõ đặc thù, đề xuất, kiến nghị cụ thể về cơ chế, giải pháp tháo gỡ để giáo dục đào tạo và dạy nghề ĐBSCL có chuyển biến mạnh mẽ giai đoạn tới./.

PV/VOV - ĐBSCL

Chia sẻ bài viết