Mỗi chuyến đi, mỗi cuộc phỏng vấn nhân vật cho tôi những bài học kinh nghiệm khác nhau
Từ những bài báo đầu tiên
Cũng như bao bạn trẻ mới ra trường, tôi tìm kiếm cơ hội việc làm ở nhiều nơi nhưng may mắn chưa mỉm cười. Có nơi tuyển dụng lại không phù hợp với chuyên môn, có nơi môi trường làm việc chưa được như ý muốn. Thế là cứ loay hoay với việc nộp hồ sơ, chờ phỏng vấn, đợi kết quả,... Cầm trên tay tấm bằng chuyên ngành Luật Kinh tế, tôi hình dung ra công việc sắp tới của mình sẽ là tư vấn về luật cho các doanh nghiệp. Rồi một lần được người quen gợi ý khi có thông tin tuyển dụng, tôi nộp hồ sơ vào Báo Long An nhưng lại chưa nghĩ ra được mình sẽ làm gì, viết như thế nào, lấy tư liệu ra sao,...? Nghề báo thật quá mới mẻ với tôi!
Tố chất đầu tiên để làm báo là vốn từ và khả năng sử dụng ngôn ngữ - điều này tôi chưa có. Được sự động viên của nhiều người và cũng muốn thử sức mình ở một lĩnh vực còn khá mới mẻ với bản thân, tôi quyết định đến với nghề báo. Hành trình làm phóng viên của tôi bắt đầu bằng cuộc phỏng vấn một chủ tịch UBND xã về xây dựng nông thôn mới. Mặc dù đã chuẩn bị rất kỹ, tìm hiểu từng vấn đề về xây dựng nông thôn mới như các tiêu chí, quá trình thực hiện các tiêu chí, sự đồng lòng của người dân,... nhưng khi bước vào cuộc phỏng vấn, tôi không khỏi lúng túng. Những lúc tôi "bí" câu hỏi, anh đồng nghiệp "đỡ lời", tiếp tục hỏi về những vấn đề tôi chưa biết. Bài học đầu tiên tôi học được là phải hiểu rõ nội dung cần phỏng vấn và phải "làm chủ" buổi phỏng vấn, không để cuộc trò chuyện trở nên quá "nhạt". Phỏng vấn nhân vật là cả một nghệ thuật mà không thể học trong "ngày một, ngày hai". Mỗi chuyến đi, mỗi cuộc phỏng vấn cho tôi những bài học khác nhau. Và quyển sổ tay của tôi bắt đầu dày đặc những con chữ, có câu chuyện của nhân vật, có cả những điều tôi học được qua những bài viết, cả những lưu ý cho bài viết lần sau.
Bài báo đầu tiên của tôi xuất hiện trên Báo Long An là bài viết về xây dựng nông thôn mới ở xã Tân Lập, huyện Mộc Hóa. Bài viết được chỉnh sửa rất nhiều. Cảm giác của tôi lúc đó vừa vui mừng, vừa tự ti. Mừng vì sản phẩm đầu tay của mình được đón nhận, còn tự ti khi bài viết được sửa quá nhiều. Các anh chị đồng nghiệp lại động viên nên thay vì tự ti tôi chuyển sang học hỏi, đọc lại bản gốc xem đã được chỉnh sửa những gì, tại sao đoạn này lại được đặt lên trước đoạn kia, tại sao lại dùng từ này mà không dùng từ kia,... tôi cẩn thận ghi vào quyển sổ tay. Những lần sau nữa, những tin, bài xuất hiện trên mặt báo, tôi tự tin hơn. Và mỗi khi nhận được lời động viên của đồng nghiệp "bài này viết tốt hơn bài trước rồi nè", tôi lâng lâng cả ngày.
