Tiếng Việt | English

23/11/2022 - 22:20

Tổ công nghệ số cộng đồng đưa chuyển đổi số đến người dân

Góp phần thực hiện chuyển đổi số (CĐS), tổ công nghệ số cộng đồng (TCNSCĐ) trở thành “cánh tay nối dài” của chính quyền địa phương trong việc hỗ trợ, hướng dẫn người dân sử dụng công nghệ số, phổ cập kỹ năng số cho người dân trên địa bàn tỉnh Long An.

Trang bị kiến thức cho thành viên tổ công nghệ số cộng đồng

TCNSCĐ có nhiệm vụ trực tiếp phổ biến, hướng dẫn người dân tiếp cận, sử dụng các phần mềm, công nghệ, nền tảng và dịch vụ số để phục vụ nhu cầu hàng ngày như học tập, giải trí, mua sắm, khám sức khỏe, giao dịch, tương tác với cơ quan nhà nước thông qua dịch vụ công trực tuyến, phản ánh, kiến nghị với chính quyền,... Chỉ trong quí II/2022, đội hình TCNSCĐ đã hình thành tại tất cả xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh với 996 tổ, có 5.324 thành viên. Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp Cục CĐS - Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tổ chức bồi dưỡng, tập huấn cho tất cả thành viên TCNSCĐ theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến. Thành viên TCNSCĐ được cung cấp thông tin về các chủ trương, chính sách liên quan CĐS; hướng dẫn cài đặt, sử dụng nền tảng, kỹ năng số.

Thành viên tổ công nghệ số cộng đồng tuyên truyền, hướng dẫn người dân về các dịch vụ số

Song song đó, UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động xây dựng kế hoạch, phối hợp Sở TT&TT, các doanh nghiệp có nền tảng số tổ chức tập huấn, nâng cao kiến thức về CĐS cho trên 4.200 đại biểu là cán bộ, công chức, viên chức và thành viên TCNSCĐ.

Tháng 11/2022, Sở TT&TT tập huấn trực tiếp cho 1.500 thành viên TCNSCĐ tại 15 huyện, thị xã, thành phố về nâng cao nhận thức CĐS, phổ cập kỹ năng số, sử dụng các nền tảng số (Long An số, tổng đài 1022, dịch vụ công trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt,...).

Tại huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An, sau khi tập huấn ở cấp huyện, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện tổ chức tập huấn cho từng xã, thị trấn. Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Hưng - Nguyễn Tuấn Anh cho biết, chỉ sau 10 ngày triển khai, toàn huyện thành lập được 55 TCNSCĐ tại 55 ấp, khu phố với 274 thành viên; đồng thời, tạo được 66 nhóm Zalo TCNSCĐ từ huyện đến xã.

Đưa chuyển đổi số vào cuộc sống

Phó Giám đốc Sở TT&TT - Bùi Nguyên Khởi cho biết, mặc dù mới thành lập nhưng nhờ tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn, cán bộ, công chức, viên chức, thành viên TCNSCĐ và người dân nắm rõ hơn về CĐS, tích cực tham gia sử dụng các nền tảng số, bước đầu đạt kết quả khả quan. Tính đến ngày 18/11/2022, hồ sơ nộp trực tuyến của toàn tỉnh đạt trên 56% (đạt mục tiêu năm 2022 của tỉnh); người dân gửi trên 330 phản ánh, kiến nghị đến tổng đài 1022 của tỉnh; trên 18.900 người dùng quan tâm cài đặt, sử dụng ứng dụng Long An số; nhiều sản phẩm, nông sản được đưa lên các sàn thương mại điện tử;...

Với tinh thần xung kích, tình nguyện, các thành viên TCNSCĐ “đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà” hướng dẫn người dân về CĐS. Bà Lê Thị Bé (SN 1960, ngụ khu phố 7, phường 2, TP.Tân An) chia sẻ: “Tôi tham gia TCNSCĐ với mong muốn chỉ dẫn người dân sử dụng các nền tảng số để thuận tiện trong việc giao dịch như sử dụng dịch vụ công trực tuyến, phản ánh, kiến nghị với chính quyền, thanh toán tiền điện, nước, mua hàng hóa,... Tổ công nghệ số khu phố 7, phường 2, TP.Tân An hiện có 5 thành viên. Chúng tôi được tập huấn về CĐS để giải đáp thắc mắc và tuyên truyền cho người dân trong khu phố”.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Mỹ (SN 1975, ngụ khu phố 6, phường 2, TP.Tân An) cho biết: “Được các thành viên TCNSCĐ đến tận nhà tuyên truyền về CĐS, tôi nhận thấy được nhiều lợi ích như đi chợ không cần dùng tiền mặt, chỉ cần có điện thoại là có thể thực hiện nhiều giao dịch”.

Hiện các địa phương hoàn thành việc thành lập TCNSCĐ và đưa vào hoạt động, bước đầu mang lại hiệu quả. Mô hình này không chỉ giúp người dân tiếp cận với CĐS mà còn mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp, những đối tượng đang chuyển dần sang phát triển kinh tế số./.

Trà Long

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích