Tiếng Việt | English

24/04/2017 - 09:58

Tổ hợp tác rau mang lại nhiều hiệu quả cho nông dân

Sự ra đời của Tổ hợp tác (THT) Rau Mười Hai, ở xã Long Khê, huyện Cần Đước giúp nông dân mở rộng sản xuất, áp dụng khoa học - kỹ thuật tiên tiến, tăng năng suất và nâng cao thu nhập.

Tổ hợp tác sử dụng công nghệ tưới tự động

Tổ trưởng THT Rau Mười Hai - Lê Văn Giấy cho biết: “Trước đây, gia đình tôi cũng như nhiều hộ nông dân trong xã phải sản xuất trên những thửa ruộng nhỏ, phân tán nên mất rất nhiều thời gian, chi phí trong sản xuất. Từ bất cập trên, tôi vận động các hộ dân cùng tích tụ ruộng đất để sản xuất quy mô lớn, đáp ứng tốt nhu cầu liên kết, liên doanh tìm đầu ra cho sản phẩm”.

THT được thành lập cách nay hơn 1 tháng với 38 thành viên, tổng diện tích sản xuất 10ha; hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, cùng trao đổi kinh nghiệm và đề cao tinh thần tương thân, tương ái, giúp đỡ nhau trong sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, vì sự phát triển chung. Nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, các thành viên THT chú trọng ứng dụng khoa học - công nghệ, đó là dùng phương pháp che phủ lưới và dùng hệ thống tưới tự động. Việc làm này giúp hạn chế cỏ dại, sâu bệnh, đặc biệt là bảo vệ đất, hạn chế xói mòn, bảo vệ môi trường. Đây là THT đầu tiên trên địa bàn xã áp dụng công nghệ tưới tự động.

Cũng theo ông Giấy: “Hiện nay, các thành viên THT đều sử dụng hệ thống tưới tự động. Mô hình này, tôi cùng các thành viên áp dụng sau khi tham quan thực tế tại Đồng Tháp, nông dân ở đây sử dụng hệ thống trên cho cây ăn trái. Sau khi về, chúng tôi áp dụng hệ thống tưới này trên cây rau. Giá lắp đặt hệ thống tưới tự động khoảng 15 triệu đồng cho 0,1ha đất và thời gian sử dụng khoảng 6 năm. Hệ thống tưới tự động có rất nhiều ưu điểm: Chúng ta có thể ngồi tại nhà điều khiển tự động bằng remote, không phải ra đồng tưới như trước, không tốn công lao động; tốn ít phân bón, bảo đảm cho cây trồng có độ ẩm tốt, rau phát triển nhanh hơn;... Không chỉ vậy, áp dụng phương pháp tưới này có thể giảm sử dụng thuốc trừ sâu khoảng 50% và rút ngắn thời gian thu hoạch rau từ 5-6 ngày”.

Ông Lê Công Thụ, thành viên THT phấn khởi: “Khi tham gia THT, chúng tôi giúp đỡ, hỗ trợ nhau trong sản xuất, sử dụng hệ thống tưới tiên tiến. Bên cạnh đó, tham gia THT, các thành viên đẩy mạnh việc tích tụ ruộng đất, mở rộng sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, nông dân cũng yên tâm sản xuất hơn”.

Sản xuất rau theo hướng sản phẩm sạch, an toàn

Vui mừng không kém ông Thụ, anh Lê Phước Tồn chia sẻ: “THT có những hướng đi phù hợp nhằm nâng cao giá trị trên một diện tích canh tác. Mô hình sản xuất này còn góp phần thay đổi tư duy sản xuất nhỏ, lẻ, tự cung, tự cấp của nông dân để hướng đến sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Ngoài việc sản xuất, thời gian tới, THT hướng tới nền nông nghiệp sạch, chú trọng các khâu sản xuất an toàn từ chọn giống đến cách chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh. Ngoài ra, các thành viên THT còn duy trì hoạt động kiểm tra, giám sát chéo để nâng cao tinh thần tự giác trong việc bảo đảm sản xuất sản phẩm sạch”.

Theo Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cần Đước - Nguyễn Thị Cẩm Vân: “Đây là THT sản xuất theo hướng mới, công nghệ tưới tự động và chú trọng sản xuất theo hướng sản phẩm sạch, an toàn. Do THT mới thành lập nên sản phẩm chủ yếu bán tại các chợ, chưa có đầu ra ổn định. Thời gian tới, để ổn định đầu ra cho sản phầm, huyện sẽ hỗ trợ THT thực hiện quy trình chứng nhận VietGAP, đăng ký an toàn thực phẩm, xúc tiến thương mại đầu ra cho sản phẩm”./.

Lê Huỳnh

Chia sẻ bài viết