Yêu từng chuyến đi, quý từng nhân vật
Nghề báo cho tôi những cảm xúc, trải nghiệm đặc biệt
Nghề báo là một nghề đặc thù, không phải ngày ngày đến cơ quan làm văn phòng. Phóng viên có sự tự do và thoải mái nhất định. Sáng, chúng tôi có thể rủ nhau cà phê, giở từng trang báo đọc bài của mình và của đồng nghiệp. Đọc báo cũng là một cách để có thêm nguồn tư liệu. Cứ mỗi sáng, tôi lại đọc báo và ghi chi chít vào quyển sổ tay những tư liệu mình cần. Không chỉ đọc Báo Long An, tôi còn tìm đọc các báo khác để học hỏi thêm kinh nghiệm. Thấy những bài viết hay, tôi lưu lại rồi tìm hiểu xem ở địa phương mình có làm được những điều như thế không. Trong buổi cà phê trò chuyện cùng nhau cũng có rất nhiều đề tài được gợi ý từ cuộc sống hàng ngày, sự quan tâm của người dân. Thì ra, đi cà phê cũng là một cách thu thập thông tin, tìm kiếm đề tài!
Càng đi, tôi càng yêu những chuyến đi và quý từng nhân vật. Tôi học ở họ rất nhiều điều từ sự vượt khó vươn lên, từ cách nghĩ cho người khác, từ tình yêu thương dành cho nhau.
Nhớ lần viết bài về Mái ấm An Lạc (huyện Cần Giuộc), khi nghe kể về hoàn cảnh một trẻ nhỏ được người cha bỏ trước cổng mái ấm lúc nửa đêm rồi gọi điện thoại nhờ sư cô nuôi giùm, tôi lặng người. Chắc người cha cũng đau đớn lắm khi phải từ bỏ đứa con. Và những người tại Mái ấm An Lạc đã dang rộng vòng tay cưu mang bé. Tôi tự hỏi vì sao những người không cùng "máu mủ ruột rà" lại có thể yêu thương bé như vậy? Và câu trả lời của những người ở mái ấm khiến tôi rưng rưng: "Chúng tôi không thương bé thì ai sẽ thương đây?". Chia tay mái ấm, tôi nhớ mãi câu nói của một nhân viên nơi đây: "Ai đi qua Cần Giuộc, hãy ghé Mái ấm An Lạc một lần và tặng cho các con một cái ôm, vì thứ các con cần là sự an ủi và hơi ấm gia đình".
Rồi có những lần không hẹn được nhân vật hay không được tiếp đón vì "kỵ" nhà báo, tôi hụt hẫng nhưng lại nghĩ nghề nào cũng vậy, có vui cũng có buồn, mình chỉ cần cố gắng hết khả năng là được.
Đến với nghề báo, tôi bắt đầu cập nhật thêm nhiều kiến thức từ chính trị, xã hội đến văn hóa. Tôi đọc sách, đọc những tác phẩm của đồng nghiệp để hiểu sâu hơn về công việc của một phóng viên. Kỹ năng viết là một yếu tố quan trọng trong nghề báo, tôi bắt đầu học cách dùng từ, sử dụng ngôn ngữ phù hợp với từng thể loại báo chí. Và điều đòi hỏi ở một phóng viên là phải xây dựng được mối quan hệ tốt, như vậy mới có được những nguồn tin chất lượng.
Nghề báo không chỉ đơn thuần là viết mà còn đòi hỏi nhiều kỹ năng và phẩm chất khác nhau. Và tôi luôn tìm cách học hỏi, nỗ lực để tiến xa hơn, mục tiêu gần nhất là được trở thành phóng viên chính thức.
Dù khó khăn nhưng nghề báo mang đến rất nhiều điều thú vị, mang đến cho tôi cơ hội gặp gỡ và giao tiếp với nhiều người. Điều này mở ra cơ hội kết nối và học hỏi từ những người có kiến thức và kinh nghiệm đặc biệt.
Tôi hiểu rằng, để trở thành một phóng viên chuyên nghiệp cần có sự nỗ lực rất lớn, điều quan trọng là phải có lòng tin vào bản thân và sẵn lòng học hỏi, thay đổi để phù hợp với sự phát triển của nghề./.
Chí Đang